Khi ly hôn, việc phân chia tài sản thừa kế gây nhiều khó khăn và vướng mắc cho nhiều cặp vợ chồng. Khi các cặp vợ chồng ly hôn thắc mắc không biết liệu rằng tài sản thừa kế có phải chia khi ly hôn hay không?
Tài sản thừa kế được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng?
Và cách chia tài sản thừa kế khi ly hôn như thế nào để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các bên?
Với bài viết này, Luật Trần và Liên Danh sẽ tháo gỡ những thắc mắc và hướng dẫn rõ hơn về chia tài sản thừa kế sau hôn nhân theo quy định mới nhất hiện nay.
Thế nào là tài sản thừa kế?
Để phân chia tài sản thừa kế khi ly hôn thì trước hết các cặp vợ chồng phải hiểu thế nào là tài sản thừa kế?
Theo quy định pháp luật thừa kế, tài sản thừa kế được hiểu là những tài sản thuộc sở hữu của người chết để lại.
Nó là sự chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống được hưởng thừa kế, được Nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện.
Đây là khái niệm cơ bản nhất về tài sản thừa kế mà mỗi cặp vợ chồng ly hôn phải biết trong trường hợp tranh chấp về tài sản thừa kế.
Tài sản thừa kế là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về tài sản riêng của vợ chồng thì tài sản thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân của mỗi bên vợ chồng sẽ là tài sản riêng của người đó.
Trừ trường hợp vợ chồng có văn bản thỏa tài sản riêng của vợ chồng.
Đối chiếu với quy định nêu trên cho thấy, khi xác định tài sản thừa kế sau hôn nhân là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng thì có thể xảy ra các trường hợp sau:
Nếu tài sản thừa kế là tài sản vợ chồng được thừa kế riêng và hai vợ chồng không có thỏa thuận về việc hợp nhất khối tài sản này thành tài sản chung thì tài sản đó vẫn là tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Do đó, nếu được xác định là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản thừa kế này không phải chia khi ly hôn.
Nếu tài sản thừa kế là tài sản được thừa kế chung vợ chồng hoặc là tài sản được thừa kế riêng nhưng vợ chồng có văn bản thỏa thuận về việc hợp nhất khối tài sản này thành tài sản chung thì phần tài sản này sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Và khi vợ chồng ly hôn, về nguyên tắc cần phân chia tài sản chung đó theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể để xác định tài sản thừa kế là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng.
Và tài sản thừa kế có phải chia khi ly hôn hay không sẽ phụ thuộc vào bản chất của nó và thỏa thuận của vợ chồng.
Tài sản thừa kế có phải chia khi ly hôn không?
Sau khi đã xác định được tài sản thừa kế là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng thì áp dụng nguyên tắc chia tài sản sau khi ly hôn theo quy định như sau:
Đối với tài sản thừa kế là tài sản riêng của vợ chồng, tài sản thừa kế sẽ không phải chia khi ly hôn mà thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng (theo khoản 4 Điều 9 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014).
Trong trường hợp tài sản thừa kế được xác định là tài sản chung thì về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn có quyền thỏa thuận với nhau về phân chia tài sản.
Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được chia tài sản chung thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản sau khi ly hôn.
Khi đó, Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý chia tài sản chung của vợ chồng như sau:
Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng luật chia tài sản theo quy định.
Nguyên tắc cơ bản là chia đôi cho mỗi bên vợ chồng, trong đó có tính đến các yếu tố như công sức đóng góp của mỗi bên vợ chồng vào khối tài sản chung, yếu tố lỗi dẫn đến việc vợ chồng phải ly hôn…
Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Khi đó, nguyên tắc chia đôi tài sản cho mỗi bên được áp dụng. Tuy nhiên, có tính đến các yếu tố như:
Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;
Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng dẫn tới việc vợ chồng ly hôn để xác định tỷ lệ phân chia tài sản khi ly hôn.
Thế nào là tài sản trong thời kỳ hôn nhân?
Thưa luật sư! Tôi có 1 ngôi nhà và 1 con gái trước khi kết hôn lần thứ 2, năm nay cháu 13 tuổi. Hiện nay em trai tôi muốn tặng riêng tôi một căn nhà nữa và đồng thời tôi cũng bán căn nhà của tôi đã có trước hôn nhân để mua 1 căn hộ mới.
Lần kết hôn thứ 2 này tôi đã có 1 cháu trai nay 2 tuổi là con chung và chồng tôi trước đó đã có con riêng nay 18 tuổi.
Tôi phải làm gì để cả căn hộ mới và căn hộ tôi được tặng là thuộc quyền sở hữu riêng của tôi để khi chết tôi có thể cho 2 con của tôi thừa kế mà không trở thành tài sản chung?
Rất mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ quy điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
Tài sản riêng của vợ, chồng:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Thứ nhất, các tài sản bạn đã có trước khi kết hôn mà ở đây là căn nhà thuộc sở hữu riêng của bạn, bạn chỉ cần lưu giữ giấy tờ chứng minh đó là tài sản bạn có trước khi kết hôn để tránh các tranh chấp phất sinh không cần thiết là được, ngoài ra bạn cần lưu ý không ký các văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng của bạn vào khối tài sản chung vợ chồng là được. Theo quy định trên, thì:
Thứ hai, trong thời kỳ hôn nhân, các tài sản bạn được tặng cho riêng sẽ được coi là tài sản riêng của bạn mà không thuộc tài sản chung vợ chồng.
Trường hợp này, bạn cũng cần phải chứng minh các tài sản đó là tài sản được tặng cho riêng, ở đây bạn có thể thực hiện việc ký hợp đồng tặng cho riêng với em trai bạn để sau này hợp đồng đó sẽ là bằng chứng chứng minh căn nhà đó là tài sản riêng của bạn.
Thứ ba, bạn cần lưu ý là, trường hợp sau này nếu bạn chết mà không để lại di chúc, thì khi chia di sản thừa kế, chồng và các con của bạn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ đều được chia như nhau. Mặt khác, con riêng của chồng bạn đã trên 18 tuổi không thuộc hàng thừa kế nên sẽ không được chia di sản do bạn để lại.
Mua đất bằng tài sản riêng thì chia thế nào khi ly hôn?
Thưa luật sư, xin hỏi: Cách đây 1 năm khi còn độc thân, tôi có mua 1 mảnh đất A, giấy tờ chứng nhận đứng tên riêng 1 mình tôi. Năm nay thì tôi đã kết hôn và giờ tôi lại muốn bán mảnh đất A riêng đó để lấy tiền mua mảnh đất mới B vậy mảnh đất B này tôi muốn đứng tên riêng 1 mình tôi được không? Mảnh đất B này có được tính là tài sản riêng của tôi không?
Cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ở trên thì Đối với mảnh đất B là tài sản riêng của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ấy.
Theo quy định trên đây, việc bạn bán mảnh đất A và sử dụng tiền đó để mua mảnh đất B thì mảnh đất B vẫn được coi là tài sản riêng của bạn.
Tuy nhiên, để phòng tránh các tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai, bạn nên lưu giữ các hồ sơ, giấy tờ chứng minh việc bạn sở hữu mảnh đất B hoàn toàn dựa trên số tiền có được từ tài sản riêng của bạn như các biên lai thu nộp tiền, hợp đồng mua bán.
Tư vấn xác định nguồn gốc tài sản là tài sản riêng?
Thưa luật sư trong thời gian sống li thân vợ tôi bán 1/2 nhà đất tài sản chung, chia cho tôi 1/2 số tiền. Tôi dùng số tiền đó mua một miếng đất để ở riêng. Đất này có được coi là tài sản riêng hay không ?
Mong luật sư giúp đỡ! Xin cảm ơn!
Trả lời:
Hai bạn đang ly thân nhưng chưa ly hôn nên đây được coi là chia tài sản chung trong trời kỳ hôn nhân. Căn cứ điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”.
Theo quy định này, việc chia tài sản chung là quyền sử dụng đất của hai vợ chồng bạn phải được lập thành văn bản và phải được công chứng chứng thực. Sau khi chia tài sản chung thì hậu quả pháp lý theo quy định tại khoản 1 điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:
Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
Theo như quy định trên, sau khi chia thì phần tiền bạn được sẽ là tài sản riêng của bạn và theo quy định tại khoản 2 điều 43 luật hôn nhân và gia đình thì mảnh đất bạn mua bằng tài sản được chia sẽ là tài sản riêng của bạn.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp giúp bạn giải đáp thắc mắc về chia tài sản thừa kế sau hôn nhân theo quy định của pháp luật hiện hành.
Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật dân sự trực tuyến qua HOTLINE của Luật Trần và Liên Danh.