Thủ tục cha nhận con

thủ tục cha nhận con

Thủ tục cha nhận con là thủ tục nhằm xác định quan hệ nhân thân giữa cha, mẹ, con, là cơ sở thực hiện các quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình. Để tìm hiểu về thủ tục này, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây để được cung cấp thông tin chi tiết.

Điều kiện xác nhận cha, con

Theo quy định tại Điều 89 của Luật Hôn nhân gia đình 2014, cả cha mẹ và con cái đều có quyền xác định và thừa nhận quan hệ huyết thống với nhau

  • Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
  • Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Đồng thời tại Điều 30 Nghị định 126/2014/NĐ-CP cũng quy định:

  • Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam chỉ được thực hiện nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp hồ sơ;
  • Việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con.
  • Trường hợp một hoặc cả hai bên không còn sống tại thời điểm nộp hồ sơ hoặc có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con thì vụ việc do Tòa án giải quyết.
  • Trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha, trừ trường hợp mẹ hoặc cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó.
  • Con đã thành niên nhận cha hoặc mẹ không cần có sự đồng ý của người còn lại
  • Trường hợp con chưa thành niên nhận cha thì mẹ làm thủ tục nhận cha cho con, nhận mẹ thì cha làm thủ tục cho con. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha mà người mẹ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhận mẹ mà người cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ làm thủ tục nhận cha hoặc nhận mẹ cho con.

Người có quyền yêu cầu xác nhận cha cho con

Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con như sau:

Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này.

Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:

  • Cha, mẹ, con, người giám hộ;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

Hồ sơ yêu cầu xác nhận cha nhận con

– Trường hợp yêu cầu Tòa án xác nhận mối quan hệ cha con là khi có tranh chấp về vấn đề xác nhận  thì hồ sơ cần phải có là:

  • Đơn khởi kiên yêu cầu xác nhận cha, con;
  • Sổ hộ khẩu bản sao có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu (bản sao có công chứng, chứng thực);
  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, con.

Khi đi nộp hồ sơ người yêu cầu phải xuất trình căn cước công nhân hoặc chứng minh thư nhân dân để làm căn cứ chứng minh tư cách pháp lý để nộp hồ sơ yêu cầu. Kèm theo đó mang sổ hộ khẩu để xác minh cơ quan Tòa án nào có thẩm quyền để giải quyết việc yêu cầu đó để hướng dẫn cho người yêu cầu nộp hồ sơ đúng nơi có thẩm quyền để giải quyết.

Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì Tòa án có thẩm quyền phải thông báo về vấn đề thụ lý hay không thu lý hồ sơ cho người yêu cầu, trường hợp không thụ lý thì phải nêu rõ lý do vì sao không thụ lý. Thời hạn giải quyết sẽ là từ bốn đến sáu tháng.

– Trường hợp không có tranh chấp có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền sẽ nộp những hồ sơ sau:

  • Tờ khai theo mẫu quy định;
  • Bản chính hoặc bản sao Giấy khai sinh của con;
  • Bản chính chứng minh nhân dân và hộ khẩu của cả hai bên;
  • Giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con;
  • Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân người nước ngoài (đối với trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau).
  • Giấy chứng tử của cha, mẹ (trong trường hợp cha mẹ đã chết).

Khi làm thủ tục cam kết có mối quan hệ huyết thống thì công chức Tư pháp – Hộ tich có nghĩa vụ giải thích cho những người liên quan về hậu quả pháp cũng như trách nhiệm của họ nếu họ làm chứng hay cam đoan sai sự thật. Trường hợp họ làm chứng sai sự thật thì việc đăng kí hộ tịch xác định cha, con đó sẽ không có giá trị pháp lý và sẽ bị hủy bỏ.

 
thủ tục cha nhận con
thủ tục cha nhận con

Thẩm quyền xác định cha nhận con

Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình 2014, thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con được quy định như sau:

  • Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
  • Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

  1. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.”

Về thẩm quyền giải quyết, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

  1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
  2. Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này;”

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

  1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
  2. Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân … có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Thủ tục xác nhận cha cho con

Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo trình như sau:

  1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp hồ sơ đề nghị nhận cha, mẹ, con tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật
  2. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu

Trường hợp không có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

  • Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch.
  • Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 44 Luật Hộ tịch 2014:

  • Công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở UBND cấp huyện 07 ngày liên tục, gửi văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết 07 ngày liên tục tại trụ sở UBND cấp xã.
  • Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con. Nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Đăng ký nhận cha cho con trong một số trường hợp đặc biệt

Theo Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP đăng ký nhận cha, mẹ, con trong một số trường hợp đặc biệt giải quyết như sau:

  • Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống với người cha, khi cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với mẹ thì không cần có ý kiến của mẹ .
  • Con do vợ sinh ra trước đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
  • Con do vợ sinh ra trước đăng ký kết hôn, chưa đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
  • Con do vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trên đây là bài viết về đăng ký nhận cha cho con. Nếu quý khách còn vướng mắc pháp lý liên quan đến thủ tục này hay cần giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139