Nhãn hiệu tập thể

nhãn hiệu tập thể

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo làng nghề truyền thống hay sản xuất, kinh doanh các sản vật địa phương tương đối phổ biến. Nhằm bảo hộ thương hiệu cho một loại sản phẩm chung của một tập thể, từ đó, hướng tới quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương và tạo thế cạnh tranh công bằng cho sản phẩm này trên thị trường, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã quy định về nhãn hiệu tập thể và việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Vậy, nhãn hiệu tập thể là gì? Bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ giúp quý bạn đọc có cái nhìn tổng quát về nhãn hiệu này:

Nhãn hiệu tập thể là gì?

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu được một tập thể hay tổ chức sở hữu. Các tổ chức này có thể là hiệp hội, tổng công ty hay hợp tác xã, họ sẽ đưa ra một bộ quy chuẩn chung dành cho các thành viên thuộc tổ chức. Cụ thể, tổ chức đưa ra quy định về việc sản phẩm hoặc dịch vụ của các thành viên phải đạt chất lượng nhất định của tổ chức mới có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể. Các quy chuẩn của nhãn hiệu tập thể do tổ chức đề ra phải tuân theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”.

Có thể hiểu nhãn hiệu tập thể (NHTT) là nhãn hiệu thuộc sở hữu của một tập thể các nhà sản xuất (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân). Tập thể đó thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty,… Họ sẽ xây dựng quy chế chung về việc sử dụng (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất,…) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

Nhãn hiệu tập thể khác gì với nhãn hiệu thông thường?

Vì NHTT được sở hữu bởi một tổ chức nhưng bản thân tổ chức lại không trực tiếp sử dụng nó mà từng thành viên của tổ chức sử dụng và khai thác các quyền đối với nhãn hiệu đó, đồng thời phải tuân thủ theo các quy định chung đã thiết lập. Do đó loại nhãn hiệu này chịu sự ràng buộc giữa các thành viên khác trong tổ chức. Việc dịch chuyển quyền phải được tất cả các thành viên đồng ý.

Mặt khác, khi đăng ký nhãn hiệu tập thể ngoài những tài liệu giống như đăng ký nhãn hiệu thông thường, người nộp đơn phải nộp kèm theo quy chế sử dụng. Quy chế sử dụng thường bao gồm những nội dung sau:

  1. Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
  2. Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
  3. Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
  4. Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
  5. Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.

Đặc biệt, tại điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 có quy định: Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ có thể được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại nhãn hiệu này vẫn còn khá mới mẻ nên có rất ít đơn đăng ký.

Quy định sử dụng nhãn hiệu tập thể

Các quy định này phải ngắn gọn, nhưng nêu rõ:

– Ai có quyền sử dụng nhãn hiệu và quyền sử dụng dựa trên những điều khoản nào

– Hậu quả sẽ là gì nếu các thành viên vi phạm quy định, ví dụ nếu nhãn hiệu được sử dụng bởi người không có quyền sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách

– Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn đối với người sử dụng nhãn, ví dụ liệu chủ sở hữu nhãn hiệu nên có quyền kiểm tra liệu hàng hóa của người dùng có tuân thủ các yêu cầu chất lượng đã đề ra hay không

– Trách nhiệm mà chủ sở hữu phải chịu cho việc sử dụng sai quy định của bất kỳ ai

– Liệu chủ sở hữu nên có nghĩa vụ, ví dụ kiện bất cứ ai lạm dụng nhãn hiệu dẫn đến thiệt hại không

Điểm đặc biệt của nhãn hiệu tập thể

Chủ tổ chức với tư cách là người sở hữu nhãn hiệu tập thể được hưởng quyền lợi tương tự giống với chủ sở hữu nhãn hiệu thông thường, đều có quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu trên cơ sở tôn trọng hàng hóa và dịch vụ đã đăng ký. Điều đặc biệt của nhãn hiệu tập thể ở chỗ, dù quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc về tổ chức nhưng chỉ có thành viên tổ chức mới được quyền sử dụng nhãn lên hàng hóa của họ. Cũng vì thế nhãn hiệu loại này chịu sự ảnh hưởng của các thành viên trong tổ chức, khi muốn thay đổi chủ thể sở hữu phải có sự đồng ý của các thành viên. 

Vai trò của nhãn hiệu tập thể

NHTT đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vì khi làm thủ tục đăng ký, chủ sở hữu phải nộp quy chế sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền. Bất kỳ sự sửa đổi nào đối với quy chế sử dụng cũng phải được thông báo cho cơ quan này.

Tại nhiều nước trên thế giới (ví dụ Đức, Phần Lan, Nauy, Thụy Điển và Thụy Sỹ), đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ bị huỷ bỏ nếu việc sử dụng trái với các quy định của quy chế sử dụng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Chức năng chính của nhãn hiệu tập thể, khác với nhãn hiệu thông thường là dùng để phân biệt nguồn gốc sản phẩm, thì ở đây nhãn hiệu này dùng để phân biệt hàng hóa hay dịch vụ của thành viên thuộc một tổ chức.

Chức năng này rất dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu chứng nhận, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhãn hiệu này chính là đối tượng sử dụng. Đối với nhãn hiệu tập thể, người được phép sử dụng nhãn hiệu chỉ có thành viên tổ chức. Đối với nhãn hiệu chứng nhận, đối tượng sử dụng phải là người ngoài tổ chức có nhu cầu chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Đối với một đất nước có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản địa phương như ở Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể là vô cùng cần thiết để bảo vệ giá trị sản phẩm cũng như giúp cải thiện đời sống cho người dân cũng như phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa. Các nhãn hiệu tập thể nổi tiếng ở Việt Nam như: gốm Bát Tràng, nước mắm Cát Hải, v.v 

Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể thường hướng tới 02 mục đích sau:

  • Thực hiện chức năng phân biệt các loại sản phẩm của một tập thể, vùng miền với những loại sản phẩm khác.
  • Nhằm khuếch trương các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định, tạo danh tiếng cho sản phẩm, hướng đến tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường với các sản phẩm cùng loại.

Trong hai mục đích trên, mục đích thứ 2 thường được chú trọng và đặt làm mục đích cốt lõi của việc đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trên thực tế, nhiều sản phẩm (đặc biệt là nông sản) thường mang những đặc trưng của vùng miền, vậy nên, để nhấn mạnh yếu tố đặc trưng, cùng với việc đảm bảo cho mọi người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đều có quyền công bằng trong việc hưởng lợi thế cạnh tranh từ đặc trưng của sản phẩm, là rất quan trọng. Vậy nên, nhãn hiệu tập thể chính là giải pháp tối ưu, để các chủ thể liên minh lại, dưới cùng một loại nhãn hiệu, đưa sản phẩm có cùng một đặc trưng đến với người tiêu dùng, tạo niềm tin và khẳng định chất lượng của sản phẩm.

nhãn hiệu tập thể
nhãn hiệu tập thể

Các điều ước quốc tế

Hiệp định TRIPS không có quy định về khái niệm hay việc bảo hộ loại nhãn hiệu này.

Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng chỉ quy định chung chung: “Nhãn hiệu hàng hóa bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận”.

Công ước Paris có quy định tại Điều 7bis. Theo đó, các nước thành viên của Liên minh phải có trách nhiệm chấp nhận đơn đăng ký và bảo hộ các nhãn hiệu tập thể với chủ sở hữu là các tập thể tồn tại hợp pháp theo pháp luật của các nước sở tại, cho dù các tập thể đó có trực tiếp sở hữu các cơ sở công nghiệp và thương mại hay không. Nội dung và điều kiện bảo hộ sẽ được thực hiện theo pháp luật nước sở tại. Đương nhiên, các nước thành viên cũng có quyền từ chối bảo hộ nếu nhãn hiệu đó trái với lợi ích xã hội.

Rõ ràng, các Điều ước quốc tế trên mới chỉ đề cập mà chưa đưa ra khái niệm cụ thể cũng như cách thức bảo vệ đối với nhãn hiệu tập thể. Đây cũng là vấn đề có nhiều điểm không thống nhất giữa pháp luật các nước.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể bao gồm:

STT

Giấy tờ

Số lượng

Ghi chú

1

Tờ khai 

02

Nội dung tờ khai bao gồm: mẫu nhãn hiệu, phần mô tả nhãn hiệu, danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

+ Phần mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải nêu rõ nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể; các yếu tố cấu thành; ý nghĩa của nhãn hiệu; phiên âm từ ngữ thuộc ngôn ngữ hình tượng; dịch sang tiếng Việt của từ ngữ bằng tiếng nước ngoài; nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình; nếu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu màu thì phải chỉ rõ yêu cầu đó và nêu tên màu sắc thể hiện trên nhãn hiệu.

+ Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải được nêu rõ và xếp nhóm phù hợp theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá dịch vụ (ban hành kèm theo Thoả ước Ni-xơ).

2

Mẫu nhãn hiệu

09

Mẫu nhãn hiệu được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm. Tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên tờ khai.

3

Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể

01

Quy chế phải có đủ nội dung tối thiểu theo quy định, bao gồm tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể; tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể; danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu; điều kiện sử dụng nhãn hiệu; biện pháp xử lý vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu; thông tin về nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; nghĩa vụ của người được sử dụng nhãn hiệu; quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu.

4

Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu

01

Yêu cầu đối với nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù.

5

Chứng từ nộp phí, lệ phí

 

 

Lưu ý: Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký 01 nhãn hiệu dùng cho 01 hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ.

Trên đây là một số vấn đề của nhãn hiệu tập thể Luật Trần và Liên Danh cung cấp cho quý khách, nếu có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu hoặc cụ thể hơn về vấn đề này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139