Công ty Luật Trần và Liên Danh là một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sau 15 năm hoạt động, Công ty Luật Trần và Liên Danh tự hào là một trong những công ty luật uy tín nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ và dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Luật Trần và Liên Danh xin hướng dẫn quý khách hàng làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý như sau:
Khái niệm cơ bản về chỉ dẫn địa lý?
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hoá: từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh để chỉ: một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hoá được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hoá là do nguồn gốc địa lý tạo nên.
Ví dụ: “Made in Japan” (điện tử), “Vạn Phúc” (lụa tơ tằm); “Bát Tràng” (gốm, sứ)…
Một dạng chỉ dẫn địa lý đặc biệt là “Tên gọi xuất xứ hàng hoá”. Nếu chỉ dẫn địa lý chỉ là tên gọi (địa danh) và uy tín, danh tiếng của sản phẩm đạt đến mức đặc thù gắn liền với vùng địa lý đó thì chỉ dẫn nhưư vậy đưược gọi là “Tên gọi xuất xứ hàng hoá”.
Ví dụ: “Phú Quốc” (nước mắm)
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia;
b) Thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.
Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.
Các thông tin địa lý đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hoá, đã mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý.
Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá mang chỉ dẫn đó tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương tương ứng, với điều kiện hàng hoá do người đó sản xuất phải bảo đảm uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hoá đó.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Tân Triều cho sản phẩm bưởi?
Ngày 14 tháng 11 năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2837/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00031 cho sản phẩm bưởi Tân Triều nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Theo tài liệu nghiên cứu, vùng bưởi Tân Triều hình thành rất sớm vào những năm sau 1869, khi vùng đất này còn hoang vu, dân cư thưa thớt cách tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng 10km. Người dân Tân Triều kể rằng: năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ đã mang hai cây bưởi từ Brazil về trồng trước sân. Hàng năm, cây bưởi cho quả trĩu cành. Thấy vậy, bà con xin chiết nhánh về trồng và nhân rộng khắp vùng. Sau trận lụt Nhâm Thìn (1952), đất Tân Triều không còn trồng trầu, người dân chuyển sang trồng bưởi. Dần dần, một thế kỷ trôi qua cây bưởi có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Nai với nhiều chủng loại khác nhau như bưởi Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Đường Da Láng, bưởi Thanh Trà, bưởi Đường Hồng, bưởi Lựu… Trong số đó, bưởi Đường Lá Cam Tân Triều và bưởi Ổi Tân Triều là hai giống bưởi có chất lượng đặc thù nhất, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Bưởi Đường Lá Cam Tân Triều có dạng quả lê thấp (cuống đầu quả dạng lồi). Vỏ quả khi chín có màu xanh vàng và láng nhẵn. Trọng lượng quả trung bình dao động từ 696,57 đến 1.383,33g/quả. Chiều cao quả từ 105,67 đến 146,00mm. Đường kính quả từ 105,67 đến 146,00mm. Số túi tinh dầu/cm2 dao động từ 37,53 đến 58,13 túi, túi tinh dầu chìm. Độ dày vỏ dao động từ 10,00 đến 18,67mm. Các múi bưởi cân đối. Tỉ lệ thịt quả dao động từ 52,5 đến 55,9%. Hàm lượng nước vừa phải, từ 52,80 đến 67,63%. Số hạt trung bình dao động từ 35 đến 107,5 hạt/quả. Bưởi Đường Lá Cam Tân Triều có các con tép thon nhỏ bó chặt, màu vàng ngà, vị ngọt thanh mát nhờ có các chỉ tiêu chất lượng như: độ Brix dao động từ 9,13 đến 11,00%; hàm lượng đường tổng số dao động từ 8,10 đến 10,30%; hàm lượng axit tổng số từ 0,50 đến 1,07%; hàm lượng vitamin C từ 32,03 đến 55,90mg/100g; độ pH dịch quả dao động từ 3,63 đến 4,94.
Quả bưởi Ổi Tân Triều có trọng lượng nhỏ hơn bưởi Đường Lá Cam, có dạng tròn hơi có núm ở đầu cuống gần giống với quả ổi, cuống đầu quả dạng cổ thắt, vỏ quả sần, khi chín có màu vàng nhạt, dễ bóc tách. Quả nhỏ, dao động từ 613,97 đến 754,73g/quả. Chiều cao quả từ 112,33 đến 136,00mm, đường kính quả từ 102,67 đến 114,00mm. Số túi tinh dầu/cm2 từ 37,53 đến 58,13 túi, túi tinh dầu nổi. Độ dày vỏ dao động từ 6,00 đến 11,00mm. Tỷ lệ nước ép dao động từ 52,80 đến 56,83%. Bưởi Ổi Tân Triều có nhiều hạt, số hạt/quả của bưởi Ổi trung bình từ 103,50 đến 119,15 hạt/quả, hạt có dạng dài. Bưởi Ổi Tân Triều có con tép bó chặt trung bình, thon nhỏ, có màu vàng ngà. Nước ép quả màu vàng nhạt, vị rất ngọt, không the, con tép khô và róc. Bưởi Ổi Tân Triều có vị thơm đặc trưng gần giống với mùi thơm của ổi. Bưởi Ổi Tân Triều có vị ngọt đậm đà do có độ Brix trung bình cao (từ 10,27 đến 12,53%), hàm lượng đường tổng số trung bình cao (từ 9,53 đến 12,03%); trong khi hàm lượng axít tổng số lại ở mức độ vừa phải (từ 0,47 đến 0,67%); hàm lượng vitamin C từ 32,00 đến 46,97mg/100g, độ pH từ 4,41 đến 5,23.
Khu vực địa lý bưởi Tân Triều bao gồm các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có các điều kiện tự nhiên đặc biệt thích hợp cho sự phát triển của hai giống bưởi nói trên. Khu vực địa lý có địa hình thấp, không bị ngập, độ dốc tương đối thấp, thoát nước tốt, địa hình không bị chia cắt mạnh, được bồi tụ phù sa. Nhiệt độ trung bình năm từ 26,8 đến 27,5oC, tổng số giờ nắng trung bình năm từ 2150 giờ đến 2450 giờ, lượng mưa trung bình năm từ 330 đến 630mm, lượng bốc hơi trung bình năm từ 1.190 đến 1.225mm, độ ẩm trung bình năm từ 78% đến 80,5%. Các loại hình đất ở khu vực địa lý thích hợp cho sự phát triển của bưởi Đường Lá Cam bao gồm: đất phù sa chua, kết von sâu; đất phù sa chua, đọng nước; đất phù sa điển hình, cơ giới trung bình; đất phù sa điển hình, ít chua và đất xám cơ giới nhẹ, nghèo bazơ. Các loại hình đất ở khu vực địa lý thích hợp cho sự phát triển của bưởi Ổi bao gồm: đất phù sa chua, kết von sâu; đất phù sa chua, đọng nước; đất phù sa điển hình, cơ giới trung bình; và đất phù sa điển hình, ít chua. Khu vực địa lý được chi phối bởi hệ thống sông Đồng Nai, vùng đất luôn được bồi tụ phù sa, không bị ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn, tiêu thoát nước tốt đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới cho cây.
Quy trình trồng và thu hoạch bưởi được các nhà vườn ở khu vực địa lý tuân thủ chặt chẽ kết hợp với các bí quyết sử dụng kỹ thuật truyền thống trong việc nhân giống, trồng cây, làm cỏ và đặc biệt là kỹ thuật xử lý hoa trái vụ đã góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của loại quả gắn với vùng đất cù lao này: bưởi Tân Triều.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thường Xuân cho sản phẩm quế?
Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4090/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00051 cho sản phẩm quế Thường Xuân.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Thường Xuân là tên gọi của một huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 km. Phía Bắc giáp huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc. Phía Tây giáp huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn. Phía Nam giáp huyện Như Xuân và Như Thanh. Sản phẩm quế Thường Xuân đã có danh tiếng từ lâu đời và được biết đến là sản phẩm quý, có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là trong y học và ẩm thực. Chất lượng đặc thù của sản phẩm có mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện địa lý đặc trưng và tập quán sản xuất của người dân địa phương. Danh tiếng của sản phẩm quế Thường Xuân gắn với các tên gọi quế Trịnh Vạn, quế Ngọc Châu Thường.
Quế vỏ Thường Xuân được khai thác từ cây có giống quế Thanh bản địa. Vỏ quế Thường Xuân có chiều dài trên 50 cm, thường cuộn tròn thành ống (phơi khô tự nhiên). Kích thước tiêu chuẩn: Độ dày vỏ thân: 3,06 mm – 5,14 mm; Độ dày lớp tinh dầu vỏ thân: 0,96 mm – 1,97 mm; Độ dày vỏ cành: 1,28 mm – 3,62 mm; Độ dày lớp tinh dầu vỏ cành: 0,41mm – 1,11 mm.
Bề mặt ngoài vỏ quế ít xù xì, có màu nâu đến nâu xám, có rất nhiều vết loang (bạch hoa), cây càng già vết loang càng nhiều. Bề mặt trong có màu nâu hơi đỏ đến nâu sẫm, nhẵn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ màu nâu đỏ, có ít sợi. Quế Thường Xuân có mùi thơm nồng rất đặc trưng. Quế Thường xuân khi cạo một lớp mỏng ở đầu thanh quế, nhìn thấy các lớp dầu, nếm có vị cay hơi chát, khi pha với nước có màu trắng đục. Tinh dầu của quế Thường Xuân có độ cay đặc trưng riêng, khi nếm thử cảm nhận vị cay mạnh nhưng không quá nồng, hậu vị ngọt the. Các chỉ tiêu chất lượng của vỏ quế thân bao gồm: Chỉ số khúc xạ của tinh dầu: 1,5926 nD – 1,5978 nD; Hàm lượng ẩm: 14,2 % – 16,0 %; Tỷ trọng của tinh dầu: 1,0192 d – 1,0219 d; Hàm lượng tinh dầu: 4,12 %,v/w – 6,08 %,v/w; Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu: 80,92 %,v/w – 91,22 %,v/w. Chỉ tiêu chất lượng của vỏ quế cành bao gồm: Chỉ số khúc xạ của tinh dầu: 1,5328 nD – 1,5978 nD; Hàm lượng ẩm: 13,2 % – 15,2%; Tỷ trọng của tinh dầu: 1,0104 d – 1,0182 d; Hàm lượng tinh dầu: 3,28 %,v/w – 4,85 %,v/w; Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu: 72,12 %,v/w – 83,11 %,v/w.
Các đặc tính của quế vỏ Thường Xuân là do điều kiện địa lý mang lại. Khu vực địa lý có địa hình thấp dần từ Tây Bắc và Tây xuống khu vực phía Đông và phía Nam, chủ yếu là vùng núi cao, độ cao trung bình từ 150m – 700m. Địa hình của khu vực địa lý cắt và đón gió Đông Nam nên lượng mưa cao, nguồn nước dồi dào. Về khí hậu, khu vực địa lý có điều kiện ánh sáng tốt để cây quế phát triển. Tổng số giờ nắng giao động từ 1600 đến 1900 giờ/năm. Tổng nhiệt độ từ 8000 đến 86000C. Nhiệt độ trung bình từ 22 đến 250C.
Biên độ nhiệt giao động phổ biến từ 5 đến 100C. Tổng lượng mưa từ 1800 đến 2200mm.
Độ ẩm trung bình năm từ 85 đến 86%. Về thổ nhưỡng, khu vực địa lý có các loại đất chủ yếu là: Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét (Fs), thành phần cơ giới nặng, tầng đất dày, đất tốt, không có đá lẫn; đất Feralit đỏ vàng nhạt phát triển trên đá Sa thạch (Fq), thành phần cơ giới thô nhẹ, tầng đất mỏng đến trung bình, có đá lẫn; Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá macma acid kết tinh chua (Fa), có thành phần cơ giới thô to, kết cấu rời rạc, tầng đất mỏng, nhiều đá nổi, đá lẫn trong tầng đất. Khu vực địa lý có hệ thống sông bao gồm các sông như sông Chu, sông Khao, sông Đằn chảy dọc trên địa bàn với lưu lượng sông và trữ lượng nước tại các hệ thống hồ ao lớn. Ngoài ra các bí quyết của người dân bản địa trong việc trồng, chăm sóc và khai thác sản phẩm cũng góp phần tạo nên tính chất đặc thù của sản phẩm.
Khu vực địa lý: xã Vạn Xuân, xã Xuân Lẹ, xã Xuân Chính, xã Xuân Thắng, xã Xuân Lộc, xã Xuân Cẩm, xã Yên Nhân, xã Bát Mọt, xã Lương Sơn, xã Ngọc Phụng, xã Xuân Cao, xã Luận Khê, xã Xuân Thành, xã Luận Thành, xã Thọ Thanh, xã Xuân Dương, thị trấn Thường Xuân thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Quy định về điều kiện chỉ dẫn địa lý?
Căn cứ điều 79, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 về điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như sau:
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Đối tượng nào không được bảo hộ?
Căn cứ điều 80, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý như sau:
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;
Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về chỉ dẫn địa lý. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.