Hợp đồng hợp tác kinh doanh, còn gọi là thỏa thuận hợp tác kinh doanh đang được ngày càng sử dụng nhiều trong đời sống kinh tế. Loại hợp đồng/thoả thuận này giúp các bên hợp tác với nhau một cách linh hoạt mà không cần thành lập pháp nhân riêng với thủ tục phức tạp và quy định nghiêm ngặt. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc nội dung bài viết liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Căn cứ pháp lý điều chỉnh hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Bộ luật Dân sự năm 2015,
Luật Thương mại năm 2005
Luật đầu tư 2020;
Điều lệ doanh nghiệp của các bên tham gia hợp đồng (nếu là pháp nhân).
Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh?
Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra định nghĩa như sau về hợp đồng hợp tác:
“Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”
Khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020 định nghĩa như sau:
“Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh là hợp đồng/thoả thuận có các bên tham gia.
Các chủ thể tham gia hợp đồng này cùng đóng góp tài sản, công sức, cùng sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả hơn, nhằm hưởng lợi nhuận, chia sẻ rủi ro kinh doanh, mà không phải thành lập pháp nhân kinh tế mới nào.
Ưu điểm và nhược điểm hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?
Ưu điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh:
Không mất thời gian thành lập pháp nhân mới và không phải đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới: Việc này giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí mà vẫn sớm thu được lợi nhuận.
Các bên cùng chia sẻ lợi ích và nghĩa vụ, rủi ro trong hợp tác kinh doanh đầu tư một cách tính linh hoạt.
Các bên có thể tận dụng thế mạnh của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thí dụ, nhà đầu tư trong nước hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp cận thị trường trong môi trường cạnh tranh.
Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài có thể hỗ trợ nhà đầu tư trong nước về mặt kỹ thuật, công nghệ hiện đại, quản trị doanh nghiệp tiên tiến, tài chính… sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển, hiệu quả cho các bên.
Khi thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên vẫn giữ pháp nhân của mình với tư cách là một bên tham gia hợp tác. Điều này tạo nên sự bình đẳng giữa các bên, mà không bên nào bị quá phụ thuộc vào bên kia.
Nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Do không phải thành lập pháp nhân mới nên không có con dấu chung, không có người đại diện theo pháp luật chung… các bên gặp khó khăn khi giao kết hợp đồng với bên thứ ba
Việc dùng pháp nhân của một bên để thực hiện dự án dễ làm tăng trách nhiệm (hoặc quyền hạn) cho một bên đó, đồng thời khó tách bạch trong quản lý doanh thu, nghĩa vụ thuế…
Trường hợp không tìm hiểu kỹ về năng lực tài chính, thương mại, kỹ thuật hoặc chuyên môn của nhau, và không có cơ chế phòng ngừa rủi ro hiệu quả, khi có mâu thuẫn, tranh chấp hợp đồng dễ bị tạm dừng hoặc đình chỉ thực hiện…
Hợp đồng hợp tác kinh doanh không phù hợp đối với những dự án có thời gian tương đối dài hoặc phức tạp đòi hỏi việc huy động vốn, quản lý kinh doanh chặt chẽ…
Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Theo Điều 27 Luật Đầu tư 2020, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Theo quy định tại Điều 504 Bộ Luật dân sự 2015, Hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân, pháp nhân phải lập thành văn bản. Ngoài ra, đối với các bên tham gia hợp đồng đều là cá nhân, dù luật không bắt buộc, các bên có thể mời người làm chứng hoặc công chứng hợp đồng.
Những lý do khiến hợp đồng hợp tác phải lập bằng văn bản là:
Hợp đồng là sự thỏa thuận hợp tác kinh doanh có sự đóng góp tài sản và/hoặc công sức của nhiều chủ thể;
Hợp đồng thường có thời hạn tương đối dài, theo chu kỳ sản xuất kinh doanh;
Trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể có sự thay đổi chủ thể (có sự ra nhập hay rút bớt thành viên hợp tác);
Có đại diện của các thành viên trong việc xác lập, thực hiện giao dịch với bên thứ ba;
Có chứng cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh…
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư, đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài: Phải lập bằng văn bản và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật.
Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên tự thỏa thuận.
Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Cũng như nhiều loại hợp đồng khác, hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh tiềm tàng các tranh chấp phát sinh, buộc các bên cần dự liệu trước. Có 5 loại tranh chấp phổ biến như sau:
Tranh chấp liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh
Khi Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên còn lại.
Ngoài ra, đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh cần xét đến năng lực về tài chính, năng lực thương mại, năng lực về kỹ thuật, năng lực về chuyên môn của đối tác…. để phù hợp với hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh, hạn chế những tranh chấp đáng tiếc xảy ra.
Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh về tài sản đóng góp của các bên
Tùy thuộc vào mục đích hợp tác kinh doanh, thỏa thuận của các bên mà trong hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh sẽ ghi nhận về tài sản góp vốn, tỉ lệ góp vốn; thời hạn góp vốn hợp tác khác nhau.
Ví dụ như Bên A cam kết góp vốn bằng mặt bằng kinh doanh còn Bên B góp tiền để mua hàng hóa kinh doanh…
Thực tế cũng có nhiều tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề này như một bên góp tiền hoặc tài sản chậm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung, hay tài sản góp không thuộc quyền sở hữu của bên góp hoặc tài sản đang tranh chấp…
Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh liên quan tới phân chia lợi nhuận
Hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh quy định các khoản chi phí phát sinh riêng cho hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát do mỗi bên liên doanh bỏ ra thì bên đó phải gánh chịu.
Đối với các khoản chi phí chung (nếu có) thì căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng để phân chia cho các bên góp vốn.
Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh do có vi phạm về quyền và nghĩa vụ của các bên
Do không hình thành một pháp nhân mới, không có một tổ chức chung, nên các bên sẽ phải phân công một bên đứng làm đại diện để điều hành quản lý hoạt động chung.
Việc đó vô tình dẫn tới quyền năng của một bên có thể rất cao lấn át, có hành vi tiêu cực hoặc là gây những hiểu nhầm cho bên kia. Bên còn lại thì nhìn bên điều hành bằng con mắt nghi kị từ đó dễ dẫn tới tranh chấp.
Bên cạnh đó, vì không thành lập tổ chức kinh tế thì hai bên sẽ không có con dấu chung. Khi đó, hai bên phải tiến hành thỏa thuận sử dụng con dấu của một bên để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều nay cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh / thoả thuận hợp tác kinh doanh do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng
Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng / thoả thuận không đúng trình tự thủ tục thỏa thuận tại hợp đồng, nếu gây thiệt hại cho bên kia (trừ trong trường hợp bất khả kháng) thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra và chịu phạt vi phạm hợp đồng.
Những khó khăn thường gặp trong quá trình soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Với những chủ thể chưa có nhiều kinh nghiệm soạn thảo, lập hợp đồng hợp tác kinh doanh thì thường gặp phải một số khó khăn như:
Chưa lường trước được những rủi ro có thể phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
Chưa nắm được các quy định pháp luật cũng như điều khoản cơ bản trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
Băn khoăn trong việc xác định hình thức hợp đồng để thỏa thuận hợp tác kinh doanh có hiệu lực pháp lý.
Tài sản đóng góp như thế nào? Nếu tài sản đóng góp là đất, nhà, công trình gắn liền với đất thì thủ tục như thế nào?
Phân chia lợi nhuận như thế nào thì hợp lý và có lợi nhất?
Nghĩa vụ trong việc hợp tác giữa các bên nên thỏa thuận như nào?
Việc xử lý tranh chấp liên quan đến hợp đồng như thế nào?
Trong những trường hợp nào thì được rút khỏi Hợp đồng hợp tác kinh doanh?
Khi soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh, cần dự liệu những tranh chấp có thể gặp để đưa ra những điều khoản phù hợp nhằm ngăn chặn và đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp.
Các điều khoản cơ bản của hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Có thể có hai hoặc nhiều hơn hai bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Với mỗi bên, cần ghi rõ các thông tin cơ bản sau:
Nếu là pháp nhân tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:
Tên pháp nhân
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động nếu không phải là doanh nghiệp: Cần ghi rõ số giấy chứng nhận, ngày cấp và nơi cấp. Lưu ý: Đây là thông tin quan trọng để xác định pháp nhân hợp pháp nên bạn cần tra cứu cẩn thận.
Địa chỉ trụ sở
Số điện thoại, email
Người đại diện theo pháp luật; Lưu ý: Không phải cứ là Giám đốc hay Phó Giám đốc đều là người đại diện theo pháp luật mà người đại diện theo pháp luật được quy đinh tại Điều lệ công ty.
Nếu người đại diện trong hợp đồng không phải là Người đại diện theo pháp luật của công ty thì cần có giấy ủy quyền. Nếu người đại diện ký hợp đồng không phải là Người đại diện theo pháp luật và ký hợp đồng không theo ủy quyền thì hợp đồng sẽ vô hiệu.
Nếu là cá nhân tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:
Họ tên đầy đủ
CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu: Số, ngày cấp, nơi cấp; Lưu ý: Đây là thông tin quan trọng phải có trên hợp đồng. Nếu xẩy ra tranh chấp, kiện tụng, tố cáo thì dựa vào thông tin này để tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. Khi hai bên ký kết hợp đồng, cần kiểm tra, đối chiếu với giấy tờ nhân thân.
Ngày sinh;
Địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú;
Điện thoại.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nếu bạn đọc còn bất cứ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và quả nhất.