Doanh nghiệp tư nhân là gì? là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Theo Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020, khái niệm về doanh nghiệp tư nhân được hiểu như sau:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp
Từ khái niệm trê, có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân có các đặc trưng như sau:
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
2.1 Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ
Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là cá nhân.
Cá nhân không là đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020 có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân.
2.2 Về quyền sở hữu vốn trong Doanh nghiệp tư nhân
Nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân chủ yếu xuất phát từ tài sản của chủ Doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, chủ Doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư.
Khi giảm vốn xuống dưới mức đã đăng kí mới phải khai báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tài sản đưa vào kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
Như vậy, không có sự tách bạch tài sản của chủ doanh nghiệp với tài sản của doanh nghiệp tư nhân đó.
2.3 Quyền quản lý và người đại diện theo pháp luật trong Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu; có toàn quyền quyết định trong tổ chức và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2.4 Lợi nhuận và tài sản của Doanh nghiệp tư nhân
Sau khi đã nộp thuế đầy đủ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền trong việc sử dụng lợi nhuận.
Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản.
2.5 Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, bởi, doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch trong quan hệ tài sản giữa chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp.
3. Vì sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?
Theo khoản 1 điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Xét khái niệm doanh nghiệp tư nhân với khái niệm pháp nhân, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy:
Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và không thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
Cụ thể, tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân không có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, không có quyền mua phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Ví dụ: Ông X là chủ doanh nghiệp tư nhân Y.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh và gặp nhiều rủi ro khác, công việc kinh doanh thua lỗ. Số nợ của công ty là 20 tỷ đồng.
Công ty không còn khả năng thanh toán dẫn đến phá sản. Số vốn đăng kí trên giấy phép kinh doanh là 5 tỷ đồng.
Sau khi thanh lí hết số tài sản của công ty mà vẫn không đủ để trả nợ, thì chủ doanh nghiệp tư nhân là ông X vẫn phải tiếp tục sử dụng tài sản riêng của mình để thanh toán số nợ còn lại cho công ty.
Không những thế, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân còn có quyền cho thuê doanh nghiệp tư nhân của mình, cũng có luôn quyền được bán doanh nghiệp tư nhân của mình.
Như vậy, có thể thấy rằng tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch rõ ràng.
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân không thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:
Điều 190. Quản lý doanh nghiệp tư nhân
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập.
Chủ thể có tư cách tham gia tố tụng phải là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
Tựu chung hai tiêu chí đã phân tích ở trên, cho thấy doanh nghiệp tư nhân không thỏa mãn hai trong bốn điều kiện cần thiết để một chủ thể có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật.
4. Ưu nhược điểm khi lựa chọn loại hình Doanh nghiệp tư nhân
Trước khi thành lập doanh nghiệp, các thương nhân thường băn khoăn không biết nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào.
Dưới đây, Luật Quang Huy sẽ cung cấp thông tin cho bạn về ưu nhược điểm của doanh nghiệp để bạn có thể tham khảo để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.
4.1 Ưu điểm của Doanh nghiệp tư nhân
- Chủ Doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định độc lập đối mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có toàn quyền trong việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật.
- Doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.
- Chủ Doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê, bán doanh nghiệp của mình cho người khác.
- Tạo được uy tín cho khách hàng, đối tác; vì chủ Doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ (nếu có) bằng tài sản của mình.
4.2 Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; điều này gây hạn chế trong việc huy động vốn.
- Chủ sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân thì không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh cá thể; thành viên công ty hợp danh. Không được quyền góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua cổ công ty cổ phần.
- Chủ Doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản công ty và cả tài sản cá nhân nên nguy cơ rủi ro cao.
5. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế.
Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.
6. Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề; Quy định của pháp luật hiện hành về doanh nghiệp tư nhân, thủ tục đăng ký doanh nghiệp tư nhân.
Nếu các bạn đang cần tìm một công ty tư vấn luật uy tín, nhanh chóng và hiệu quả, vui lòng liên hệ với LUẬT TRẦN VÀ LIÊN DANH! để được tư vấn một cách nhanh chóng và tốt nhất!