Hiện nay, rất nhiều người đang thắc mắc liệu việc kinh doanh đơn lẻ, không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã của mình có phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật không? Nếu có thì phải đăng ký với thủ tục như thế nào? Nộp thuế bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP định nghĩa về hộ kinh doanh như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.”
Đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh không được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020. Hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều được coi là các tổ chức kinh tế, thực hiện các hoạt động thương mại, tuy nhiên hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp.
Đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể
Theo quy định Chương VIII Nghị định 01/2021/NĐ-CP, có thể rút ra một số đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể như sau:
– Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân như đa phần các loại hình doanh nghiệp khác;
– Đăng ký hộ kinh doanh cá thể là hộ gia đình hoặc cá nhân, nhưng các thành viên của hộ kinh doanh đều là người Việt Nam;
– Hộ kinh doanh được phép kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải đăng ký một địa điểm làm trụ sở chính;
– Hộ kinh doanh không bị giới hạn việc sử dụng lao động
– Hộ kinh doanh có thể thuê người quản lý hoạt động kinh doanh.
– Hộ kinh doanh phải nộp các loại thuế sau: Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân, Lệ phí môn bài.
– Hộ kinh doanh không được phép sử dụng hoá đơn đỏ (hoá đơn VAT).
Điều kiện thành lập hộ kinh doanh cá thể
Theo khoản 1 Điều 82 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chỉ được cấp cho hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện:
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
– Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định này, cụ thể:
+ Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: cụm từ “Hộ kinh doanh” và Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
+ Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
+ Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
+ Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
– Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT).
Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân đăng ký hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
Bản sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh;
Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
Đối với những ngành, nghề phải có vốn pháp định thì phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
Trường hợp thuê mượn địa điểm kinh doanh thì xuất trình thêm giấy thỏa thuận thuê mượn; hoặc hợp đồng thuê mượn mặt bằng kinh doanh đã được công chứng hoặc chứng thực.
Trường hợp giấy thỏa thuận thuê, mượn hoặc hợp đồng thuê mượn mặt bằng không công chứng hoặc chứng thực thì xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất của bên cho thuê, mượn mặt bằng.
Trình tự đăng ký kinh doanh hộ cá thể / hộ gia đình
Hộ kinh doanh nộp 1 bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi muốn đặt địa điểm kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ; trao giấy biên nhận cho hộ kinh doanh. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ; sau đó chuyển sang Bộ phận đăng ký kinh doanh thuộc Phòng Tài chính kế hoạch.
Chuyên viên theo dõi hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; kiểm tra thực tế (nếu thuộc ngành nghề cần kiểm tra theo qui định); trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể cho hộ kinh doanh hoặc thông báo bằng văn bản cho hộ kinh doanh cá thể để sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu xem xét thấy hồ sơ không hợp lệ.
Chuyên viên xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo phòng ký chuyển lãnh đạo UBND cấp huyện ký; chuyển Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để trả cho hộ kinh doanh.
Đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
Ngành, nghề kinh doanh;
Số vốn kinh doanh;
Số lao động;
Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
3 lý do hộ kinh doanh nên chuyển sang doanh nghiệp
Được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Cụ thể, hộ kinh doanh được:
– Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu;
– Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
– Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
– Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Để được hưởng loạt hỗ trợ nêu trên, hộ kinh doanh phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Có tư cách pháp nhân, được vay vốn ngân hàng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại các ngân hàng là pháp nhân, cá nhân. Trong khi đó, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên đây là một hạn chế đối với hộ kinh doanh khi muốn vay vốn tại ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) có tư cách pháp nhân và có quyền thực hiện giao dịch vay vốn tại ngân hàng.
Được thuê nhiều lao động
Quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. Điều này có nghĩa, pháp luật chỉ chấp nhận hộ kinh doanh có từ 9 lao động trở xuống. Do đó, nếu muốn thuê nhiều lao động hơn để mở rộng kinh doanh thì hộ kinh doanh sẽ được coi là phạm luật.
Với mô hình doanh nghiệp, pháp luật hiện hành không hạn chế số lượng người lao động trong doanh nghiệp.
Ngoài 3 điểm nêu trên, hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp còn được mở nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện; Khi kinh doanh thua lỗ được áp dụng quy định của Luật Phá sản…
Có nên đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể?
Nếu bạn muốn kinh doanh với các hình thức kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh buôn bán được thực hiện tại một địa điểm cố định thì bạn nên lựa chọn mô hình hộ kinh doanh cá thể. Bởi nó có các ưu và nhược điểm dưới đây:
Ưu Điểm
Thủ tục đơn giản, không mất quá nhiều thời gian và công sức.
Quy mô nhỏ, gọn nhẹ, dễ quản lý và kiểm tra.
Không cần phải khai thuế hằng tháng rườm rà.
Chế độ chứng từ và sổ sách kế toán đơn giản.
Phù hợp với các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ cho các cá nhân.
Chế độ thuế khoán được áp dụng, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người kinh doanh.
Nhược Điểm
Thương hiệu không được bảo vệ vững chắc.
Không được sử dụng hóa đơn khấu trừ do đó sẽ không được hoàn thuế, không xuất được hóa đơn GTGT.
Địa điểm kinh doanh: chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm cố định mà không được mở chi nhánh hay văn phòng đại diện khác.
Giới hạn số lượng lao động, dưới 10 lao động.
Hộ kinh doanh cá thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân.
Chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh.
Đăng ký mà không kinh doanh có bị phạt
Vì một số nguyên nhân chủ quan và khách quan đã nêu trên mà nhiều doanh nghiệp không kinh doanh dù đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh. Vậy việc Đăng ký mà không kinh doanh có bị phạt không?
Theo quy định của luật doanh nghiệp thì khi chủ doanh nghiệp không có bất cứ hành động nào sau khi thành lập thì sẽ bị cơ quan thuế cho mã số thuế vào tình trạng người nộp thuế không hoạt động tại trụ sở chính cụ thể là nếu bạn đã đăng ký kinh doanh mà không kinh doanh, thực hiện thành lập công ty nhưng không hoạt động dẫn đến bị đóng mã số thuế thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty, doanh nghiệp đó.
Bên cạnh đó, việc công ty, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mà không kinh doanh sẽ có thể bị xử phạt hành chính vì các hành vi liên quan đến thuế.
Việc công ty đăng ký kinh doanh mà không kinh doanh tức là không phát sinh thu nhập nên không cần phải đóng và nộp các khoản thuế liên quan. Tuy nhiên, công ty bạn có thể bị xử phạt hành chính về thuế nếu không kê khai thuế đúng thời hạn mà Điều 44, Luật quản lý thuế năm 2019 quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến các thủ tục doanh nghiệp, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp qua HOTLINE của Luật Trần và Liên Danh luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách.