Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu. Vậy, Áp dụng công ước Viên 1980 (CISG) đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như thế nào?
Khái niệm mua bán hàng hóa quốc tế là gì ?
Có thể hiểu mua bán hàng hóa quốc tế là việc doanh nghiệp hay cá nhân của Việt Nam thực hiện việc thỏa thuận, trao đổi với đối tác nước ngoài về sản phẩm mình muốn mua, trong thỏa thuận bao gồm những nội dung như: chất lượng sản phẩm mua bán, quyền lợi và nghĩa vụ bên bán, quyền lợi và nghĩa vụ bên mua nếu tiến hành việc ký kết hợp đồng… Khi đã thỏa thuận xong sẽ tiến hành việc làm hợp đồng và ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa.
Việc bắt đầu hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu cần có sự đồng ý của hai bên (người mua và người bán). Thỏa thuận này được thể hiện qua bằng hợp đồng mua bán, nhằm mục đích phân chia chi phí và rủi ro giữa người bán và người mua. Việc soạn thảo hợp đồng này có tầm quan trọng hàng đầu, vì, nó tạo thuận lợi cho thương mại và trao đổi và đặc biệt là tránh tranh chấp. Hợp đồng mua bán quốc tế được điều chỉnh bởi các quy tắc khác nhau có mục tiêu hài hòa và tạo thuận lợi cho thương mại và trao đổi quốc tế.
Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành:
Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu. Trong đó, người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận; hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa hoặc từ thị trường nội địa vào khu phi thuế quan.
Người bán bao gồm người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ.
Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Về chủ thể: chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là các bên, người bán và người mua, có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau.
Về đối tượng của hợp đồng: hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là động sản, tức là hàng có thể chuyển qua biên giới của một nước.
Về đồng tiền thanh toán: Tiền tệ dùng để thanh toán thường là nội tệ hoặc có thể là ngoại tệ đối với các bên. Ví dụ: hợp đồng được giao kết giữa người bán Việt Nam và người mua Hà Lan, hai bên thoả thuận sử dụng đồng euro làm đồng tiền thanh toán. Lúc này, đồng euro là ngoại tệ đối với phía người bán Việt Nam nhưng lại là nội tệ đối với người mua Hà Lan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đồng tiền thanh toán đều là nội tệ của cả hai bên, như trường hợp các doanh nghiệp thuộc các nước trong cộng đồng châu Âu sử dụng đồng euro làm đồng tiền chung.
Về ngôn ngữ của hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết bằng tiếng nước ngoài, trong đó phần lớn là được ký bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi các bên phải giỏi ngoại ngữ.
Về cơ quan giải quyết tranh chấp: tranh chấp phát sinh từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là toà án hoặc trọng tài nước ngoài. Và một lần nữa, vấn đề ngoại ngữ lại được đặt ra nếu muốn chủ động tranh tụng tại tòa án hoặc trọng tài nước ngoài.
Về luật điều chỉnh hợp đồng (luật áp dụng cho hợp đồng): luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mang tính chất đa dạng và phức tạp. Điều này có nghĩa là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể phải chịu sự điều chỉnh không phải chỉ của luật pháp nước đó mà cả của luật nước ngoài (luật nước người bán, luật nước người mua hoặc luật của bất kỳ một nước thứ ba nào), thậm chí phải chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế hoặc cả án lệ (tiền lệ pháp) để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, dù được giao kết hoàn chỉnh, chi tiết đến đâu, bản thân nó cũng không thể dự kiến, chứa đựng tất cả những vấn đề, những tình huống có thể phát sinh trong thực tế. Do đó, cần phải bổ sung cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế một cơ sở pháp lý cụ thể bằng cách lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng đó.
Vì hợp đồng mua bán có tính chất quốc tế nên luật điều chỉnh hợp đồng này cũng có thể là luật người người bán, cũng có khi là luật nước người mua… Nếu luật áp dụng là luật nước người mua thì luật này là luật nước ngoài đối với người bán. Người bán phải có sự hiểu biết về nó, trong đó ít ra người bán phải hiểu rõ được luật này có bảo vệ quyền lợi cho người bán hay không.
Và ngược lại, đối với người mua cũng vậy. Như vậy, không chỉ người bán và người mua cần có sự hiểu biết để lựa chọn, để tuân thủ luật áp dụng mà ngay cả cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án hoặc trọng tài) cũng phải nghiên cứu vấn đề luật áp dụng cho hợp đồng đó thì mới có thể làm tốt được chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, trong mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có quyền tự do thoả thuận chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình. Nguồn luật đó có thể là luật quốc gia, điều ước quốc tế về thương mại hoặc tập quán thương mại quốc tế và thậm chí cả các án lệ (tiền lệ xét xử). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nên chọn nguồn luật nào, làm thế nào để chọn được nguồn luật thích hợp nhất để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình.
Giới thiệu về Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)
CISG có lẽ là nỗ lực hài hòa pháp luật trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thành công nhất trong trong lịch sử. Theo một thống kê, có ít nhất 3000 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó tòa án và trọng tài áp dụng CISG để giải quyết.
Hầu hết những người trong nghề luật có lẽ đều nghe đến hoặc biết về CISG. Là một công ước do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo và thông qua tại Viên năm 1980, CISG là công ước thành công nhất trong lĩnh vực này, chấm dứt vai trò (không hiệu quả) của hai công ước LaHay năm 1964 về mua bán quốc tế động sản hữu hình.
Sự thành công của CISG thể hiện rõ nhất ở số thành viên 88 hiện tại của nó, bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Pháp. Việt Nam đã là thành viên của công ước này và công ước đã có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 01.01.2017. Từ thời điểm này hầu hết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giao kết giữa thương nhân Việt Nam và các nước thành viên công ước sẽ được điều chỉnh bởi công ước.
Mục tiêu của CISG được nêu trong lời nói đầu của công ước, rằng: “thống nhất luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Giảm xung đột pháp luật, hạn chế tranh chấp phát sinh; Tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa các quốc gia”.
Tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo Điều 1 CISG, các bên trong hợp đồng phải có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau. Công ước không dùng các tiêu chí như nơi giao kết hợp đồng hay nơi thực hiện hợp đồng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mà chỉ dựa vào việc các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Ví dụ như hai thương nhân đều có địa điểm kinh doanh ở Úc giao kết hợp đồng và hàng giao từ Trung Quốc đến Singapore, CISG sẽ không áp dụng. Trong khi đó, nếu hợp đồng được giao kết giữa thương nhân Úc và thương nhân Việt Nam với hàng giao từ Trung Quốc đến Singpapore, yếu tố quốc tế theo CISG được thỏa mãn. Nghĩa vụ chứng mình sẽ thuộc về bên yêu cầu áp dụng CISG.
Tiêu chí về tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa theo CISG có khác biệt so với pháp luật Việt Nam. Luật Thương mại Việt Nam 1997 dựa vào tiêu chí quốc tịch của các thương nhân khi định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài ở Điều 80.
Trong khi đó, Điều 1.3 CISG nói rõ là Công ước không xem xét đến yếu tố quốc tịch của các bên khi xác định phạm vi áp dụng Công ước. Luật Thương mại 2005 Điều 27 thì quy định mua bán hàng hóa được xác định theo phương pháp liệt kê: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu. Tiêu chí để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định này là sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới hải quan. Trong khi đó CISG không quy định tiêu chí phải có sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới mà chỉ cần các bên có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng theo Điều 1.2 CISG, Công ước sẽ không áp dụng nếu việc hai bên có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau là không thể nhận biết được trong hợp đồng, trong các giao dịch trước đó giữa các bên và trong thông tin trao đổi giữa các bên vào bất kì thời đ iểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Thêm nữa, trường hợp một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh, theo Điều 10, địa điểm kinh doanh được xác định là nơi có mối quan hệ gần gũi nhất với việc giao kết và thực hiện hợp đồng, có xem xét đến hoàn cảnh mà các bên biết hoặc dự liệu vào bất kì thời điểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Mối quan hệ gần gũi nhất ở đây khá khó để xác định không chỉ riêng trong CISG. Khi xác định luật áp dụng cho trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận luật áp dụng của các bên, cơ quan tài phán cũng phải tìm luật của nước có mối liên hệ gần gũi với hợp đồng.
Mối quan hệ gần gũi nhất có nghĩa gì? Điều 4 Nghị định Rome I về luật áp dụng cho hợp đồng của Liên minh Châu Âu sử dụng một loạt các tiêu chí để xác định nước có mối liên hệ gần gũi nhất, như nơi thực hiện nghĩa vụ đặc trưng, nơi cư trú thường xuyên, địa điểm kinh doanh chính…Cũng theo Nghị định Rome I này, những tiêu chí này sẽ không áp dụng nếu nghĩa vụ đặc trưng của hợp đồng không xác định được hoặc rõ ràng có nước khác có mối liên hệ gần gũi hơn với hợp đồng. Tóm lại, mối liên hệ gần gũi này nhìn chung không rõ ràng và có thể bị sử dụng để biện luận theo hướng kết quả mà chủ thể biện luận mong muốn.
Đối với Điều 10 CISG, mối quan hệ gần gũi nhất phải được xem xét đối với việc giao kết và thực hiện hợp đồng. Toàn bộ giai đoạn chào hàng, chấp nhận chào hàng đến quá trình thực hiện hợp đồng có liên hệ nhiều nhất với địa điểm kinh doanh nào? Một yếu tố cũng có thể được đưa vào xem xét để xác định mối quan hệ gần gũi nhất với một địa điểm kinh doanh là khả năng để duy trì tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa, tức là địa điểm kinh doanh ở nước khác với nước có địa điểm kinh doanh của đối tác sẽ là một yếu tố cân nhắc thiêng về địa điểm kinh doanh ở nước khác đó.
Phạm vi áp dụng của CISG
Khi CISG có hiệu lực ở Việt Nam, câu hỏi phổ biến được đặt ra là khi nào thì CISG được áp dụng và khi nào thì Luật Thương mại Việt Nam áp dụng. Những trường hợp CISG được áp dụng được quy định trong Điều 1.1 của công ước này, như sau:
“Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các Quốc gia khác nhau. a.Khi các Quốc gia này là các Quốc gia thành viên của Công ước; hoặc`b.Khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một Quốc gia thành viên Công ước.”
Như vậy, CISG được áp dụng trong 2 trường hợp: 1.) Khi các bên có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên Công ước (Điều 1.1.a); 2.) Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của nước thành viên CISG (Điều 1.1.b).
Trường hợp thứ nhất là trường hợp áp dụng phổ biến của CISG. Ví dụ: hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có trụ sở ở Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc,…Vì Việt Nam và các nước này đều là thành viên công ước nên CISG là luật áp dụng thay cho luật quốc gia. Một vấn đề băn khoăn ở đây là: liệu trường hợp trong Điều 1.1.a này có làm mất hiệu lực của quyền chọn luật áp dụng của các bên cho hợp đồng của mình? Tức là, nếu các bên dù đến từ các quốc gia thành viên công ước, nhưng không muốn CISG áp dụng mà muốn áp dụng luật một quốc gia cụ thể thì có được không? Câu trả lời là, các bên có thể loại trừ việc áp dụng CISG bằng hai cách. Thứ nhất, các bên có thể chọn luật của một nước không phải thành viên CISG, ví dụ như luật Anh, khi đó luật quốc gia Anh là luật áp dụng dù các bên có trụ sở thương mại ở các nước thành viên CISG.
Thứ hai, nếu các bên muốn chọn luật quốc gia của một nước thành viên công ước, ví dụ như luật quốc gia Việt Nam, thì các bên phải nêu cụ thể trong điều khoản chọn luật trong hợp đồng không những rằng các bên chọn luật Việt Nam mà còn rõ ràng rằng CISG không áp dụng để điều chỉnh các vấn đề của hợp đồng giữa họ. Như vậy, các bên phải thẳng thừng loại bỏ sự áp dụng của CISG, nếu không CISG vẫn được áp dụng vì Việt Nam là một nước thành viên. Và như vậy là, CISG thực ra không hề tiêu trừ quyền chọn luật của các bên. Ưu tiên đầu tiên trong thứ tự chọn luật áp dụng vẫn dành cho nguyên tắc đó.
Trường hợp thứ 2 là trường hợp phức tạp cần được giải thích kỹ. Thật ra, trường hợp thứ hai này bao gồm hai tình huống cụ thể. Tình huống thứ nhất là khi áp dụng các quy phạm xung đột trong Tư pháp quốc tế của một nước (thông thường là nước có tòa án đang giải quyết tranh chấp) dẫn chiếu đến luật của một quốc gia thành viên công ước. Thứ hai là tình huống các bên lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng là luật của một nước thành viên CISG, bởi vì quy tắc các bên trong hợp đồng được tự do lựa chọn luật áp dụng là nguyên tắc thông dụng và cốt lõi của Tư pháp quốc tế về hợp đồng.
Trường hợp thứ hai ở trên là trường hợp CISG áp dụng gián tiếp, việc giải thích gặp khó khăn hơn hẳn trường hợp đầu tiên. Khi một bên hoặc cả hai bên không phải là thành viên của công ước, CISG vẫn có khả năng được áp dụng nhờ vào trường hợp thứ hai này. Để dễ hình dung, chúng ta lấy một ví dụ: Người bán (Việt Nam) bán một lô cà phê cho người mua (Indonesia). Tranh chấp phát sinh và người mua kiện người bán ra Tòa án thành phố Hồ Chí Minh. CISG có áp dụng cho trường hợp này không?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải phân tích từng bước như sau: Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tranh chấp sẽ sử dụng Tư pháp quốc tế Việt Nam. Quy phạm xung đột cho hợp đồng hiện hành là Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 683.2.a, nếu các bên không thỏa thuận luật áp dụng thì luật của nước có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng là luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân (đối với hợp đồng mua bán hàng hóa). Nơi này chính là Việt Nam. Như vậy, quy tắc xung đột hợp đồng của Tư pháp quốc tế Việt Nam dẫn chiếu đến luật Việt Nam, mà Việt Nam là một quốc gia thành viên công ước CISG nên CISG được áp dụng thay cho luật quốc gia Việt Nam (kết quả áp dụng Điều 1.1.b).
Qua ví dụ trên ta thấy rõ hơn ý nghĩa của “các nguyên tắc Tư pháp quốc tế” diễn tả trong Điều 1.1.b CISG, và lưu ý rằng đó là các quy tắc xung đột của quốc gia có tòa án giải quyết vụ việc. Còn đối với Trọng tài quốc tế, vì trọng tài nhìn chung ít bị ràng buộc với Tư pháp quốc tế của một quốc gia nhất định, nên các quy tắc xung đột được chọn có thể là quy tắc thông dụng hoặc theo một quốc gia nào đó mà Trọng tài thấy phù hợp, thông thường là của quốc gia nơi xét xử trọng tài.
Thêm một tình huống đáng lưu ý từ ví dụ trên là nếu các bên trong hợp đồng mua bán cà phê đó có thỏa thuận chọn luật của một nước thành viên Công ước nhưng quốc gia này bảo lưu Điều 1.1.b theo quy định tại Điều 95 Công ước. Khi đó luật quốc gia này sẽ áp dụng hay CISG. Thực tế có một số quốc gia có bảo lưu như vậy vì họ không muốn CISG thay thế luật nội địa của họ trong những hợp đồng có một bên có trụ sở ở quốc gia không phải là thành viên Công ước. Trong trường hợp các bên chọn luật các nước này thì CISG sẽ không áp dụng ưu tiên so với luật quốc gia. Nói cách khác, đây là thêm một trường hợp loại trừ áp dụng Công ước.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về công ước viên 1980. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.