Hoạt động thẩm định giá được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào? Quy trình thẩm định giá tài sản được thực hiện cụ thể như thế nào? Chứng thư thẩm định giá hết thời hạn sử dụng có được gia hạn hay không? Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được thực hiện những nhiệm vụ gì liên quan đến hoạt động thẩm định giá? Cùng tìm hiểu về công ty định giá tài sản ngay dưới đây.
Thẩm định giá nhà nước
Điều 31, Điều 44 và Điều 45 Luật Giá đã quy định tài sản, phạm vi và phương thức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, trong đó quy định các trường hợp thẩm định giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, cụ thể:
“Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong các trường hợp sau:
Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá;
Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước;
Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Đồng thời, Điều 46 của Luật Giá giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thẩm định giá của Nhà nước và nội dung này được quy định cụ thể tại Mục 4 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP.
– Các điều từ Điều 23 đến Điều 27 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định giá của Nhà nước và quyền, nghĩa vụ của thủ trưởng, công chức cơ quan nhà nước khi thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước, cụ thể quy định về: yêu cầu thẩm định giá tài sản; tiếp nhận yêu cầu thẩm định giá tài sản; trình tự thẩm định giá tài sản; quyền, nghĩa vụ của thủ trưởng, công chức cơ quan nhà nước khi thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước; lập và lưu trữ hồ sơ thẩm định giá tài sản.
– Các điều từ Điều 28 đến Điều 32 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về thành phần Hội đồng thẩm định giá tài sản được phân chia theo các cấp: Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan khác của trung ương; cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất một thành viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính hoặc đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá.
Ngoài ra, tại các Điều 30, Điều 31 và Điều 32 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá và thành viên Hội đồng thẩm định giá, các trường hợp không được tham gia Hội đồng thẩm định giá tài sản Nhà nước và chi phí thẩm định giá tài sản nhà nước.
Khái quát nội dung của Hệ thống TCTĐGVN tại công ty định giá tài sản
Nội dung của Hệ thống TCTĐGVN có thể được tóm tắt trên cơ sở một số nội dung cơ bản như sau:
Nội dung được Hệ thống TCTĐGVN giới thiệu đầu tiên và được coi là có ảnh hưởng đến toàn bộ các tiêu chuẩn tiếp theo của Hệ thống TCTĐGVN, đó là TCTĐGVN số 01 – Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá.
Theo đó, thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải tôn trọng và chấp hành đúng quy định của Luật Giá, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình hành nghề thẩm định giá. Thẩm định viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, khách quan khi tiến hành thẩm định giá, đáp ứng các tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Thẩm định viên ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá.
Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm cuối cùng về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá trước pháp luật, khách hàng và bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
Các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp thẩm định giá gồm: độc lập; Chính trực; Khách quan; Bảo mật; Công khai, minh bạch; Năng lực chuyên môn và tính thận trọng; Tư cách nghề nghiệp; và Tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.
Các nội dung về những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản quy định tại Tiêu chuẩn này phải được cụ thể hóa và thể hiện trong quá trình xây dựng quy trình và thực hiện kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá.
Về phân loại tài sản trong thẩm định giá: Tài sản thẩm định giá bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Theo TCTĐGVN số 07, tài sản thẩm định giá có thể phân chia theo các cách sau: (i) Phân loại theo khả năng di dời, tài sản được chia thành: bất động sản và động sản; (ii) Phân loại theo đặc tính vật chất và hình thức mang giá trị, tài sản được chia thành: tài sản hữu hình, tài sản vô hình và tài sản tài chính. Trong thẩm định giá, thẩm định viên cần quan tâm đến khía cạnh pháp lý cùa tài sản đó là quyền tài sản.
Một yếu tố quan trọng cũng cần được làm rõ trước khi tiến hành thẩm định giá là mục đích thẩm định giá. Mục đích thẩm định giá khá đa dạng, bao gồm mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp, tố tụng, phá sản và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở mục đích thẩm định giá và đặc điểm của tài sản thẩm định giá, thẩm định viên xác định cơ sở giá trị của việc thẩm định giá tài sản là giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường.
Mặc dù, hoạt động thẩm định giá phần lớn là dựa trên cơ sở giá trị thị trường, tuy nhiên có những loại tài sản riêng biệt, mục đích thẩm định giá riêng biệt đòi hỏi thẩm định giá phải dựa trên giá trị phi thị trường.
Giá trị thị trường là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch khách quan, độc lập, có đủ thông tin, các bên tham gia hành động một cách có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc.
Trong khi đó, giá trị phi thị trường là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, không phản ánh giá trị thị trường mà căn cứ vào đặc điểm kinh tế – kỹ thuật, chức năng, công dụng của tài sản, những lợi ích mà tài sản mang lại trong quá trình sử dụng, giá trị đối với một số người mua đặc biệt, giá trị khi giao dịch trong điều kiện hạn chế, giá trị đối với một số mục đích thẩm định giá đặc biệt và các giá trị không phản ánh giá trị thị trường khác.
Giá trị phi thị trường bao gồm: giá trị tài sản bắt buộc phải bán, giá trị đặc biệt, giá trị đầu tư, giá trị để tính thuế hoặc các giá trị khác.
Quy trình thẩm định giá tại công ty định giá tài sản:
Quy trình thẩm định giá được áp dụng chung trong các cách tiếp cận, các phương pháp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá, bao gồm các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
Bước 2: Lập kế hoạch thẩm định giá.
Bước 3: Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.
Bước 4: Phân tích thông tin.
Bước 5: Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
Bước 6: Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.
Khi tiến hành thẩm định giá, thẩm định viên tại công ty định giá tài sản cần thực hiện một số điểm sau:
Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá
a) Xác định các đặc điểm cơ bản về pháp lý, kinh tế – kỹ thuật của tài sản cần thẩm định giá có ảnh hưởng đến giá trị của tài sản thẩm định giá tại thời điểm thẩm định giá. Trường hợp có những hạn chế trong việc xác định các đặc điểm này, cần nêu rõ trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.
b) Xác định đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá: Đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá là khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết.
c) Xác định mục đích thẩm định giá và thời điểm thẩm định giá căn cứ vào văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, văn bản đề nghị thẩm định giá của khách hàng thẩm định giá hoặc hợp đồng thẩm định giá.
d) Xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá: Căn cứ vào mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế – kỹ thuật và đặc điểm thị trường của tài sản thẩm định giá thẩm định viên xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá là giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường của tài sản.
e) Xác định giả thiết và giả thiết đặc biệt
Thẩm định viên có thể đưa ra giả thiết đối với những thông tin còn hạn chế, chưa chắc chắn ảnh hưởng đến giá trị tài sản thẩm định giá trong trường hợp không khắc phục được những hạn chế này.
Các hạn chế về thông tin bao gồm các hạn chế về hồ sơ pháp lý của tài sản thẩm định giá, hạn chế về đặc điểm của tài sản thẩm định giá, hoặc hạn chế về các thông tin khác ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá.
Giả thiết đặc biệt về tình trạng của tài sản khác với thực tế tại thời điểm thẩm định giá, tuy nhiên giả thiết này cần được áp dụng để phù hợp với mục đích thẩm định giá theo yêu cầu của khách hàng.
Những giả thiết và giả thiết đặc biệt đưa ra phải hợp lý và phù hợp với mục đích thẩm định giá. Các giả thiết đặc biệt cần phải được thông báo và có sự đồng thuận của khách hàng thẩm định giá và đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
Lập kế hoạch thẩm định giá
Việc lập kế hoạch thẩm định giá nhằm xác định rõ phạm vi, nội dung công việc, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc và tiến độ thực hiện của toàn bộ cuộc thẩm định giá. Nội dung kế hoạch được quy định cụ thể trong TCTĐGVN số 5.
Khảo sát thực tế, thu thập thông tin
Khi tiến hành khảo sát thực tế, thu thập thông tin, thẩm định viên có trách nhiệm kiểm chứng thông tin để bảo đảm độ tin cậy, chính xác trước khi đưa vào phân tích thông tin, áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.
Thẩm định viên phải trực tiếp tham gia vào quá trình khảo sát, ký biên bản khảo sát hiện trạng tài sản và thu thập số liệu về thông số của tài sản thẩm định giá và các tài sản so sánh (nếu sử dụng các tài sản so sánh). Chụp ảnh các tài sản theo dạng toàn cảnh và chi tiết.
Đối với từng loại tài sản cụ thể thẩm định viên cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của tài sản thẩm định giá và tiến hành thu thập các thông tin phù hợp với các yếu tố đó, phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá lựa chọn. Các thông tin thu thập được cần được lưu trữ trong hồ sơ thẩm định giá.
Phân tích thông tin
Sau khi khảo sát thực tế, thu thập thông tin, thẩm định viên cần phân tích toàn bộ các thông tin thu thập được liên quan đến tài sản thẩm định giá và các tài sản so sánh để đánh giá tác động của các yếu tố đến kết quả thẩm định giá cuối cùng.
Trong đó cần phân tích những thông tin về đặc điểm của tài sản (pháp lý, kinh tế – kỹ thuật); về thị trường của tài sản thẩm định giá: cung- cầu; sự thay đổi của chính sách, pháp luật; sự phát triển của khoa học, công nghệ và các yếu tố khác và về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất.
Xác định giá trị tài sản thẩm định giá tại công ty định giá tài sản
Căn cứ các cách tiếp cận thẩm định giá quy định tại các TCTĐGVN do Bộ Tài chính ban hành, thẩm định viên phân tích và lựa chọn các phương pháp thẩm định giá phù hợp với mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị của tài sản, mức độ sẵn có của các dữ liệu, thông tin để áp dụng các phương pháp thẩm định giá và phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan (nếu có).
Thẩm định viên áp dụng từ 02 phương pháp thẩm định giá trở lên đối với một tài sản thẩm định giá để đối chiếu kết quả và kết luận chính xác về kết quả thẩm định giá trừ trường hợp thực hiện theo quy định khác của pháp luật chuyên ngành.
Khi áp dụng nhiều phương pháp thẩm định giá, thẩm định viên cần đánh giá và chỉ rõ phương pháp thẩm định giá nào là phương pháp thẩm định giá chính, phương pháp thẩm định giá nào được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu, từ đó phân tích, tính toán để đi đến kết luận cuối cùng về kết quả thẩm định giá.
Trong trường hợp sử dụng phương pháp so sánh nhưng chỉ có 02 (hai) tài sản so sánh thì kết quả thẩm định giá của phương pháp so sánh chỉ được dùng để kiểm tra, đối chiếu với kết quả thẩm định giá có được từ các phương pháp thẩm định giá khác.
Thẩm định viên được sử dụng 01 (một) phương pháp thẩm định giá trong các trường hợp: (i) Áp dụng phương pháp so sánh khi có nhiều số liệu từ các giao dịch (tối thiểu 03 giao dịch) của các tài sản so sánh trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá; (2) Không có đủ thông tin để áp dụng 02 (hai) phương pháp thẩm định giá trở lên và đưa ra căn cứ thực tế chứng minh cho việc không thể khắc phục được những hạn chế về thông tin này.
Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan tại công ty định giá tài sản
Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá được lập theo quy định tại TCTĐGVN số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính.
Thẩm định viên cần xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm ban hành chứng thư thẩm định giá; xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế – kỹ thuật của tài sản thẩm định giá, biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.
Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá sau khi được doanh nghiệp thẩm định giá hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ký phát hành theo đúng quy định của pháp luật được chuyển cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã được ký kết.
Hồ sơ thẩm định giá tại công ty định giá tài sản
Kết thúc cuộc thẩm định giá, thẩm định viên lập hồ sơ lưu trữ thẩm định giá để chứng minh quá trình thẩm định giá đã được thực hiện theo đúng TCTĐGVN và các quy định của pháp luật về giá có liên quan. Hồ sơ thẩm định giá được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về lưu trữ. Thời hạn lưu trữ tối thiểu là 10 (mười) năm đối với hồ sơ thẩm định giá bằng giấy và lưu trữ vĩnh viễn đối với dữ liệu điện tử.
Trên đây là bài viết tư vấn về công ty định giá tài sản của Luật Trần và Liên danh. Nếu có thắc mắc hãy gọi cho chúng tôi theo số Hotline: 0969 078 234 để được tư vấn miễn phí.