Thẩm định giá tài sản có nguồn gốc từ khoa học kinh tế cổ điển và hiện đại. Các nguyên tắc và kỹ thuật thẩm định giá theo thủ tục thẩm định giá đã được thiết lập và tương tự nhau giữa các nước trước những năm 40 của thế kỷ 20; nhưng trên thế giới thẩm định giá chỉ thật sự phát triển là một hoạt động dịch vụ chuyên nghiệp từ sau những năm 40 của thế kỷ 20. Sự xuất hiện của hoạt động thẩm định giá là một tất yếu của quá trình vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường khi hội đủ các yếu tố khách quan của nó; nghĩa là khi nền kinh tế hàng hoá đạt đến một trình độ xã hội hoá nhất định.
Sự khác nhau giữa thẩm định giá và định giá
Trong nền kinh tế thị trường thẩm định giá và định giá được thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:
Thứ nhất: Bản chất, mục đích định giá và thẩm định giá
Định giá là việc đánh giá giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định còn thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế.
Định giá thông qua các hình thức định giá cụ thể, giá chuẩn, khung giá, giá giới hạn (giá tối thiểu, giá tối đa); thẩm định giá chỉ xác định duy nhất một mức giá tài sản tại một địa điểm và thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá, kết quả thẩm định giá được đưa ra chủ yếu là mang tính tư vấn.
Định giá tài sản để đưa tài sản vào lưu thông trong kinh tế thị trường, trên cơ sở đó thúc đẩy thị trường phát triển. Thẩm định giá đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản để tư vấn cho người có yêu cầu thẩm định giá sử dụng vào những mục đích nhất định như mục đích bảo toàn tài sản, mua bán tài sản, thế chấp tài sản, tính thuế, thanh lý tài sản,…
Thứ hai: Nguyên tắc
Định giá tài sản phải bảo đảm nguyên tắc:
Định giá tài sản phải dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, tính chất, vị trí, quy mô, thực trạng của tài sản và giá thị trường tại thời điểm định giá ;
Định giá tài sản phải độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ pháp luật.
Thẩm định giá theo nguyên tắc:
Tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam ;
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá ;
Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá ;
Bảo mật các thông tin của đơn vị được thẩm định giá, trừ trường hợp đơn vị được thẩm định giá đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.
Thứ ba: Phương pháp định giá, thẩm định giá
Định giá theo các phương pháp cơ bản như: phương pháp so sánh trực tiếp; phương pháp thu nhập;…
Thẩm định giá theo các phương pháp cơ bản như: Phương pháp so sánh; phương pháp chi phí; phương pháp thu nhập; phương pháp lợi nhuận; phương pháp thặng dư;…
Thứ tư: Chủ thể thực hiện
Định giá do Nhà nước thực hiện với tư cách tổ chức quyền lực công, thông qua đó thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và với cả tư cách chủ sở hữu (đối với tài sản của Nhà nước). Định giá còn do các tổ chức, các nhân thực hiện với tư cách chủ sở hữu tài sản hoặc với tư cách người có quyền tài sản hoặc với tư cách người cung cấp dịch vụ định giá.
Thẩm định giá phải do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện, thông qua hoạt động của thẩm định viên về giá.
Dịch vụ tư vấn thủ tục thẩm định giá Luật Trần và Liên danh
Thẩm định giá bất động sản: Đất đai; lợi thế quyền sử dụng đất, trang trại, nhà xưởng, kho bãi, các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, dự án liền kề, dự án resort, dự án khu nghỉ dưỡng…
Thẩm định giá doanh nghiệp: Phát hành cổ phiếu, bán cổ phiếu ra công chúng, chứng minh năng lực tài chính, phục vụ để cổ phần hóa, liên doanh, góp vốn, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A)…
Thẩm định giá Động sản: Máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất; Phương tiện vận tải: Tàu, ô tô, máy bay…
Thẩm định dự án đầu tư: Dự án bất động sản, dự án khu công nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chứng minh năng lực tài chính của tổ chức và cá nhân;
Thẩm định giá tài nguyên: Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên năng lượng.
Thẩm định giá vô hình: Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,…; Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định sau: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.
Mục đích thẩm định giá:
Làm cơ sở xét duyệt chi nguồn vốn ngân sách Nhà Nước;
Mua bán, chuyển nhượng, mua bán xử lý nợ, xử lý tài sản thế chấp, tài sản tồn đọng;
Thế chấp vay vốn Ngân hàng;
Góp vốn liên doanh, giải thể, sáp nhập, chia tách, mua bán doanh nghiệp;
Thành lập Doanh nghiệp;
Cổ phần hóa Doanh nghiệp hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp;
Bán đấu giá Tài sản, xét thầu các dự án;
Đền bù, bảo hiểm, khiếu nại, giải quyết, xử lý tài sản tranh chấp trong các vụ án;
Hoạch toán kế toán, tính thuế;
Tư vấn và lập dự án đầu tư, duyệt dự toán các dự án, công trình;
Làm cơ sở tính tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước khi nhận giao đất hay thuê đất;
Chứng minh tài sản, du học, định cư, du lịch….;
Tham khảo giá thị trường;
Báo cáo thẩm định giá, Chứng thư, Hồ sơ thẩm định giá theo thủ tục thẩm định giá
Báo cáo kết quả thẩm định giá theo thủ tục thẩm định giá
Báo cáo kết quả thẩm định giá (sau đây gọi là Báo cáo) phải thể hiện thông tin đúng theo thực tế, mang tính mô tả và dựa trên bằng chứng cụ thể để thuyết minh về mức giá của tài sản cần thẩm định giá. Những thông tin này phải được trình bày theo một trình tự khoa học, hợp lý, từ mô tả về tài sản đến những yếu tố tác động tới giá trị của tài sản. Báo cáo phải có các lập luận, phân tích những dữ liệu thu thập trên thị trường hình thành kết quả thẩm định giá. Báo cáo là một phần không thể tách rời của Chứng thư thẩm định giá.
Chứng thư thẩm định giá
“Chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá lập để thông báo cho khách hàng và các bên liên quan về những nội dung cơ bản của báo cáo kết quả thẩm định giá”
Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá quy định “Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật”
Hồ sơ thẩm định giá theo thủ tục thẩm định giá
Thẩm định viên có trách nhiệm lập hồ sơ thẩm định giá để chứng minh quá trình thẩm định giá đã được thực hiện theo đúng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các quy định của pháp luật về giá có liên quan.
Hồ sơ thẩm định giá được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về lưu trữ. Việc khai thác Hồ sơ thẩm định giá phải đảm bảo tính bảo mật theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ thẩm định giá bao gồm toàn bộ những thông tin, tài liệu cần thiết, phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản để hình thành kết quả thẩm định giá cuối cùng. Tài liệu trong hồ sơ thẩm định giá phải được phân loại, sắp xếp theo thứ tự và được thể hiện trên giấy, phim ảnh hay những vật mang tin khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Thành phần của từng hồ sơ thẩm định giá có thể khác biệt căn cứ vào mục đích thẩm định giá và loại tài sản cần thẩm định giá.
Các phương pháp thẩm định giá theo thủ tục thẩm định giá
Trong lĩnh vực thẩm định giá thẩm định viên sử dụng ba cách tiếp cận phổ biến để đi đến kết luật giá trị của tài sản bao gồm: Cách tiếp cận từ thị trường; Cách tiếp cận từ chi phí; Cách tiếp cận từ thu nhập. Ngoài ra cách tiếp cận hỗn hợp được kết hợp từ cách tiếp cận thị trường và cách tiếp cận từ chi phí cũng được các thẩm định viên sử dụng trong từng trường thẩm định giá cụ thể. Tương ứng các cách tiếp cận là các phương pháp thẩm định giá:
Cách tiếp cận từ thị trường tương ứng là: Phương pháp so sánh
Cách tiếp cận từ chi phí là: Phương pháp chi phí tái tạo, phương pháp chi phí thay thế
Cách tiếp cận từ thu nhập là: Phương pháp vốn hóa trực tiếp, phương pháp dòng tiền chiết khấu
Cách tiếp cận hỗn hợp là: Phương pháp thặng dư; Phương pháp chiết trừ
Để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp, thẩm định viên luôn phải căn cứ vào: Mục đích thẩm định giá; Đặc điểm của loại hình tài sản thẩm định giá; Mức độ sẵn có, độ tin cậy của các thông tin, số liệu thu thập trên thị trường. Vì một tài sản có thể có nhiều phương pháp thẩm định giá khác nhau. Mỗi phương pháp thẩm định giá cho ra một mức giá chỉ dẫn, hoặc nhiều mức giá chỉ dẫn. Các mức giá chỉ dẫn sẽ được thẩm định viên xem xét, phân tích, thống nhất để tìm ra một mức giá ước tính cuối cùng của tài sản thẩm định.
Nghề thẩm định giá
Từ một khu chế xuất, một doanh nghiệp đến một chiếc ghế đều có giá. Nhưng là bao nhiêu? Trong nhiều trường hợp, câu trả lời không dễ dàng, mỗi bên liên quan có thể đưa ra các mức giá khác nhau. Người làm công việc thẩm định giá chính là “trọng tài” trong những trường hợp đó.
Chọn nghề thẩm định giá, bạn sẽ không thiếu việc làm
Nhu cầu về cán bộ, chuyên viên thẩm định giá ở nước ta ngày càng tăng nhanh theo đà tăng trưởng của nền kinh tế thị trường.
Nghề thẩm định giá không hề đơn điệu, bạn có cơ hội lựa chọn việc làm theo năng lực cá nhân bởi có rất nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng như thẩm định giá theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, thẩm định giá của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá, nhu cầu này của xã hội đang ngày càng tăng.
Khi bạn chọn nghề thẩm định giá, bạn cũng có nhiều cơ hội lựa chọn địa điểm làm việc và làm việc ở nhiều môi trường:
– Cơ quan có chức năng thẩm định giá tài sản, hàng hóa thuộc các bộ, ngành kinh tế như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên – Môi trường… Các sở, phòng tài chính, phòng địa chính của các địa phương.
– Các văn phòng luật sư về sở hữu trí tuệ, phòng kiểm định chất lượng, phòng đăng kiểm…
– Các công ty bảo hiểm, xuất nhập khẩu, xây dựng, tư vấn tài chính và kinh doanh bất động sản, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, …
Trên đây là bài viết tư vấn về thủ tục thẩm định giá của Luật Trần và Liên danh. Nếu có thắc mắc hãy gọi cho chúng tôi theo số Hotline: 0969 078 234 để được tư vấn miễn phí.