Cấp ủy là gì, bao gồm những ai và có nhiệm vụ gì? Hãy cùng tìm hiểu cùng Luật Trần và Liên Danh qua bài viết sau nhé!
Cấp ủy cơ sở là gì?
Cấp ủy cơ sở là cụm từ khá quen thuộc mà chúng ta vẫn bắt gặp trong các cuộc họp chi bộ. Đây là tên gọi của một cơ quan thuộc tổ chức Đảng và do đại hội Đảng ở cơ sở bầu ra. Cấp ủy cơ sở là cơ quan lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng giữa hai kỳ đại hội. Chức năng của cấp ủy cơ sở là lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng để triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội của Đảng bộ cấp cơ sở.
Như vậy, hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng được thể hiện ở hai nội dung cơ bản:
– Thứ nhất, cấp ủy cơ sở là nơi tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng, tiến hành các nội dung công tác Đảng viên, công tác cán bộ, thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.
– Thứ hai, cấp ủy cơ sở lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, lãnh đạo chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân triển khai việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết mà đại hội Đảng bộ đã thông qua.
Cấp ủy cơ sở bao gồm những ai?
Cấp ủy cơ sở bao gồm các cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy. Để giúp cấp ủy cơ sở thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình thì có rất nhiều ban ngành, trong đó văn phòng cấp ủy là cơ quan giúp việc đầu tiên chịu trách nhiệm giúp cấp ủy triển khai việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết mà đại hội đảng bộ hết nhiệm kỳ đã thông qua. Đó là một hoạt động rất quan trọng, giúp cho việc bảo đảm cho cấp ủy cơ sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Nói một cách cụ thể, văn phòng của cấp ủy cơ sở trực tiếp giúp cấp ủy cơ sở tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo hàng ngày.
Nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở
Nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở đã được quy định tại Điều 4 Quy định 202-QĐ/TW như sau:
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình. Đồng thời quyết định chương trình làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm; quyết định quy chế làm việc của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp mình.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của cấp ủy cấp mình; thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của cấp trên. Cấp ủy cơ sở có nhiệm vụ xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm. Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm các chủ trương, mô hình mới theo chỉ đạo của cấp trên.
Thứ ba, cấp ủy cơ sở định hướng hoặc quyết định theo thẩm quyền của mình những vấn đề về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo quy định của Điều lệ Đảng:
a) Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, học tập lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt.
b) Lãnh đạo thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp.
c) Lãnh đạo việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, hợp nhất các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền và theo quy định, hướng dẫn của cấp trên.
d) Căn cứ chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên, lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội của các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập đại hội đảng bộ cấp huyện, hội nghị giữa nhiệm kỳ (nếu có); thông qua dự thảo các văn kiện trình đại hội; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa mới.
đ) Lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ bảo đảm đúng nguyên tắc, nội dung, quy trình, thủ tục, thẩm quyền. Căn cứ quy định, hướng dẫn của cấp trên, thảo luận, quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra; bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy. Trình ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh nhân sự giới thiệu ứng cử các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình. Xem xét, giới thiệu nhân sự đề nghị bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu; tham gia ý kiến về nhân sự phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân trước khi ban thường vụ cấp ủy quyết định giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu.
e) Thực hiện tự phê bình và phê bình, chất vấn và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Cho ý kiến về kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm của ban thường vụ. Lãnh đạo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.
g) Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên. Quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên, vấn đề đảng tịch theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương.
Thứ tư, cấp ủy cơ sở lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Định hướng những vấn đề quan trọng để Hội đồng nhân dân quyết định. Ngoài ra xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trung hạn và dài hạn; định kỳ xem xét, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và định hướng nhiệm vụ tiếp theo. Ngoài ra cho ý kiến tham mưu về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương theo quy hoạch chung của tỉnh và của Trung ương. Cấp ủy cơ sở lãnh đạo thực hiện quy trình, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo chủ trương của cấp trên và quy định của pháp luật. Bàn chủ trương, biện pháp triển khai, tổ chức thực hiện những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm về kinh tế – xã hội, ngân sách, nội chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các chương trình, dự án quan trọng của địa phương.
Thứ năm, cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; chăm lo đời sống và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng khối đoàn kết toàn dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội. Lãnh đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo quy định của Bộ Chính trị.
Thứ sáu, cấp ủy cơ sở quyết định theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ; xem xét, cho ý kiến về công tác tài chính đảng hằng năm và cuối nhiệm kỳ.
Thứ bảy, cấp ủy cơ sở xem xét, cho ý kiến về những công việc ban thường vụ đã giải quyết giữa hai kỳ hội nghị cấp ủy; quyết định những vấn đề quan trọng do ban thường vụ cấp ủy trình.
Ngoài ra, cấp ủy cơ sở còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo đúng nhiệm vụ được giao bởi chỉ đạo của cấp trên.
Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên:
Tại Chỉ thị số 35-CT/TW được Bộ chính trị ban hành ngày 30/5/2019 đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn cũng như điều kiện của cấp ủy viên. Tại Chỉ thị số 35-CT/TW ó một vài nội dung chính cụ thể như:
– Cấp ủy viên sẽ cần luôn phải nâng cao tinh thần tuyệt đối trung thành với những mục tiêu, lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam, dân tộc, quốc gia và nhân dân lên trên lợi ích của chính cá nhân mình. Các chủ thể sẽ phải sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng cộng sản Việt Nam. bên cạnh đó thì cũng cần có lập trường, bản lĩnh và không dao động trước những bất cứ tình huống nào. Một điều rất quan trọng đó là cấp ủy viên cần phải có tinh thần yêu nước, thương dân, luôn phải vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc nhân dân, nghiêm túc thực hiện theo đúng sự phân công cũng như nhiệm vụ được giao.
– Cấp ủy viên cũng cần có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống khiêm tốn, liêm chính, trung thực, kiệm, giản dị, không được tham nhũng, không quan liêu, không cơ hội, không vụ lợi, phải chí công vô tư. Cấp ủy viên có trách nhiệm với công việc; phải có tinh thần đoàn kết, gương mẫu, quan tâm và yêu thương tới những đồng nghiệp; kiên quyết đấu tranh để có thể chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, thực dụng, bè phái, công bằng, chính trực, và cần phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
– Cấp ủy viên phải có tư duy, có tầm nhìn; có năng lực tổng hợp, phân tích, phương pháp làm việc khoa học. Cấp ủy viên cũng sẽ cần có năng lực thực tiễn, hiểu biết tình hình thực tế để nhằm mục đích có thể từ đó đưa ra những đề xuất nâng cao hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước.
– Cấp ủy viên phải có trình độ chuyên môn; quản lý nhà nước và cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; bên cạnh đó thì còn cần có trình độ tin học, ngoại ngữ phù hợp.
– Cấp ủy viên phải có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm tuổi theo quy định pháp luật.
Trên đây là định nghĩa về cấp ủy cơ sở và những nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở được đề ra theo Quy định 202-QĐ/TW mà Luật Trần và Liên Danh muốn cung cấp tới bạn đọc. Hy vọng bài viết này đã đem đến cho bạn thông tin hữu ích. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề pháp lý nào thắc mắc thì vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến để được hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn!