Án phí lệ phí trong tố tụng dân sự là khoản tiền mà đương sự trong vụ án có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của Tòa án. Tùy từng vụ án dân sự mà pháp luật quy định cách tính án phí trong vụ án dân sự.
Vậy, pháp luật dân sự quy định như thế nào về mức án phí, các trường hợp miễn, giảm án phí dân sự trong vụ án dân sự. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho người đọc về những vấn đề trên.
Cơ sở pháp lý tính án phí dân sự
– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
– Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (NQ326)
Án phí, lệ phí dân sự là gì?
Án phí, lệ phí là một căn cứ quan trọng để Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc dân sự.
Thủ tục nộp án phí, lệ phí hiện nay được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (NQ326). Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số quy định về thủ tục nộp án phí, lệ phí và một số vướng mắc về thủ tục nộp án phí, lệ phí trong thực tiễn hiện nay.
Tố tụng dân sự là gì?
Tố tụng dân sự giải quyết vụ việc dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật quy định việc xem xét, giải quyết vụ việc dân sự. Thủ tục tư pháp dân sự là cầu nối giữa đương sự với Tòa án và cơ quan/cá nhân liên quan để giải quyết các vụ việc dân sự. Theo đó, trong tố tụng dân sự thì Tòa án sẽ không thể giải quyết vụ việc dân sự khi không có yêu cầu từ phía đương sự.
Trong việc giải quyết các vụ việc dân sự thì việc nộp án phí, lệ phí là quyền, nghĩa vụ đương sự. Đồng thời, đây là căn cứ quan trọng để Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc theo yêu cầu của đương sự.
Án phí, lệ phí là gì?
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật chưa có định nghĩa về án phí, lệ phí. BLTTDS và NQ326 đều chỉ quy định trình tự, thủ tục giải quyết đối với án phí, lệ phí và liệt kê các khoản tiền nào được xem là án phí, lệ phí, chi phí khác.
Dựa theo quy định các văn bản pháp lý nêu trên, án phí, lệ phí có thể được hiểu án phí, lệ phí là chi phí mà Nhà nước tiến hành để giải quyết các vụ việc dân sự do lỗi của một bên đương sự hoặc vì lợi ích riêng của đương sự.
Do vậy, pháp luật quy định đương sự phải chịu một phần chi phí mà Nhà nước đã chi cho toà án thực hiện các hoạt động đó.
Trong đó, án phí dân sự là số tiền đương sự phải nộp vào ngân sách Nhà nước khi vụ án dân sự được Toà án thụ lý giải quyết; lệ phí là số tiền đương sự phải nộp ngân sách nhà nước khi Toà án giải quyết việc dân sự hoặc khi Toà án thực hiện các công việc theo yêu cầu của đương sự.
Một số bất cập trong quy định về thủ tục nộp tiền án phí, lệ phí hiện nay
Hiện nay, thủ tục nộp án phí, lệ phí của đương sự đối với yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự được quy định trong BLTTDS và NQ326. Nhìn chung những quy định tại các văn bản pháp lý nêu trên là phù hợp với các điều kiện kinh tế – xã hội, đáp ứng được những yêu cầu trong hoạt động tố tụng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng thì những quy định này cũng đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế và vướng mắc nhất định, cụ thể như sau:
Cơ quan có thẩm quyền thu tiền án phí, lệ phí
Thứ nhất, về cơ quan có thẩm quyền thu tiền án phí, lệ phí. Theo quy định tại Điều 10 NQ326 cơ quan thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án được quy định như sau:
“1. Cơ quan thi hành án dân sự thu án phí quy định tại Điều 3 và các loại lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2, các khoản 4, 5 và 8 Điều 4 của Nghị quyết này.
- Tòa án thu lệ phí Tòa án quy định tại điểm a khoản 2, các khoản 3, 6 và 9 Điều 4; khoản 4 Điều 39 của Nghị quyết này.
- Bộ Ngoại giao thu lệ phí Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này.
- Cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thẩm quyền thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án.”
Theo quy định như trên cho thấy, có ba cơ quan cùng có thẩm quyền thu án phí, lệ phí của đương sự là: Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án và Bộ Ngoại giao. Trong các cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí như trên, Bộ ngoại giao chỉ có thẩm quyền thu một loại lệ phí duy nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 10 NQ326 là “Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam”.
Tất cả các loại án phí, lệ phí còn lại do Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thu. Tuy nhiên, Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án cùng có thẩm quyền thu án phí, lệ phí của đương sự sẽ dẫn đến một số bất cập như sau:
– Thiếu thống nhất trong việc quản lý án phí, lệ phí. Do có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền trong việc thu án phí, lệ phí nên gây khó khăn trong vấn đề quản lý án phí, lệ phí tập trung.
Điều này chưa phù hợp với nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Do vậy, khi tiến hành giải quyết công việc liên quan đến vấn đề án phí, lệ phí thì các cơ quan này buộc phải tiến hành phối hợp, trao đổi qua lại với nhau. Đồng thời, quy trình giải quyết công việc sẽ chậm hơn so với việc tập trung quản lý án phí, lệ phí trong một đầu mối duy nhất.
Bên cạnh đó, chưa kể đến việc các cơ quan nêu trên đôi khi thiếu sự hợp tác, phối hợp với nhau đã đẩy khó khăn cho đương sự, khiến đương sự lúng túng trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (Ví dụ: Trong một số Bản án/Quyết định của Tòa án có nêu việc hoàn trả tạm ứng án phí, lệ phí, tuy nhiên trong Bản án/Quyết định đó lại không ghi nơi nhận.
Điều này, gây lúng túng, khó khăn cho chính Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự vì cả hai nơi đều nhận là cơ quan có thẩm quyền giải quyết án phí, lệ phí).
– Phát sinh thêm nhân sự, chi phí. Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự đều có thẩm quyền tiến hành thu án phí, lệ phí, điều này tất yếu dẫn đến phát sinh thêm nhân sự, chi phí quản lý.
Trong vấn đề này, Cơ quan thi hành án dân sự chỉ là đơn vị “thu hộ” cho Tòa án vì toàn bộ án phí, lệ phí đều phải nộp lại hệ thống Kho bạc nhà nước, cơ quan thi hành án dân sự không giữ lại án phí, lệ phí (Điều 144 BLTTDS và Điều 19 NQ326). Điều này đi ngược lại tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Việc thu gọn đầu mối cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí như trên không chỉ tinh giản được nhân sự mà còn giúp giải quyết công việc và quản lý án phí, lệ phí thuận lợi hơn.
– Tốn kém về thời gian, chi phí cho đương sự trong việc nộp án phí, lệ phí. Theo quy định của BLTTDS và NQ326, Tòa án là cơ quan ra văn bản yêu cầu đương sự nộp án phí, lệ phí. Tuy nhiên, việc nộp án phí, lệ phí lại diễn ra ở cơ quan thi hành án dân sự (trừ một số loại lệ phí nộp tại Tòa án).
Sau khi nộp án phí, lệ phí tại cơ quan thi hành án dân sự xong, đương sự phải quay trở lại Tòa án nộp Biên lai án phí, lệ phí để Thẩm phán lưu lại làm căn cứ giải quyết vụ việc. Điều này, dẫn đến sự tốn kém về thời gian, chi phí cho đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí (một việc phải đi đến hai cơ quan khác nhau, chưa kể đôi khi khoảng cách giữa Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự nằm cách xa nhau).
Về thủ tục nộp tiền án phí, lệ phí
Theo quy định của BLTTDS, Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, lệ phí, ghi vào giấy báo và giao cho đương sự. Theo đó, sau khi đương sự nhận được giấy báo/thông báo từ Tòa án thì trong khoảng thời hạn nhất định, đương sự phải liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí để nộp tiền án phí, lệ phí.
Sau đó đương sự phải nộp lại Biên lai án phí, lệ phí để Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc. Từ thực tiễn nêu trên cho thấy rằng việc nộp án phí, lệ phí hiện nay đều thực hiện thủ công (hiện nay một số cơ quan thi hành án dân sự cung cấp số tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước để đương sự tiến hành nộp án phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản qua internet banking/moblie banking.
Tuy nhiên, để cung cấp biên lai cho đương sự thì cơ quan thi hành án dân sự phải đến Kho bạc để nhận chứng từ rồi mới ghi lại Biên lai). Việc nộp tiền án phí, lệ phí như trên dẫn đến một số bất cập như sau:
– Tốn kém về thời gian, chi phí. Dương sự khi phải thực hiện nghĩa vụ về án phí, lệ phí phải đến tận trụ sở cơ quan ra thông báo án phí, lệ phí để nhận thông báo, sau đó và cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí để nộp tiền, điều này tốn kém về thời gian, chi phí cho đương sự (Ví dụ: đương sự cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, khi đề nghị Tòa án có thẩm quyền tại tỉnh Cà Mau giải quyết vụ việc dân sự.
Theo đó, khi Tòa án có thẩm quyền ra thông báo đóng án phí, đương sự từ thành phố Hồ Chí Minh đem tiền mặt đến cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để nộp án phí). Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí tốn thời gian, nhân sự cho việc nhận tiền, ghi biên lai, quản lý và nộp lại khoản tiền trên vào tài khoản Kho bạc.
Đối với hình thức đương sự chuyển khoản qua tài khoản kho bạc, cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí tốn thời gian, nhân sự khi phải liên hệ với Kho bạc để nhận chứng từ rồi mới tiến hành ghi biên lai.
Điều này đi ngược lại trong xu thế chuyển đổi số quốc gia và cải cách tư pháp. Trong xu thế chuyển đổi số quốc gia, mọi giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân/tổ chức đều thực hiện trên không gian mạng.
– Rủi ro cho đương sự khi phải nộp tiền, quản lý biên lai. Án phí, lệ phí là những vấn đề pháp lý rất quan trọng vì nó liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự. Đồng thời, đây cũng là khoản thu cho ngân sách nhà nước để đảm bảo giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, quy trình nộp án phí, lệ phí như trên dẫn đến một số rủi ro như sau:
+ An toàn khi nộp tiền: Trong quá trình đi nộp án phí, lệ phí việc đương sự bảo quản tiền mặt đem đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí sẽ dẫn đến thiếu an toàn cho đương sự khi gặp những rủi ro nhất định. Điều này chưa kể cơ quan có thẩm quyền thu án/lệ phí phải luôn có biện pháp bảo đảm an toàn trong quản lý tiền mặt là phí, lệ phí.
+ Bảo quản biên lai: Quá trình bảo quản biên lai tạm ứng án phí, lệ phí (chứng cứ chứng minh quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự) của đương sự luôn có những rủi ro nhất định. Điều này thể hiện ở việc, đương sự trong quá trình quản lý biên lai có thể sơ suất làm mất/chậm nộp biên lai.
Theo quy định của pháp luật, đương sự không nộp hoặc nộp biên lai không đúng thời gian quy định thì Tòa án không thể thụ lý giải quyết vụ việc dân sự. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ của đương sự trong giải quyết vụ việc dân sự.
Đối với trường hợp làm mất biên lai, đương sự phải liên hệ lại các cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí để đề nghị giải quyết việc làm thất lạc biên lai.
Đối với trường hợp chậm nộp biên lai, đương sự phải liên hệ lại từ đầu với Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự để nộp án phí, lệ phí để tiếp tục yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự hoặc nhận lại tiền đã nộp án phí, lệ phí khi không còn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.
Chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại. Thủ tục tư pháp dân sự đóng vai trò là cầu nối giữa đương sự với cơ quan tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự.
Mục tiêu của cải cách tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.
Đồng thời, nhiệm vụ cải cách tư pháp được đặt ra với các cơ quan tư pháp “phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Sự chậm thay đổi, thiếu các phương thức giao dịch hiện đại trong thủ tục nộp án phí, lệ phí đã hạn chế đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, có thể thấy rằng thủ tục nộp án phí, lệ phí chưa phù hợp với yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp hiện nay.
Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về án phí lệ phí trong tố tụng dân sự. Mọi vướng mắc, xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ Hotline để được tư vấn tốt nhất.