Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là công việc hàng năm của doanh nghiệp và người lao động đủ điều kiện đóng thuế. Để quyết toán thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân và nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan theo quy định của pháp luật.
Vậy, hồ sơ thuế thu nhập cá nhân bao gồm những gì? nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2021 ở đâu? Bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh sẽ giúp quý khách hàng xác định rõ được nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, do đó, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng trong, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN có những đặc điểm sau
Thứ nhất, thuế TNCN là thuế trực thu.
Thuế trực thu là loại thuế mà chủ thể nộp thuế cũng đồng thời là chủ thể gánh chịu thuế; nghĩa là chủ thể nộp thuế sẽ mất một phần thu nhập của chính mình vì thuế.
Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu bởi cá nhân có thu nhập chịu thuế là người nộp thuế; việc nộp thuế được tiến hành từ việc khấu trừ trực tiếp từ thu nhập của cá nhân đó; mà không thông qua hành vi tiêu dùng hoặc chủ thể trung gian khác.
Do thuế trực thu trực tiếp điều tiết vào thu nhập; tài sản của tổ chức, cá nhân, có thể xem xét đến hoàn cảnh, điều kiện và khả năng đóng góp của người nộp thuế; nên nó rất có tác dụng trong việc điều hòa thu nhập; góp phần giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư,….
Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân.
Trong quá trình lao động, con người tạo ra thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào tiêu chí phân loại. Mục đích của việc phân loại thu nhập là cơ sở cho việc phân định đối tượng chịu thuế của các sắc thuế khác nhau; cũng như đặt ra cơ chế hành thu hiệu quả.
Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập của cá nhân phát sinh rất đa dạng. Nếu căn cứ vào hoạt động hoặc các giao dịch làm phát sinh thu nhập thì thu nhập bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu nhập từ lao động; thu nhập từ tài sản, tiền vốn; thu nhập từ chuyển nhượng; thu nhập từ thừa kế,…
Thứ ba, việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần.
Thuế suất lũy tiến được hiểu là việc áp dụng các thuế suất tăng dần đối với các nhóm đối tượng chịu thuế; hoặc toàn bộ đối tượng chịu thuế. Theo đó, hiện nay, thuế thu nhập cá nhân chủ yếu áp dụng thuế suất lũy tiến đối với thu nhập từ tiền công; tiền lương và thu nhập từ kinh doanh.
Đặc điểm này xuất phát từ vai trò chủ yếu của thuế thu nhập cá nhân là điều tiết mạnh người có thu nhập cao; góp phần thực hiện công bằng xã hội. Do vậy, việc sử dụng thuế suất lũy tiến từng phần sẽ đáp ứng được nhu cầu đó; vì phần thu nhập tăng thêm càng cao thì sẽ phải tính thuế suất càng cao.
Thứ tư, thuế thu nhập cá nhân là loại thuế có tính ổn định không cao và phức tạp
Đặc điểm này của thuế thu nhập cá nhân thể hiện ở chỗ các quy định về thu nhập chịu thuế; thu nhập không chịu thuế thường xuyên thay đổi theo từng biến động của nền kinh tế – xã hội trong từng thời kì. Ngoài ra, các quy định như giảm trừ gia cảnh; về mức thuế suất cũng có sự thay đổi linh hoạt do thuế điều tiết trực tiếp vào thu nhập của cá nhân; nên có tác động lớn đế mức sống của dân cư và chịu ảnh hưởng bởi giá cả trên thị trường.
Việc quản lý thuế thu nhập cá nhân tương đối khó khăn, chi phí quản lý thuế thường lớn hơn so với các loại thuế khác bởi ngoài việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế còn phải xác định nguồn gốc thu nhập, thời hạn cư trú của chủ sở hữu, tính ổn định của thu nhập.
Trong phần xác định thu nhập chịu thuế; phải xác định được các khoản khấu trừ hợp lý để tiến hành khấu trừ khi tính thuế; nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng và khuyến khích đối với đối tượng nộp thuế.
Thứ năm, nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập cá nhân bao gồm các văn bản pháp luật quốc gia; và luật quốc tế.
Đây là đặc trưng của thuế thu nhập nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Hầu hết, thuế thu nhập cá nhân của các quốc gia trên thế giới không chỉ áp dụng đối với công dân của mình; mà còn áp dụng đối với người nước ngoài có thu nhập chịu thuế phát sinh trên lãnh thổ quốc gia đó.
Để tránh tình trạng đánh thuế hai lần lên một đối tượng chịu thuế; các hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký kết giữa các quốc gia cũng là một nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập cá nhân.
Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC, hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân được chia thành 02 nhóm đối tượng khác nhau, cụ thể:
* Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế
(1) Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 80).
(2) Phụ lục bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
(3) Bản sao các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.
(4) Bản sao Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc Bản sao chứng từ ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế trong trường hợp theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp.
(5) Bản sao các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
(6) Tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài trong trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài.
* Hồ sơ khai thuế của tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công
(1) Tờ khai thuyết toán thuế thu nhập cá nhân theo mẫu 05/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
(2) Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần theo mẫu số 05-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
(3) Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất toàn phần theo mẫu số 05-2/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
(4) Phụ lục bảng kê chi tiết người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh theo mẫu số 05-3/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
03 lưu ý kế toán cần biết khi khai & nộp thuế thu nhập cá nhân
Doanh nghiệp không phát sinh khấu trừ vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế TNCN
Tại Điểm d1, Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định: “Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì các doanh nghiệp dù không không phát sinh khấu trừ thuế thì vẫn phải tiến hành khai và quyết toán thuế TNCN. Chỉ khi doanh nghiệp không phát sinh trả thu nhập thì mới không phải tiến hành khai quyết toán thuế TNCN.
Miễn thuế TNCN với các cá nhân có số thuế phải nộp hàng năm từ 50 nghìn đồng trở xuống
Tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định: “Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế, trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên các cá nhân, hộ gia đình có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống sẽ được miễn nộp thuế TNCN.
Cụ thể có 02 đối tượng được miễn thuế TNCN bao gồm:
– Các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có số tiền thuế phải nộp hằng năm từ 50.000 đồng trở xuống;
– Các cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.
DN được phép khai thuế TNCN theo quý nếu đủ điều kiện khai thuế GTGT theo quý
Tại Điểm b1, Điều 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định: “Người nộp thuế thuộc diện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Nghị định này nếu đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, người nộp thuế TNCN theo tháng nếu đủ điều kiện khai và nộp thuế GTGT theo quý thì sẽ được phép lựa chọn kê khai thuế TNCN theo quý.
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc khai và nộp thuế GTGT theo quý chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp sau:
+ Doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống;
+ Các doanh nghiệp khi mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh sẽ được được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý.
Ngoài ra, liên quan tới vấn đề khai thuế TNCN, trong nội dung của Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Chính Phủ đã quy định rõ các đối tượng phải áp dụng kê khai thuế TNCN theo tháng, quý, năm hay theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế. Cụ thể:
– Đối tượng phải khai thuế TNCN theo tháng là các đơn vị kinh doanh có phát sinh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trên 50 triệu đồng thì phải kê khai theo tháng.
– Đối tượng phải khai thuế TNCN theo quý bao gồm:
+ Các tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm;
+ Các tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý;
+ Người nộp thuế TNCN theo tháng nhưng có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
Đối tượng phải khai thuế TNCN theo năm là các tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý;
– Đối tượng khai thuế TNCN theo từng lần phát sinh là các cá nhân trực tiếp khai thuế hoặc tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.
Trên đây, bài viết đã cập nhật tới kế toán doanh nghiệp 03 lưu ý cần biết khi khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, căn cứ theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, mới được ban hành bởi chính phủ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về hồ sơ thuế thu nhập cá nhân Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.