Thương mại

thuong mai

Thương mại là gì? thương mại có những đặc điểm và vai trò như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau!

Thương mại là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, “thương mại” được hiểu là tổ chức sản xuất, buôn bán sao cho sinh lợi. Như vậy, ở nghĩa phổ thông thương mại không chỉ là buôn bán mà bao gồm cả sản xuất. Hơn nữa, không phải tất cả các hoạt động sản xuất, buôn bán đều là thương mại mà chỉ có những hoạt động sản xuất, buôn bán nào có sinh lợi mới được coi là thương mại.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế có những sự thay đổi về chất, do đó, tính chất của các hoạt động thương mại cũng thay đổi theo. Điều đó đòi hỏi phải xác định lại khái niệm thương mại cho phù hợp với các thuộc tính vốn có của nó. Do vậy, “thương mại” được xác định một cách rõ ràng hơn, là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, khác với các hành vi dân sự thuần tuý khác (cũng trao đổi, cũng cung ứng dịch vụ), mục tiêu chính của thương mại là tạo ra lợi nhuận. Đối với các doanh nghiệp, lợi nhuận được tạo ra khi số tiền thu được trong thương mại (doanh thu) lớn hơn số tiền phải chi phí (chi phí thương mại), tiền bán ra trừ tiền chi phí bằng lợi nhuận. Bất cứ hoạt động nào, cho dù về mặt hình thức giống thương mại nhưng mục tiêu của hoạt động đó không phải là tạo ra lợi nhuận đều không phải là thương mại. Pháp luật quy định, hành vi thương mại có mục đích sinh lợi (kiếm lời) nhưng lời hay lỗ lại không thành vấn đề cho việc xác định hành vi thương mại. Nhiều trường hợp sản xuất, buôn bán bị lỗ nhưng vẫn là thương mại. Dưới giác độ pháp lí, khi xác định hành vi thương mại, chúng ta quan tâm đến việc có hay không có mục tiêu tạo ra lợi nhuận, chứ không quan tâm đến việc thực hiện mục tiêu đó như thế nào. Có thể kết luận khái quát rằng lợi nhuận là đích cuối cùng của các nhà thương mại; bất cứ hoạt động nào nhằm mục đích kiếm lời trên thị trường cũng là hoạt động thương mại.

Đặc điểm của thương mại

Đặc điểm của thương mại được xác định thông qua đặc điểm của hành vi, nhằm xác định một hành vi có phải hành vi thương mại hay không. Theo đó, chúng ta xem xét các đặc điểm sau:

Thứ nhất, hành vi thương mại được thực hiện trên thị trường và nhằm mục đích sinh lợi. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Thương mại phải gắn với thị trường, thị trường và thương mại đi liền với nhau như hình với bóng. Sở dĩ thương mại phải được diễn ra trên thị trường là vì mua bán là khâu quan trọng nhất, là thành tố của hành vi thương mại. Nói đến thương mại không thể không nói đến thành tố này. Còn các yếu tố khác (sản xuất và dịch vụ) phải kết hợp với khâu mua bán mới có thể coi là thực hiện xong một hành vi thương mại.

Là hành vi diễn ra trên thị trường, hành vi thương mại phải tuân theo các quy luật của thị trường, trong đó phải kể đến các quy luật như: Quy luật cạnh tranh, quy luật tăng lợi nhuận, quy luật kích thích sức mua giả tạo, quy luật cung cầu… và các quy luật riêng trong thương mại như quy luật của người mua, quy luật về ý chí tiến thủ của chủ doanh nghiệp. Dưới sự tác động của các quy luật đó, các hành vi thương mại có những nét đặc thù so với các hành vi dân sự.

Theo quy định của pháp luật, hành vi thương mại không chỉ là hành vi diễn ra trên thị trường mà còn là hành vi nhằm mục đích sinh lợi.Đây là đặc điểm mà dựa vào đó để phân biệt hành vi thương mại với hành vi dân sự. Nếu một hành vi được thực hiện nhằm mục đích tiêu dùng (thoả mãn các nhu cầu cá nhân) thì đó là hành vi dân sự; ngược lại, cũng hành vi đó nhưng được thực hiện nhằm mục đích sinh lợi thì đó là hành vi thương mại. Tiêu chí này được sử dụng khá phổ biến để xác định hành vi thương mại. Như vậy, thương mại – hành vi được thực hiện trên thị trường và nhằm mục đích sinh lợi là đặc điểm quan trọng, mang tính khách quan của hành vi thương mại trong vi dân sự nói chung.

Thứ hai, hành vi thương mại là hành vi mang tính chất nghề nghiệp, được thương nhân (tổ chức, cá nhân kinh doanh) thực hiện. Thương mại là hành vi mang tính nghề nghiệp có nghĩa là chủ thể của hành vi khi tham gia thương trường thực hiện sự phân công lao động xã hội. Các hành vi này được chủ thể tiến hành thường xuyên, liên tục, thể hiện tính chuyên nghiệp cao và mang lại thu nhập chính cho chủ thể thực hiện hành vi. Dựa vào nét đặc thù này, dễ dàng nhận thấy rằng mặc dù trên thương trường có thể diễn ra những hành vi nhằm mục đích sinh lợi nhưng chúng không thể được coi là hành vi thương mại, bởi lẽ đó không phải là hành vi thường xuyên của người thực hiện hành vi, hơn nữa, hành vi đó không mang lại thu nhập chính cho người đó. Ví dụ, nhân chuyến đi công tác, một viên chức mua số lượng hàng hoá nhất định nào đó ở nơi công tác về để bán kiếm lời. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, phải dựa vào điểm đặc thù này để xác định trở lại giao dịch nào là giao dịch dân sự, giao dịch nào là giao dịch thương mại. Bởi vì, ở nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực trao đổi hàng hoá và cung ứng dịch vụ, một bên có mục đích lợi nhuận còn bên kia lại có mục đích tiêu dùng, một bên sẽ có hành vi thương mại còn bên kia sẽ có hành vi dân sự. Trong những trường hợp cụ thể như vậy, Nhà nước còn phải dựa vào đặc thù về chủ thể để xác định tính chất của giao dịch.

Trong thực tế, tồn tại khá nhiều quan hệ thương mại mà những hành vi trong nội dung của các quan hệ đó là hành vi thương mại đối với chủ thể này nhưng lại là hành vi dân sự của chủ thể kia. Ví dụ, quan hệ mua bán giữa Công ti A (thương nhân) với ông B (cá nhân, không có tư cách thương nhân). Trong quan hệ này, hành vi mua bán sẽ là hành vi thương mại đối với thương nhân A nhưng lại là hành vi dân sự đối với cá nhân ông B. Hành vi của các bên trong mối quan hệ trên được giới nghiên cứu phân loại là hành vi thương mại hỗn hợp.

Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại 

Hiện nay, Luật thương mại năm 2005 là luật đang có hiệu lực hiện hành quy định có 06 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại cụ thể như sau:

– Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại. Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại.

– Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại. Các bên có quyền tự do thỏa thuận nhưng không được trái quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. Đồng thời trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

– Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên. Theo đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được phép áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại mà đã thiết lập từ lâu nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

– Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại. Trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thoả thuận, đồng thời không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật dân sự.

– Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng: Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.

– Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại. Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

Vai trò của thương mại

 Thứ nhất, thương mại thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, thương mại luôn tồn tại và phát triển, đóng vai trò tác động tích cực thúc đẩy quá trình phân công lại lao động xã hội ở các quốc gia, chuyên môn hóa và hợp tác sản xuất, hướng sản xuất theo nền sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra nguồn hàng lớn cung cấp cho nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Thương mại là yếu tố trực tiếp thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thông suốt trong vùng các trọng điểm kinh tế của đất nước. 

Thứ hai, thương mại thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Vai trò của thương mại dịch vụ được gắn kết trong sự phát triển ngành công nghiệp xây dựng, ngành nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác của quốc gia, được đánh giá theo các mục tiêu từng năm, từng kỳ kế hoạch đề ra. Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nguyên vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Thương mại cung ứng các tư liệu sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho sản xuất tiến hành một cách thuận lợi. Hàng hóa sản xuất ra của các ngành, các lĩnh vực rất cần đến mạng lưới thương mại để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, thực hiện khâu trung gian để điều tiết cung cầu. Khi hàng hóa được tiêu thụ nhanh sẽ rút ngắn được chu kỳ tái sản xuất và tốc độ tái sản xuất. Vì vậy, thương mại mở con đường tiêu thụ sản phẩm cho ngành sản xuất, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Hoạt động thương mại thông qua cơ chế thị trường kích thích các nhà sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị và quy trình công nghệ, ứng dụng khoa học vào quản lý để nền sản xuất ngày một phong phú tiên tiến hơn, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là những tiến trình quan trọng trên con đường công nghiệp hoá – hiện đại hoá. 

thuong mai
thương mại

Thứ ba, thương mại thúc đẩy phát triển các ngành khác của nền kinh tế. Vai trò của thương mại trong nền kinh tế chung là: kích thích phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đổi mới chất lượng số lượng lao động và tư duy kinh doanh, thể hiện đáp ứng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm như máy móc thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng… Đưa tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình chuyển giao công nghệ. Tác động tới quá trình phân công, phân phối các nguồn lực, thực hiện chuyên môn hóa hình thành cơ cấu ngành nghề kinh doanh có hiệu quả và tạo ra các nhu cầu mới. Thông qua các hợp đồng thương mại (bán buôn, bán lẻ) được ký kết với cơ sở sản xuất kinh doanh của các ngành từ đó đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Cũng nhờ có sự lưu thông này mà mối quan hệ giữa ngành thương mại và các ngành khác ngày càng chặt chẽ cùng thúc đẩy nhau phát triển.

Thứ tư, thương mại thúc đẩy việc phân phối các nguồn lực. Đối với các địa phương có dân số đông, nguồn lao động tương đối dồi dào, thì sự phát triển của thương mại giúp phân phối nguồn lao động hợp lý hơn. Thương mại không những là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là trung gian phân phối nguồn lực tài chính để tham gia kinh doanh.

Thứ năm, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Quan hệ thương mại với các nước trên thế giới sẽ ngày càng được củng cố vì lợi ích từ hai phía, thương mại đóng vai trò trực tiếp mở rộng các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu tại chỗ, thiết lập và mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nối liền sản xuất với tiêu dùng trong nước với các nước trên thế giới, góp phần tích lũy vốn, nhất là vốn ngoại tệ và đổi mới công nghệ. Ngoài ra, quan hệ thương mại góp phần hay đổi cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Như vậy, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế không chỉ phạm vi trong nước mà còn phạm vi quốc tế, làm cho thương mại địa phương thâm nhập được thị trường ngoài nước.

Trên đây là bài viết về đề cập đến các khía cạnh của thương mại. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139