Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Thủ tục rút gọn là một trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, nhân thân người phạm tội rõ ràng. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã có những sửa đổi, bổ sung để thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong tố tụng hình sự. Thông qua bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ giúp quý bạn đọc có cái nhìn tổng quan về thủ tục này, cụ thể như sau:

Khái niệm thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Bộ luật TTHS 2015 không đưa ra định nghĩa cụ thể về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự tuy nhiên có thể hiểu thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như sau:

thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự một thủ tục tố tụng đặc biệt mà theo đó có sự rút ngắn về mặt thời gian, đơn giản hóa một số thủ tục, cách thức giải quyết vụ án Hình sự so với thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Áp dụng đối với những vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người phạm tội tự thú và có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của TTHS và quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Bản chất của thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự có thể coi là ngoại lệ và đặc biệt của tố tụng hình sự. Luật Tố tụng Hình sự của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã quy định và áp dụng thủ tục này. Đây là thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục tố tụng thông thường, chỉ được áp dụng đối với các vụ án đặc biệt khi đáp ứng được các điều kiện luật định.

Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng được phép rút ngắn thời gian tố tụng, đơn giản hóa một số các thủ tục, cách thức tố tụng để giải quyết nhanh chóng vụ án, nhưng vẫn đạt được mục đích của tố tụng hình sự là “chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. Bên cạnh đó, thủ tục tuy được rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự như: nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa, đảm bảo pháp chế, bảo vệ quyền con người…

Mục đích áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Thứ nhất, áp dụng thủ tục rút gọn nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài và việc vi phạm các quy định của BLTTHS về thời hạn giải quyết vụ án. Tình trạng tồn đọng án kéo dài, trong quá trình giải quyết vụ án có những vụ án khó có thể giải quyết dứt điểm, mà lâm vào tình trạng kéo dài do nhiều lý do, còn nhiều vướng mắc, bất cập, trải qua các thủ tục kéo dài và nhiều khó khăn khác…Việc giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự là mục tiêu và yêu cầu của cải cách tư pháp do Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Thứ hai, thủ tục rút gọn áp dụng với mục đích khắc phục tình trạng quá tải trong các trại tạm giam và những khó khăn trong tổ chức tạm giữ, tạm giam.

Trại tạm giam trong quá trình giải quyết vụ án, nếu số lượng vụ án lớn, áp dụng nhiều biện pháp tạm giam, tạm giữ dẫn tình trạng quá tải. Có thủ tục rút gọn thì thời gian giải quyết, tiến hành các thủ tục được rút ngắn, thời hạn ngắn hơn đảy nhanh quá trình giải quyết vụ án một cách nhanh chóng,…. Đồng nghĩa với việc thời gian tạm giam cũng được rút ngắn, điều này có ý nghĩa góp phần giảm chi phí, nguồn nhân lực, thời gian và khắc phục tình trạng quá tải kể trên.

Thứ ba, áp dụng thủ tục rút gọn avới mục đích tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức trong quá trình giải quyết vụ án; việc giải quyết các vụ án ít nghiêm trọng đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn nhanh chóng như vậy góp phần dành nhân lực, nguồn lực và thời gian, cơ sở vật chất tập trung giải quyết các vụ án phức tạp, nghiêm trọng hơn. Giảm tải gánh nặng về công việc cho cán bộ tư pháp, nâg cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời áp dụng thủ tục rút gọn cũng tiết kiệm chi phí và thời gian cho những người tham gia tố tụng.

Thứ tư, áp dụng thủ tục rút gọn trong TTHS góp phần nhanh chóng khôi phục các quan hệ xã hội bị xâm phạm, tội phạm sớm bị xét xử, người bị hại sớm được khôi phục quyền lợi, người phạm tội sớm phải chịu hình phạt thích đáng, tạo điều kiện sớm đc cải tạo để trở thành ng có ích cho xã hội, hòa nhập với cuộc sống, từ đó góp phần nhanh chóng ổn định trật tự xã hội. Việc áp dụng thủ tục rút gọn có tác dụng lớn trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm

Ví dụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều hành vi chống người thi hành công vụ, chống đối không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch… đã bị các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm khắc để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý, đáp ứng tính thời sự trong bối cảnh thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Thủ tục rút gọn lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, đây là một trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, nhân thân người phạm tội rõ ràng. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua số lượng án hình sự được áp dụng theo thủ tục rút gọn là rất hạn chế bởi trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Để khắc phục những hạn chế đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung để thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong tố tụng hình sự.

BLTTHS năm 2015 đã quy định mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn xét xử phúc thẩm (Điều 455), quy định này sẽ giúp cho thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn xét xử.

Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Điều 456 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về điều kiện áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
  • Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
  • Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
  • Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

BLTTHS năm 2015 đã quy định mở rộng hơn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình và phải đáp ứng 3 điều kiện còn lại quy định tại khoản 1 Điều 456: Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Đồng thời điều luật này cũng đã sửa đổi cụm từ “có căn cước, lai lịch rõ ràng” bằng cụm từ “có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng.

Do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được mở rộng đối với cả xét xử phúc thẩm, nên BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm (khoản 2 Điều 456).

Theo đó, thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện: a. Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; b. vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ 4 điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự
thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

BLTTHS năm 2015 đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn cho cả 3 chủ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

Đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định để kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn. Trong trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật, thì trong thời hạn 24 giờ Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra biết.

Còn đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án trong trường hợp không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định; Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát

Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử

Điều 460, 461, 462 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về điều tra, quyết định truy tố, chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn về cơ bản không có gì thay đổi nhiều so với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, ngoại trừ quy định bổ sung làm rõ hơn hình thức, nội dung của Quyết định đề nghị truy tố, Quyết định truy tố; bổ sung thêm trong giai đoạn truy tố Viện kiểm sát có thẩm quyền không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án; quy định rõ hơn về thời hạn phải gửi các quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố, quyết định đưa vụ án ra xét xử của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.  

BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng kéo dài thời hạn tạm giam tối đa để điều tra, truy tố, xét xử đến 64 ngày; trong đó thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra tối đa là 20 ngày, trong giai đoạn truy tố tối đa là 5 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm tối đa là 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là 22 ngày.

BLTTHS năm 2015 cũng đã bổ sung thêm 3 điều (463, 464, 465) để quy định rõ hơn về phiên tòa xét xử sơ thẩm, chuẩn bị xét xử phúc thẩm và phiên tòa xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn. Theo đó, về phiên tòa xét xử sơ thẩm: các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, nhưng có điểm đáng chú ý là không có thủ tục nghị án, vì phiên tòa xét xử sơ thẩm do 01 Thẩm phán tiến hành.

Về chuẩn bị xét xử phúc thẩm:  tại khoản 2 Điều 464 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ban hành một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Trường hợp Thẩm phán ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.

Về phiên tòa xét xử phúc thẩm cũng như phiên tòa xét xử sơ thẩm là không có thủ tục nghị án, vì phiên tòa xét xử phúc thẩm cũng chỉ do 01 Thẩm phán tiến hành.

Trên đây là các quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, nếu còn thắc mắc nào khác về vấn đề này, quý bạn đọc có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

 

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139