Từ xưa tới nay, thừa kế luôn là một vấn đề phức tạp trong thực tiễn xét xử và đời sống. vấn đề thời hiệu thừa kế lại rất dễ bị bỏ sót dẫn đến nhiều sai lầm trong cách chia thừa kế.
Vậy khi nào thì người thừa kế không còn quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế? Thời hiệu khởi kiện thừa kế có phụ thuộc vào thời điểm người để lại di sản chết hay không? Sau đây, dựa theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, Luật Trần và Liên Danh xin giải đáp vấn đề thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế với nội dung như sau.
Quy định về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế
Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định tại các điều 184, 185 BLTTDS 2015, theo đó, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của BLDS và Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Đồng thời, BLDS 2015 cũng quy định rõ việc áp dụng quy định của BLDS 2015 về thời hiệu, theo đó các quy định của BLDS 2015 về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự.
BLDS năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế đối với bất động sản tại Điều 623, theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
– Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của BLDS 2015;
– Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 (không có người người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác). Đây là quy định mới về thời hiệu thừa kế so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây
Và theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 517 của BLTTDS năm 2015 thì quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 184 của BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
+ Thời thời hiệu là 30 năm đối với di sản là bất động sản
+ Tài sản là động sản thì thời gian khởi kiện là 10 năm
Điều 645 “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Quy định này đã gây ra bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu.
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc về người chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của Bộ luật này về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật theo quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có người chiếm hữu hoặc được lợi về tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự thì di sản thuộc về Nhà nước.
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Căn cứ Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
– Có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Theo quy định của BLDS năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Như vậy, để được coi là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Là sự kiện xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước được; không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Theo quy định của BLDS năm 2015, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Như vậy, để được coi là có trở ngại khách quan phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Trở ngại phải là khách quan đối với chủ thể bị tác động bởi trở ngại đó; không thể biết được quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự.
– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Tư vấn trường hợp cụ thể:
Tóm tắt câu hỏi:
Ông nội tôi mất năm 1980, có để lại 1 căn nhà, không di chúc. Ông tôi có 02 người con là ba tôi (mất năm 2010) và cô tôi (mất năm 2018). Ba tôi có một người con là tôi – đang ở căn nhà ông để lại. Cô tôi có 02 người con, trong đó có một người ở nước ngoài.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện có tính yếu tố nước ngoài không, vì nếu tính yếu tố nước ngoài thì gần như trường hợp này là 50 năm (từ năm 1980 đến năm 2030) rất dài so với thời hiệu theo Bộ luật dân sự năm 2015. Cả ba và cô tôi đều sinh sống ở Việt Nam cho đến khi mất.
Luật sư tư vấn:
Để trả lời cho câu hỏi nêu trên, trước hết chúng ta phải nghiên cứu quy định của pháp luật trong việc xác định các trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì những tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là những tranh chấp dân sự phát sinh từ các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Những tranh chấp này thường liên quan đến một bên chủ thể là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc tài sản ở nước ngoài. Như vậy, trong các tranh chấp thừa kế tài sản, các trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài bao gồm:
Người để lại tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế là theo pháp luật nước ngoài và tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết hoặc nơi có bất động sản.
Theo quy định nêu trên, trường hợp bạn hỏi là người để lại tài sản là người Việt Nam, tài sản thừa kế cũng ở tại Việt Nam nên sẽ áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết. Hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn có cha bạn và cô bạn, nhưng cả 02 người đều đã mất, do vậy, bạn và 02 người con của cô bạn (trong đó có 01 người đang ở nước ngoài) là người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản thừa kế của ông nội bạn để lại cho bố và cô bạn.
Trường hợp này, có 01 người con của cô bạn là người được hưởng thừa kế thế vị, do vậy, đây là vụ án tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài. Trường hợp bạn hỏi không thuộc trường hợp áp dụng để tính thời hiệu thừa kế theo quy định nêu trên mà chỉ áp dụng để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Về thời hiệu khởi kiện về thừa kế tài sản là bất động sản: Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể thừa thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người quản lý di sản đó”.
Như vậy, ông nội bạn mất năm 1980, thuộc trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990, thời hiệu khởi kiện di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, trong trường này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông nội bạn (chết năm 1980) sẽ được tính từ ngày 10/9/1990, đến ngày 10/9/2020 sẽ đủ 30 năm.
Sau ngày 10/9/2020, người thừa kế không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về luật thừa kế đất đai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại để được giải đáp và tư vấn hiệu quả nhất.