Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, một yếu tố không thể thiếu đó là vốn. Trong thực tế, vốn có thể được dùng để duy trì việc sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng quy mô, tư liệu sản xuất, cũng như đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Luật Trần và Liên Danh tiếp cận dưới 2 góc độ về góp vốn điều lệ công ty đó là: thời hạn góp vốn ngay sau khi thành lập công ty và thời hạn góp vốn điều lệ khi công ty tăng vốn.
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
(Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020)
Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Tăng vốn góp của thành viên;
+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
+ Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
+ Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 47, Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020)
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
+ Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 75, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020)
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
– Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
– Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cồ phần.
Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;
+ Chào bán cổ phần ra công chúng.
– Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
+ Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020;
+ Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1, 5 Điều 112, Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020)
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
– Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty hợp danh.
– Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.
– Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Quy định chung về vốn điều lệ công ty
Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.” Đồng thời, căn cứ vào khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn quy định: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
Thời hạn góp vốn sau khi thành lập công ty
Công ty cổ phần:
Được quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.”
Theo đó, thời hạn góp vốn vào công ty là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Pháp luật trao cho công ty cổ phần quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty nên khả năng huy động vốn của nó rất lớn, tạo ưu thế vượt trội hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Vì vậy, pháp luật phải quy định một thời hạn xác định buộc cổ đông sáng lập phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản đem góp vốn sang cho công ty, ràng buộc trách nhiệm của họ với hoạt động kinh doanh của công ty và đảm bảo quyền, lợi ích của các nhà đầu tư.
Công ty TNHH 1 thành viên:
Được quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Thực hiện góp vốn thành lập công ty: “Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Được quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”
Công ty hợp danh:
Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của công ty hợp danh phải thực hiện góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp thành viên hợp danh không thực hiện góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết dẫn đến việc gây ra thiệt hại cho công ty thì thành viên đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty hợp danh.
Trong trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết theo quy định thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty hợp danh. Trong trường hợp này, thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết có thể bị khai trừ khỏi công ty hợp danh theo quyết định của Hội đồng thành viên công ty.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định thống nhất thời hạn thanh toán đủ phần vốn góp của công ty cổ phần và công ty TNHH đều là 90 ngày kể từ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này đã xóa bỏ đi sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp bình đẳng, công bằng hơn trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, đối với công ty hợp danh lại không giới hạn thời hạn góp vốn bởi bản chất của công ty hợp danh được xay dựng dựa trên sự uy tín, quen biết giữa các thành viên.
Thời hạn góp vốn khi công ty tăng vốn điều lệ
Công ty cổ phần:
Căn cứ Điều 123 của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần thực hiện việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ cho công ty theo 3 hình thức:
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu:
Là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.
Trong thời hạn 15 ngày, trước thời điểm kết thúc việc đăng ký mua cổ phần thì công ty phải tiến hành thông báo đến các cổ đông bằng văn bản, đảm bảo các thông tin này đến được địa điểm cư trú được ghi nhận trong sổ về đăng ký cổ đông.
Chào bán cổ phần công chúng:
Được thực hiện theo đúng quy định pháp luật cụ thể là pháp luật về chứng khoán. Trong thời hạn là 10 ngày tính từ ngày hoàn tất đợt bán cổ phần đó thì phải thực hiện việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Chào bán cổ phần riêng lẻ:
Trong thời gian là 5 ngày tính từ ngày có quyết định thực hiện việc chào bán cổ phần riêng lẻ, thì phải thực hiện quy trình thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Công ty TNHH 1 thành viên:
Căn cứ tại Điều 87 Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
Chủ sở hữu của công ty chủ động đầu tư thêm để góp vốn
Thực hiện việc huy động thêm phần vốn góp từ người khác
Cả 2 trường hợp trên khi tăng vốn điều lệ thì bao gồm hình thức và cụ thể mức tăng vốn điều lệ hoàn toàn do chủ sở hữu quyết định.
Nếu công ty lựa chọn hình thức thực hiện việc huy động thêm phần vốn góp từ người khác thì sau đó công ty này phải tổ chức quản lý lựa chọn một trong hai loại hình doanh nghiệp là: công ty TNHH 2 thành viên trở lên (thông báo thay đổi về nội trong vòng 10 ngày tính từ ngày hoàn tất thay đổi vốn điều lệ); công ty cổ phần (theo hình thức chuyển từ công ty TNHH sang công ty cổ phần.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Tăng phần vốn góp từ nguồn của các thành viên mới. Doanh nghiệp thực hiện thông báo tới phòng đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ thay đổi thành viên công ty
Tăng khoản vốn góp của các thành viên hiện tại, theo đó doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp hồ sơ về đăng ký tăng vốn điều lệ công ty
Công ty hợp danh:
Góp vốn sau khi thành lập công ty hợp danh có thể được coi là hình thức tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, cụ thể được thể hiện bằng hình thức tiếp nhận thêm thành viên mới, đó có thể là thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn của công ty.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020: “Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.”
Như vậy, thời hạn góp vốn khi công ty tăng vốn sẽ ngắn hạn hơn so với thời hạn góp vốn khi thành lập. Nguyên do là bởi sau khi thành lập công ty cần có vốn điều lệ – là điều kiện tất yếu để doanh nghiệp tồn tại. Khi tăng vốn điều lệ chỉ là “công cụ” để giúp doanh nghiệp phát triển, không phải là yếu tố quyết định “sự sống” của công ty.
Trên thực tế thì doanh nghiệp dựa vào tình hình hoạt động của công ty, sau đó có thể tự chủ động thực hiện việc tăng vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, pháp luật doanh nghiệp chỉ quy định khi góp vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp có quy định về thời hạn góp vốn là 90 ngày tính từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (khoản 2, Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020). Theo đó, thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ sau khi góp vốn khi đã hoạt động một thời gian được xác định theo Biên bản họp Công ty về việc tăng vốn và cam kết thực hiện giữa các cổ đông.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thời hạn góp vốn điều lệ. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.