Kiểm toán báo cáo tài chính là vị trí cực kỳ quan trọng trong doanh nghiệp. Vậy công việc này cần đảm nhiệm những đầu mục và cần kỹ năng gì để có thể hoàn thành tốt và thăng tiến trong sự nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ đề cập một cách chi tiết, chính xác nhất về kiểm toán tài chính.
Kiểm toán báo cáo tài chính là gì?
Khái niệm
Sau khi báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoàn thành, các kiểm toán viên độc lập và có năng lực sẽ tiến hành thu thập thông tin và đánh giá các bằng chứng kiểm toán. Hoạt động này có mục đích kiểm tra để từ đó đánh giá được độ trung thực, hợp lý, chính xác của báo cáo tài chính. Quá trình này được gọi là kiểm toán báo cáo tài chính.
Đối tượng của kiểm toán báo cáo tài chính
Bảng cân đối kế toán
Kết quả kinh doanh
Lưu chuyển tiền tệ
Thuyết minh báo cáo tài chính
Các báo cáo này phản ánh tình hình, kết quả tài chính, kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ và những thông tin cần thiết khác để những người cần sử dụng sẽ phân tích, đánh giá đúng kết quả, tình hình kinh doanh đơn vị. Trong báo cáo tài chính chưa thông tin phi tài chính và thông tin tài chính, thông tin không định lượng và thông tin định lượng.
Kết quả của kiểm toán báo cáo tài chính
Là báo cáo kiểm toán, trong đó kiểm toán viên sẽ nêu ý kiến về mức độ chính xác, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Đi kèm với kết quả kiểm toán của báo cáo tài chính có thể đính kèm thêm thư quản lý. Mục đích của thư quản lý là nêu lên những tồn tại trong vận hành, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, lập báo cáo tài chính ở đơn vị… từ đó sẽ nêu ra điểm còn tồn đọng đề xuất để có hướng khắc phục.
Các bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính
Là những bằng chứng liên quan tới số dư tài khoản, nghiệp vụ hay các bằng chứng khác như tình hình kinh doanh, hệ thống kiểm soát nội bộ, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, nghĩa vụ và tình hình đơn vị tuân thủ pháp luật…
Các bằng chứng này thu thập bằng nhiều kỹ thuật, từ nhiều nguồn và tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Kiểm toán viên sẽ dựa trên các bằng chứng này để kêu các ý kiến của mình trên báo cáo kiểm toán về sự hợp lý, trung thực của báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Yêu cầu của kiểm toán viên với báo cáo tài chính
Trong hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm toán, nguyên tắc cơ bản cần đáp ứng là độc lập. Điều này sẽ khiến các quá trình đánh giá trong kiểm toán, ý kiến cuối cùng của kiểm toán diễn ra khách quan, trung thực.
Cơ sở đảm bảo cho kiểm toán viên có thể tổ chức, triển khai và hoàn thành một cách tốt nhất cuộc kiểm toán là năng lực. Kiểm toán viên phải có năng lực để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà công việc này đã đặt ra.
Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính
Để thu thập được đầy đủ thông tin làm căn cứ kết luận về tính trung thực của báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên cần xây dựng được quy trình kiểm toán cụ thể. Thông thường, quy trình này bao gồm 3 bước như sau:
Lập kế hoạch
Thực hiện kiểm toán.
Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán.
Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và các biện pháp xử lý rủi ro đã đánh giá
Các kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần lập kế hoạch kiểm toán, mô tả rõ ràng phạm vi dự kiến và cách thức tiến hành kiểm toán. Ngoài ra, bản kế hoạch cần đầy đủ, rõ ràng để làm cơ sở cho chương trình kiểm toán.
Bắt đầu từ thư mời kiểm toán, kiểm toán viên sẽ tìm hiểu khách hàng, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ. Tiếp đó, khi lập kế hoạch, công ty kiểm toán cũng cần có sự chuẩn bị về phương tiện và nhân viên triển khai chương trình.
Ngoài ra, công ty kiểm toán và kiểm toán viên cần phải xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ BCTC và cấp độ cơ sở dẫn liệu. Từ đó, đề xuất thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro đã được đánh giá đó.
Thực hiện kiểm toán
Kiểm toán viên thực hiện theo phương pháp kỹ thuật thích ứng với từng đối tượng cụ thể để thu thập số liệu chính xác. Quá trình này thực chất là việc triển khai một cách có chủ động và tích cực kế hoạch, chương trình kiểm toán, để đưa ra ý kiến về tính xác thực, hợp lý trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Đây là giai đoạn kiểm toán viên thực hiện thủ tục kiểm soát, phân tích, kiểm tra chi tiết dựa trên kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng.
Tổng hợp và hình thành ý kiến kiểm toán
Sau khi phân tích, đánh giá, kiểm toán viên sẽ đưa ra kết luận ghi trong báo cáo hoặc biên bản kiểm toán. Các công việc cụ thể cần thực hiện trước khi đánh giá bao gồm:
Xem xét các khoản nợ ngoài dự kiến
Xem xét sự việc xảy ra sau ngày kết thúc niên độ
Xem xét tính hoạt động liên tục của đơn vị
Thu thập thư giải trình của Ban giám đốc (nếu có)
Sau đó, kiểm toán viên tổng hợp kết quả, lập Báo cáo kiểm toán và giải quyết các sự kiện phát sinh sau khi lập (nếu có). Kết quả có thể là: Chấp nhận toàn phần hoặc Không chấp nhận toàn phần.
Mục tiêu của kiểm toán tài chính
– Mục đích của kiểm toán tài chính là làm tăng độ tin cậy của người sử dụng các báo cáo tài chính và thông tin tài chính. Để đạt được mục đích trên, kiểm toán viên nhà nước phải đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính, các thông tin tài chính có được lập và trình bày trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.
– Khi thực hiện kiểm toán tài chính, mục tiêu chung của kiểm toán viên nhà nước là:
+ Đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng, xét trên các khía cạnh trọng yếu, liệu báo cáo tài chính, các thông tin tài chính có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, báo cáo tài chính có được lập và trình bày phù hợp với khuôn khổ quy định hiện hành về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không;
+ Lập báo cáo kiểm toán và công bố kết quả của cuộc kiểm toán phù hợp với các phát hiện kiểm toán.
Các yếu tố của kiểm toán tài chính
Các yếu tố cơ bản trong kiểm toán lĩnh vực công đã được quy định tại CMKTNN 100 – Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Chuẩn mực này cung cấp thêm các khía cạnh của các yếu tố liên quan đến một cuộc kiểm toán tài chính.
Thứ nhất: Ba bên liên quan trong kiểm toán tài chính
Ba bên liên quan trong kiểm toán tài chính là: Kiểm toán nhà nước, Đối tượng chịu trách nhiệm về báo cáo tài chính và Đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán. Các nội dung này được quy định tại CMKTNN 100 – Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Thứ hai: Nội dung và các thông tin liên quan đến kiểm toán tài chính
Nội dung kiểm toán trong kiểm toán tài chính là các thông tin, tình hình tài chính, các hoạt động tài chính, các dòng tiền và các thuyết minh được trình bày trong báo cáo tài chính.
Kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp có liên quan đến nội dung được kiểm toán để đưa ra các ý kiến, kết luận hoặc kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.
Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tài chính
Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tài chính là những tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá về một hoặc một số nội dung kiểm toán tài chính, bao gồm: Luật, chuẩn mực, các quy định, các khuôn khổ quy định về lập, trình bày và công khai báo cáo tài chính, được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm lựa chọn các tiêu chí phù hợp cho từng cuộc kiểm toán tài chính mà mình thực hiện. Để xác định sự phù hợp của các tiêu chí kiểm toán trong cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán viên nhà nước cần xem xét các tiêu chí đó có liên quan đến nội dung kiểm toán tài chính không, liệu đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán có hiểu và thực hiện theo các tiêu chí đó không. Kiểm toán viên nhà nước cũng cần xem xét các yếu tố khác của các tiêu chí áp dụng cho mỗi cuộc kiểm toán như: sự đầy đủ, tin cậy, khách quan, được chấp nhận rộng rãi và có thể so sánh được trong các cuộc kiểm toán tài chính tương tự.
Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tài chính phải được thông tin cho đơn vị được kiểm toán và các đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán để giúp họ hiểu được cách thức đánh giá nội dung kiểm toán.
Các mức độ đảm bảo trong hoạt động kiểm toán tài chính
Trong hoạt động kiểm toán tài chính có hai mức độ đảm bảo: Đảm bảo hợp lý và đảm bảo hạn chế.
Đảm bảo hợp lý: Là sự đảm bảo ở mức độ cao nhưng không phải tuyệt đối. Sự đảm bảo hợp lý được thiết kế để đưa ra ý kiến kết luận dưới dạng khẳng định, như “theo ý kiến của kiểm toán viên nhà nước, xét trên các khía cạnh trọng yếu, thông tin tài chính, báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán đã được lập và trình bày hợp lý (hoặc trung thực và đúng đắn) và phù hợp với khuôn khổ quy định hiện hành”.
Đảm bảo hạn chế: Là sự đảm bảo ở mức độ thấp hơn sự đảm bảo hợp lý, và được thực hiện nhằm đưa ra các ý kiến kết luận dưới dạng phủ định, như “không có điều gì khiến chúng tôi tin tưởng rằng, xét trên các khía cạnh trọng yếu, thông tin tài chính, báo cáo tài chính không được trình bày đúng đắn và hợp lý”.
Các kiểm toán viên nhà nước thực hiện những công việc kiểm toán dạng này có thể phải áp dụng những hướng dẫn khác ngoài Chuẩn mực kiểm toán nhà nước về kiểm toán tài chính như tham khảo các nguyên tắc kiểm toán cơ bản theo quy định tại CMKTNN 100 – Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Trách nhiệm của Người đứng đầu về chất lượng hoạt động kiểm toán tài chính
Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với tất cả các cuộc kiểm toán tài chính của Kiểm toán nhà nước.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động, kết quả hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về kiểm soát hoạt động kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước.
Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm về chất lượng kiểm toán của các cuộc kiểm toán tài chính do đơn vị chủ trì và việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các thành viên Đoàn kiểm toán thuộc phạm vi quản lý của đơn vị; kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước ngay khi phát hiện các sai sót nghiêm trọng trong hoạt động kiểm toán; các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định của Kiểm toán nhà nước.
Trưởng Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm về chất lượng của cuộc kiểm toán tài chính. Để thực hiện trách nhiệm đó, Trưởng đoàn kiểm toán phải có các biện pháp và chỉ đạo phù hợp đến các thành viên trong Đoàn kiểm toán, trong đó cần nhấn mạnh:
(i). Tầm quan trọng của chất lượng kiểm toán trong việc:
Thực hiện cuộc kiểm toán tài chính tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;
Tuân thủ các chính sách và thủ tục về kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;
Phát hành báo cáo kiểm toán tài chính phù hợp với tình hình thực tế của cuộc kiểm toán tài chính;
Đoàn kiểm toán có khả năng nêu ra những vấn đề còn bất đồng mà không sợ bị đe dọa;
(ii). Chất lượng là yếu tố thiết yếu khi thực hiện các cuộc kiểm toán tài chính.
Tổ trưởng Tổ kiểm toán tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ kiểm toán trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao, như: phải kiểm soát việc tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan; việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu của kiểm toán viên nhà nước, biện pháp xử lý của kiểm toán viên nhà nước đối với rủi ro đã đánh giá; việc thu thập bằng chứng kiểm toán, các xét đoán, kết luận quan trọng của kiểm toán viên nhà nước.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về kiểm toán tài chính Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.