Kiểm toán viên

kiểm toán viên

Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam. Bài viết trình bày về tiêu chuẩn kiểm toán viên, trường hợp không được đăng ký hành nghề kiểm toán.

Kiểm toán viên là gì?

Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam. (khác với Kiểm toán viên nhà nước là công chức nhà nước được Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm vào các ngạch kiểm toán viên nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán – khoản 8 Điều 3 Luật kiểm toán nhà nước 2015)

Kiểm toán viên hành nghề là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Tiêu chuẩn kiểm toán viên

Kiểm toán viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;

– Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.

 Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan thì được công nhận là kiểm toán viên.

Đăng ký hành nghề kiểm toán

Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:

– Là kiểm toán viên;

– Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên;

– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.

Người có đủ các điều kiện trên thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Đăng ký hành nghề kiểm toán được hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư 202/2012/TT-BTC như sau:

Điều kiện có hợp đồng lao động

Kiểm toán viên bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định và có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán thì được đăng ký hành nghề kiểm toán.

Về điều kiện được coi là có hợp đông lao động: Kiểm toán viên được coi là có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán khi:

– Hợp đồng lao động ký kết giữa kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm các yếu tố theo quy định của Bộ Luật lao động;

– Thời gian làm việc quy định trong hợp đồng và thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần của kiểm toán viên bảo đảm đúng và phù hợp với thời gian làm việc hàng ngày, hàng tuần của doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đăng ký hành nghề;

Ví dụ: thời gian làm việc của doanh nghiệp kiểm toán từ 08h00 – 17h00 và 06 ngày/tuần thì kiểm toán viên phải làm việc đầy đủ thời gian từ 08h00 – 17h00 hàng ngày và 06 ngày/tuần không bao gồm thời gian làm thêm, ngày nghỉ, ngày lễ.

– Không đồng thời làm đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác trong thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần tại doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản này.

Xác định thời gian thực tế làm kiểm toán:

– Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính là thời gian đã làm kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian;

– Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính cộng dồn trong khoảng thời gian kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo nguyên tắc tròn tháng;

– Thời gian thực tế làm kiểm toán phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đã thực tế làm việc. Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên làm việc đã giải thể, phá sản, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu thì phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán phù hợp với thời gian mà kiểm toán viên đã làm việc tại doanh nghiệp kiểm toán đó.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán thời điểm đó đã không còn hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán độc lập thì phải có Bản giải trình kèm theo các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán như bản sao sổ bảo hiểm xã hội, bản sao hợp đồng lao động.

kiểm toán viên
kiểm toán viên

Hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư 202/2012/TT-BTC

– Bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

– Giấy xác nhận về thời gian thực tế làm kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán hoặc Bản giải trình kèm theo tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán (trừ các trường hợp quy định tại Điều 16 Thông tư này).

– Bản thông tin cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

– Bản sao Chứng chỉ kiểm toán viên.

– Hai ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

– Bản sao Quyết định thôi việc hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước doanh nghiệp kiểm toán.

– Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của kiểm toán viên là người nước ngoài trừ trường hợp pháp luật lao động Việt Nam quy định không cần phải có giấy phép lao động.

– Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức của kiểm toán viên tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức.

Trình tự đăng ký hành nghề kiểm toán

 Kiểm toán viên phải lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 202/2012/TT-BTC gửi đến Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán. Các văn bằng, chứng chỉ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt đã được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán. Doanh nghiệp kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề của kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm xem xét, rà soát hồ sơ bảo đảm các kiểm toán viên đủ điều kiện đăng ký hành nghề tại tổ chức mình và ký xác nhận trên Đơn đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên.

– Doanh nghiệp kiểm toán đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo hồ sơ đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên. Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đếnBộ Tài chính.

– Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu kiểm toán viên hoặc doanh nghiệp kiểm toán giải trình hoặc cung cấp tài liệu (sổ bảo hiểm xã hội, tài liệu khác) phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

Trường hợp kiểm toán viên không bổ sung tài liệu giải trình hoặc tài liệu giải trình không chứng minh đầy đủ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề là xác thực, Bộ Tài chính có quyền từ chối đăng ký hành nghề kiểm toán. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đảm bảo đủ điều kiện, Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định. Ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không sớm hơn ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán

Luật kiểm toán độc lập quy định rõ những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán tại Điều 16. Bao gồm:

– Cán bộ, công chức, viên chức.

– Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục.

– Người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.

– Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.

– Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán

Quyền của kiểm toán viên hành nghề là gì?

Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các quyền sau đây:

– Hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật này;

– Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;

– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;

– Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.

– Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề

Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các nghĩa vụ sau đây:

– Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập;

– Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán;

– Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

– Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật;

– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm;

– Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp;

– Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình;

– Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài;

– Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán

Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong các trường hợp sau đây:

– Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán;

– Là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc là kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

– Là người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán;

– Trong thời gian hai năm, kể từ thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

– Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;

– Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ khác với các dịch vụ ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán; có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;

– Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể trong đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về kiểm toán viên Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139