Phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

Cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản là hai tội danh trong nhóm tội xâm phạm về sở hữu, đây là hai tội danh rất dễ nhầm lẫn trong quá trình áp dụng. Tuy nhiên, hai tội danh này có những điểm khác nhau cơ bản trong cấu thành tội phạm. Vậy hai tội này có điểm gì khác nhau để giúp chúng ta phân biệt và định tội danh được chính xác khi áp dụng pháp luật. Luật Trần và Liên Danh xin được chia sẻ các tiêu chí phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản.

Điểm giống nhau giữa tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

– Mặt khách thể:

+ Xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác;

+ Xâm phạm đến quyền nhân thân do có thực hiện hành vi tác động đến người đang quản lý tài sản.

– Mặt chủ thể: Đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi trở lên). Tuy nhiên đối với cưỡng đoạt tài sản thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi” chỉ  phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, nếu tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì phải từ đủ 16 tuổi mới chịu trách nhiệm hình sự.

– Lỗi: cố ý trực tiếp với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản (mục đích bắt buộc).

– Loại cấu thành tội phạm: Đều là cấu thành hình thức tức là thời điểm hoàn thành tội phạm là thời điểm thực hiện hành vi không xét đến việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.

Điểm khác nhau phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

Căn cứ pháp lý:

+ Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 BLHS 2015

+ Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 BLHS 2015

Cả hai đều được thực hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp, mục đích của tội phạm đều nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội Cướp tài sản

  • Dấu hiệu đặc trưng

Hành vi “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản“. Tức là người phạm tội đã thực hiện dùng sức mạnh vật chất tác động vào cơ thể của nạn nhân như (đấm, đá, tát …) đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc…làm cho ý trí của nạn nhân bị tê liệt không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đe dọa dùng vũ lực là ngay tức khắc, làm cho người bị đe dọa thấy rằng nguy hiểm sẽ xảy ra ngay và họ không thể tránh khỏi nếu không giao tài sản ngay tức khắc. Người bị đe dọa không có điều kiện để suy nghĩ, cân nhắc hay tìm biện pháp ngăn chặn đối với hành vi mà người phạm tội đang đe dọa, sức mãnh liệt của sự đe dọa làm cho ý chí chống cự của người bị đe dọa tê liệt.

  • Hình phạt

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với tội Cưỡng đoạt tài sản

Dấu hiệu đặc trưng là hành vi “Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực là tại một thời điểm trong tương lai, không có nguy cơ xảy ra ngay. Trong trường hợp này, người bị đe dọa vẫn có một khoảng thời gian để cân nhắc, suy nghĩ, tìm biện pháp ngăn chặn.  

phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản
phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản
  • Hình phạt

Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Có thể thấy, các khung hình phạt của tội cưỡng đoạt tài sản thấp hơn khung hình phạt của tội cướp tài sản. Có sự khác nhau này là do hành vi của tội cướp tài sản nguy hiểm hơn hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản. Tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng tính chất đe dọa ở hai tội khác nhau cơ bản. Tội cướp tài sản đe dọa ngay tức khắc sử dụng vũ lực còn tội cưỡng đoạt tài sản đe dọa tương lai sẽ dùng vũ lực, nếu bị hại không trao tài sản.

Qua đó, có thể tổng hợp các điểm khác nhau thành nội dung bảng dưới đây:

TIÊU CHÍ

TỘI CƯỚP TÀI SẢN

(Điều 168 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017)

 

TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

(Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017)

 

Hành vi khách quan

“Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…;

=>Đe dọa dùng vũ lực trong tội cướp tài sản còn tính đến yếu tố “ngay tức khắc”, tức là, nó có tính chất mãnh liệt hơn làm cho người bị đe dọa thấy rằng khi bị đe dọa nếu họ không làm theo yêu cầu của người phạm tội thì người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay với mình và họ sẽ không hoặc khó có điều kiện tránh khỏi, việc này.

“Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…;

=>Đe dọa dùng vũ lực trong tội cưỡng đoạt tài sản thì có tính chất nhẹ hơn, người bị đe dọa cảm nhận được giữa hành vi đe dọa và việc dùng vũ lực có khoảng cách về thời gian.

Yếu tố “hành vi khác/thủ đoạn khác” trong hành vi khách quan

Hành vi khác trong tội cướp tài sản là hành vi người phạm tội không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, xong bằng mọi cách thức, thủ đoạn, người phạm tội đã đưa nạn nhân vào một tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản như: dùng các loại thuốc ngủ đầu độc nạn nhân, dùng dây chằng qua đường làm nạn nhân vấp ngã để cướp tài sản….

Những thủ đoạn này đều làm người bị tấn công không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn khác trong tội cưỡng đoạt tài sản là việc uy hiếp về tinh thần người chủ tài sản, đe dọa gây thiệt hại về mặt danh dự, uy tín,  đe dọa hủy hoại tài sản của họ để bắt họ đưa tài sản cho mình.

Tức là, trong trường hợp này người bị tấn công chỉ bị khống chế về tinh thần do đó vẫn còn khả năng chống cự, đây chính là điểm khác với hành vi ở tội cướp tài sản.

Tình trạng ý chí của nạn nhân

Nạn nhân không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng, họ buộc phải thoả mãn yêu cầu của người phạm tội nhằm tránh bị người phạm tội tấn công “tức khắc”.

Nạn nhân chưa đến mức bị tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà hành vi cưỡng chế chỉ có thể khống chế ý chí của họ.

Người bị đe dọa còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định việc có trao tài sản cho người đe dọa hay không.

Hình phạt

Hình phạt nặng hơn

Tội cướp tài sản có khung hình phạt cơ bản là 3 -10 năm tù và khung tăng nặng cao nhất là tù chung thân.

Lưu ý: Chuẩn bị phạm tội thì hình phạt là: 1 – 5 năm.

Tội cưỡng đoạt tài sản khung hình phạt cơ bản là 1 – 5 năm tù và khung hình phạt tăng nặng cao nhất là 20 năm tù.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định

Bên cạnh định khung hình phạt của tội danh, khi xét xử vụ án Hình sự, Thẩm phán sẽ xem xét tới những căn cứ làm giảm hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Đó là dựa trên chính sách khoan hồng và nhân đạo của nhà nước và Luật pháp.

Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, Luật sư hình sự tư vấn các tình tiết giảm nhẹ luật định được quy định tại điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể như sau:

Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

Phạm tội do lạc hậu;

Người phạm tội là phụ nữ có thai;

Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

Người phạm tội tự thú;

Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;

Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;

Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Như vậy, khi làm việc với cơ quan chức năng, người phạm tội phải thành khẩn khai báo và hợp tác để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của Luật sư bào chữa cho bị cáo. Việc góp mặt của luật sư khi tham gia vụ án với tư cách người bào chữa không chỉ xác định chính xác tội danh mà còn khai thác tối đa các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị can, bị cáo.

Trên đây là một số tiêu chí phân biệt tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản Luật Trần và Liên Danh tổng hợp tới quý bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý khách và quý bạn đọc có thể liên hệ với Công ty luật uy tín để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139