Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc hàng đầu; để bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình hiện nay. Hành vi ngoại tình chính là biểu hiện của việc vi phạm nguyên tắc này. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng? Hãy cùng tham khảo bài viết của Luật Trần và Liên Danh dưới đây:
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là gì?
Nguyên tắc một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản hàng đầu của chế độ hôn nhân và gia đình. Theo đó, có thể hiểu rằng nguyên tắc này quy định cá nhân đã kết hôn chỉ được có một vợ hoặc một chồng; và trong thời kì hôn nhân không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
Ví dụ: Anh A và chị B đạt đủ các điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; nên anh chị quyết định đi đăng ký kết hôn tại UBND nơi hai người cư trú. Kể từ thời điểm được UBND cấp Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn; thì anh A và chị B chính thức là vợ chồng và bắt đầu thời kì hôn nhân. Trong thời kì hôn nhân; anh A và chị B không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với bất kỳ cá nhân nào khác.
Vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là việc một người trong thời kì hôn nhân kết hôn với một người thứ ba ngoài vợ chồng hiện tại của mình; hoặc chung sống như vợ chồng với người thứ ba khác. Biểu hiện cụ thể bao gồm nhưng không giới hạn những hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng; mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Nếu hành vi ngoại tình ở mức độ chưa nghiêm trọng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; và nếu hành vi ngoại tình gây nên hậu quả nghiêm trọng; thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng của Bộ luật hình sự.
Vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng trong Luật Hôn nhân gia đình
Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; thì luật nghiêm cấm việc một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn; hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng; mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Như vậy cá nhân có hành vi này đã vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng; và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi của mình.
Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020; thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
Ví dụ: Anh A đã kết hôn được 3 năm. Trong thời gian vợ mang bầu, anh A đã ngoại tình với chị B đồng nghiệp cơ quan. Anh A nói dối vợ rằng mình cần phải đi công tác xa trong 6 tháng; nhưng thực tế là anh A đến sống chung với chị B tại nhà chị B. Hành vi của anh A đã vi phạm nguyên tắc chế độ một vợ một chồng; và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính; với mức phạt trung bình cho hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là 3.000.000 đồng.
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Nhằm góp phần bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng một cách chặt chẽ; nhà nước đã đưa hành vi ngoại tình vào Bộ luật hình sự; buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 01 năm tù.
Để xác định một cá nhân có phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015; thì cần phải xét 4 dấu hiệu cấu thành nên tội phạm; bao gồm chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
Chủ thể:
- Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là chủ thể thường. Theo đó người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự nghĩa là không mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân theo quy định của Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sẽ là chủ thể của tội này.
Khách thể:
- Khách thể là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có khách thể là chế độ hôn nhân và gia đình trong xã hội. Theo đó, cá nhân có hành vi ngoại tình đã xâm phạm vào chế độ hôn nhân và gia đình đang được nhà nước bảo vệ nên phải chịu trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan:
- Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên bên ngoài của tội phạm; bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện phạm tội….
Hành vi khách quan được quy định cụ thể trong điều luật của Bộ luật hình sự; và nếu bất kỳ người nào thực hiện hành vi đó dẫn đến hậu quả bằng phương tiện nào đó; thì có thể xem là tội phạm.
- Có thể thấy hành vi khách quan trong tội vi phạm chế độ một vợ, một chống gồm những hành vi sau:
- Người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác;
- Người chưa có vợ, chưa có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
- Hậu quả của hành vi này là làm cho quan quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
Lưu ý:
+ Hôn nhân thực tế được hiểu là trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký trước chính quyền, không vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình và quan hệ này phải xác lập trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực.
+ Trường hợp người có chồng, có vợ hợp pháp nhưng đang ly thân mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng thì vẫn bị coi là phạm vào tội này.
+ Nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà cấu thành một tội phạm khác thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó.
Ví dụ: A đi công tác xa đã chung sống với chị B như vợ chồng, nên đã tìm cách giết vợ để được chung sống với B một cách trọn vẹn. Hành vi của A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội là tội vi phạm chế độ một vợ một chồng và tội giết người.
+ Nếu người đang có vợ có chồng hợp pháp mà sống như vợ như chồng với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em.
+ Nếu sống chung như vợ chồng với trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì họ phạm vào tội hiếp dâm trẻ em.
+ Dấu hiệu khác: Hành vi nói trên phải gây hậu quả nghiêm trọng (như làm cho gia đình họ đổ vỡ phải ly hôn…) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Mặt chủ quan:
- Mặt chủ quan là biểu hiện về mặt tâm lý bên trong người phạm tội; bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ có lỗi cố ý với mục đích thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Mức xử phạt đối với tội vi phạm nguyên tắc chế độ một vợ, một chồng
Phạt hình sự
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Bộ luật hình sự điều 182 tội vi phạm chế độ một vợ một chồng như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Như vậy, vi phạm chế độ một vợ một chồng theo cách gọi phổ biến hiện nay chính là hành vi ngoại tình. Không chỉ người đã kết hôn ngoại tình mới bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự mà ngay cả người chưa kết hôn nhưng ngoại tình với người đã có vợ, có chồng cũng sẽ xị xử phạt tương tự.
Trên đây là một số nội dung về hôn nhân một vợ một chồng, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.