Công ty Việt Nam muốn chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài ( được hiểu là người không mang quốc tịch Việt Nam) thì cần căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, các hiệp định thương mại Việt Nam ký kết để xem với ngành nghề đó có cho người nước ngoài chuyển nhượng vốn trong công ty Việt Nam không và cho phép người nước ngoài được sở hữu tỷ lệ vốn tối đa bao nhiêu %. Sau đây Luật Trần và Liên Danh xin cung cấp các quy định chung của pháp luật về chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài để Qúy khách hàng nắm rõ.
Thế nào là phần vốn góp?
Căn cứ theo khoản 27 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Tài sản góp vốn được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về tài sản góp vốn như sau:
“Điều 34. Tài sản góp vốn
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Về định giá tài sản góp vốn, được quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
– Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
– Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
– Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư;
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Để chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho nhà đầu tư Việt Nam cần những điều kiện gì?
Thông tin bạn cung cấp không rõ đang đề cập đến việc chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong loại hình công ty nào. Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà có những quy định về điều kiện chuyển nhượng vốn khác nhau. Cụ thể như sau:
* Việc chuyển nhượng phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trongcông ty TNHH hai thành viên trở lên phải đáp ứng quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020:
– Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
+ Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
+ Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
– Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
– Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên công ty thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.:
* Việc chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần phải đáp ứng quy định tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020:
– Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
– Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
– Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.
– Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
– Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.
– Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
– Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.
Khi đã đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 52 hoặc Điều 127 nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân Việt Nam giao kết hợp đồng chuyển nhượng vốn (trừ trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán đối áp dụng theo luật chứng khoán).
Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty Việt Nam hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công ty Việt Nam trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong Công ty Việt Nam.
Những trường hợp khác, Công ty Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, Dịch vụ xin giấy chứng nhận đầu tư.
Hình thức góp vốn vào Công ty Việt Nam
Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
Góp vốn vào Công ty Việt Nam khác không thuộc 02 trường hợp trên.
Hình thức mua cổ phần, phần vốn góp của Công ty Việt Nam
Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
Mua phần vốn góp của thành viên Công ty Việt Nam khác không thuộc 03 trường hợp trên.
Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người nước ngoài;
Thủ tục chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài:
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam
Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam tại Phòng đăng ký đầu tư- Sở kế hoach và Đầu tư
Hồ sơ cần chuẩn bị
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người nước ngoài;
Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục.
Trường hợp hồ sơ đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước 2: Sau khi có văn bản thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Nếu công ty chưa tách Giấy chứng nhận đầu tư thành giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục tách và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, làm dấu pháp nhân mới tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 3: Sau khi tách giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan cấp phép đầu tư.
Bước 4: Xin giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề thực hiện quyền xuất nhập khẩu và phân phối.
Lưu ý: Về việc thanh toán chuyển nhượng phần vốn góp đối với người nước ngoài
Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư số 19/2014/TT-NHNN thì:
Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp này phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp này.
Trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (chỉ hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) thì mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thủ tục chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline Công ty luật để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.