Chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài

Chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, công ty được góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn góp, cổ phần trong công ty Việt Nam được quy định chi tiết như thế nào? Cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu thủ tục đăng ký chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài góp vốn vào công ty tại Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài là những ai?

Tìm hiểu về thủ tục pháp lý này sẽ có hai vấn đề cần biết đó là: (i) Cá nhân, tổ chức nào được coi là nhà đầu tư nước ngoài; (ii) Để được góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục gì?

Căn cứ khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 quy định “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”. Theo khái niệm này thì ngoài cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức ở nước ngoài là 2 loại nhà đầu tư nước ngoài dễ nhận biết thì công ty vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam cũng được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Tài sản góp vốn được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về tài sản góp vốn như sau:

“Điều 34. Tài sản góp vốn

Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”

Về định giá tài sản góp vốn, được quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:

– Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

– Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

– Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Trường hợp xin chấp thuận góp vốn, chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài?

Đây chính là thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần thực hiện trả lời cho câu hỏi Luật Trần và Liên Danh đã nêu ở phần đầu (Để được góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục gì?). Pháp luật quy định nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận tại Sở kế hoạch và đầu tư về việc sẽ góp thêm vốn, nhận chuyển nhượng vốn góp, cổ phần trong công ty Việt Nam khi thuộc ba trường hợp sau:

  • Công ty dự kiến kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện sau khi có người nước ngoài trở thành chủ sở hữu, thành viên/ cổ đông công ty.
  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của người nước ngoài trên 50% hoặc số lượng thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số.
  • Nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch của các nước không nằm trong WTO và không có các hiệp định thương mại, đầu tư ký kết với Việt Nam.

Hiện tại hầu hết các ngành nghề kinh doanh thông dụng đối với công ty Việt Nam đều là lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài ví dụ: Mua bán hàng hóa, Xây dựng, Lắp đặt, Sửa chữa, … do đó hầu hết các công ty khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia là thành viên, cổ đông đều phải trải qua bước xin chấp thuận này.

Thủ tục nhận góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Công ty khi nhận góp vốn, có thành viên chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài mà không thuộc 3 trường hợp phải xin chấp thuận tại Sở KHĐT thì thực hiện thủ tục nhận góp vốn, chuyển nhượng vốn tại Phòng đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp còn lại thủ tục sẽ bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Xin chấp thuận chuyển nhượng vốn, cổ phần cho người nước ngoài
  • Bước 2: Mở tài khoản vốn đầu tư và thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng vốn
  • Bước 3: Thay đổi đăng ký doanh nghiệp trong việc ghi nhận người nước ngoài là thành viên, cổ đông công ty.
  • Bước 4: Thực hiện việc kê khai thuế từ chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần

Vướng mắc thường gặp trong thủ tục cho nhà đầu tư góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn

  • Nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch của nước không phải thành viên WTO

Thực tế cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam rất đa dạng, khi họ mang quốc tịch của nước không phải là thành viên của WTO thì cơ sở xem xét việc chấp thuận cũng không theo các cam kết mở cửa thị trường theo WTO. Khi này khó khăn đến từ việc Sở KHĐT sẽ phải xin chấp thuận của Bộ KHĐT và các cơ quan liên quan khi thẩm duyệt hồ sơ.

  • Việc góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn không đúng quy định

Quy định về hoạt động đầu tư nước ngoài theo Luật đầu tư rất chặt chẽ từ nguồn vốn sử dụng trong đầu tư, tài khoản tiếp nhận vốn đầu tư và thời điểm góp vốn đầu tư. Đây lại là các vấn đề pháp lý nhiều công ty không thực hiện đúng dẫn đến khó khăn trong thực hiện thủ tục ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài là thành viên, cổ đông của công ty.

  • Công ty có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh các lĩnh vực chưa cam kết trong WTO

Khi Sở KHĐT thẩm duyệt hồ sơ đăng ký góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Sở sẽ kiểm tra tính phù hợp của ngành nghề kinh doanh với tỷ lệ vốn đầu tư và các quy định pháp luật hiện hành. Các ngành nghề kinh doanh chưa cam kết trong WTO có thể phải rút bỏ hoặc nếu được chấp thuận sẽ phải trải qua bước xin ý kiến của các cơ quan liên quan.

Chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài
chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài

Quy định cần biết khi có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên, cổ đông công ty

  • Người nước ngoài phải kê khai và nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần

Cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài sẽ phải khai thuế thu nhập cá nhân và nộp thuế TNCN với mức thuế 0,1% trên giá trị cổ phần chuyển nhượng do áp dụng Thông tư 25/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2018: Điều 4. Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính như sau:

“b. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.”

  • Nhà đầu tư nước ngoài phải góp vốn thông qua tài khoản vốn đầu tư

Tài khoản vốn đầu tư là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mở tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

  • Cấp thẻ tạm trú và visa dài hạn cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngoài các quyền và nghĩa vụ với vai trò là thành viên công ty, cổ đông công ty theo Luật doanh nghiệp 2020, người nước ngoài sẽ được các quyền lợi sau: Người nước ngoài sau khi góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn để trở thành thành viên, cổ đông công ty Việt Nam được hưởng các ưu đãi đối với nhà đầu tư như được xin cấp thẻ tạm trú dài hạn 2 – 5 năm, thuộc đối tượng miễn giấy phép lao động khi làm việc trong công ty.

Để chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho nhà đầu tư Việt Nam cần những điều kiện gì?

Thông tin bạn cung cấp không rõ đang đề cập đến việc chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong loại hình công ty nào. Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà có những quy định về điều kiện chuyển nhượng vốn khác nhau. Cụ thể như sau:

* Việc chuyển nhượng phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư nước ngoài trong công ty TNHH hai thành viên trở lên phải đáp ứng quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020:

– Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

+ Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;

+ Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.

– Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.

– Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên công ty thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.:

* Việc chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần phải đáp ứng quy định tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020:

– Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

– Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

– Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.

– Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

– Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.

– Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

– Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.

Khi đã đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 52 hoặc Điều 127 nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân Việt Nam giao kết hợp đồng chuyển nhượng vốn (trừ trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán đối áp dụng theo luật chứng khoán).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về thủ tục chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài. Nếu các bạn đang cần tìm một công ty tư vấn luật uy tín, nhanh chóng và hiệu quả, vui lòng liên hệ với Công ty luật để được tư vấn những thủ tục pháp lý nhanh chóng nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139