Khi không muốn nhận tài sản người để lại di sản để lại thì phải lập thành văn bản từ chối nhận thừa kế.
Sau đây, Luật Trần và Liên Danh xin giới thiệu Mẫu đơn từ chối nhận di sản thừa kế kèm hướng dẫn cách soạn.
Di sản thừa kế là gì?
Khái niệm di sản thừa kế chưa được văn bản pháp luật nào đưa ra cụ thể mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê để xác định di sản gồm những tài sản nào. Khái niệm này đã được một số nhà khoa học đưa ra khi nghiên cứu pháp luật về thừa kế trên cơ sở một số phương diện nhất định.
Xét trên phương diện khoa học luật dân sự: Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện.
Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Theo đó, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Khi nào được từ chối nhận di sản thừa kế?
Từ chối nhận di sản thừa kế là việc một cá nhân sau khi được chỉ định làm người thừa kế mà không muốn hưởng phần di sản đó thì có quyền từ chối không nhận. Theo đó, bất cứ vì lý do gì, người được hưởng di sản thừa kế cũng có quyền được từ chối, trừ 03 lưu ý sau đây
– Không được từ chối để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác
– Phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
– Phải từ chối trước thời điểm phân chia di sản.
Có được đổi ý khi đã từ chối nhận di sản không?
Theo quy định hiện nay, từ chối nhận di sản chỉ cần thực hiện trước thời điểm phân chia di sản và phải báo cho những người liên quan biết. Do đó, nếu đã từ chối di sản thừa kế nhưng không thực hiện theo đúng hình thức, điều kiện… thì việc từ chối sẽ không có hiệu lực.
Cụ thể, trong một số trường hợp sau, việc từ chối sẽ không được công nhận và người thừa kế hoàn toàn có quyền “đổi ý”:
– Việc từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản như nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại… của người thừa kế với người khác;
– Không được lập thành văn bản và không được gửi đến những người liên quan;
– Từ chối di sản sau thời điểm phân chia di sản…
Những người được từ chối nhận di sản thừa kế
Để xác định ai được từ chối nhận di sản thừa kế thì trước hết chúng ta phải xem xét ai là người được nhận di sản thừa kế.
Theo đó, người thừa kế theo di chúc là người được người để lại di sản chỉ định là người nhận thừa kế trong văn bản di chúc. Người thừa kế theo pháp luật được xác định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự mới nhất, cụ thể:
– Hàng thứ 1 gồm vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi
– Hàng thứ 2 gồm ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột gọi người chết là ông bà nội ngoại.
– Hàng thứ 3 gồm cụ nội ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì ruột, cháu ruột gọi người chết là bác, chú, cậu, cô, dì, ruột, chắt ruột gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Ngoài ra, những người sau đây không được hưởng di sản thừa kế:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc;
– Giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Đáng lưu ý là nếu những người này đã bị người để lại di sản biết nhưng vẫn cho họ được hưởng theo di chúc thì vẫn nhận di sản bình thường.
Cụ thể tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
Văn bản từ chối nhận di sản có phải công chứng không?
Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ khi một cá nhân muốn từ chối nhận di sản thừa kế thì bắt buộc phải lập thành văn bản và gửi đến những người thừa kế khác để biết.
Tại Điều 59 Luật Công chứng 2014, người thừa kế có thể yêu cầu công chứng Văn bản từ chối nhận di sản.
Như vậy, có thể thấy, Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế bắt buộc phải lập thành văn bản nhưng không bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Nếu người thừa kế có nhu cầu thì có thể yêu cầu Công chứng viên chứng nhận hoặc không.
Khi yêu cầu công chứng Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, người yêu cầu phải nộp các loại giấy tờ sau đây:
– Bản sao di chúc nếu thừa kế theo di chúc;
– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng;
– Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
– Phiếu yêu cầu công chứng;
– Dự thảo Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (Nếu có);
– Các giấy tờ nhân thân: CMND hoặc hộ chiếu hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người từ chối nhận di sản thừa kế.
Hậu quả pháp lí của việc từ chối nhận di sản thừa kế
Người thừa kế có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà mình được hưởng.
Nếu người thừa kế này đã từ bỏ quyền thừa kế của mình hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì phần tài sản bị từ chối đó sẽ được đem chia theo pháp luật cho những đồng thừa kế còn lại.
Mẫu Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế cụ thể, tham khảo
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
VĂN BẢN TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ
Hôm nay, ngày … tháng … năm ………., tại (1) ………………., chúng tôi gồm: (2)
- Ông/bà:……………………………………… Sinh năm : ……………………………………………
CMND số: …………. do Công an …………… cấp ngày ………………………………………….
Hộ khẩu thường trú: …………………………………………………………………
(Là (3) ……………… của người để lại di sản thừa kế)
- Ông/bà:………………………………..Sinh năm : ……………………………………………………
CMND số: …………. do Công an …………… cấp ngày …………………………………………..
Hộ khẩu thường trú: …………………………………………………………………
(Là ……………… của người để lại di sản thừa kế)
Chúng tôi là những người thừa kế của ông/bà …………………..
Ông/bà (4) ………………… chết ngày…………… theo ………………….do UBND ………………… đăng ký khai tử ngày …………………………………….
Di sản mà ông/bà ………………… để lại là: (5)
- Sổ tiết kiệm ……………………………………………………………………….
- Phần quyền sử dụng đất tại địa chỉ: ………………………………………………
……………………………………………………………………………………….
Thông tin cụ thể về thửa đất trên như sau:
– Thửa đất số: …………..; – Tờ bản đồ số: ……………..;
– Địa chỉ: …………………………………………………………………………….
– Diện tích: ……………. m2 (Bằng chữ: ………………………………………. mét vuông);
– Hình thức sử dụng: riêng:………….. m2; chung: ……………. m2;
– Mục đích sử dụng: ……………………………………………………………………………………….
– Thời hạn sử dụng: ………………………………………………………………………………………..
– Nguồn gốc sử dụng: …………………………………………………………………………………….
Nay bằng Văn bản này chúng tôi tự nguyện từ chối nhận kỷ phần thừa kế di sản nêu trên mà chúng tôi được hưởng.
Chúng tôi xin cam đoan:
– Những thông tin về nhân thân, về tài sản đã ghi trong văn bản này là đúng sự thật.
– Việc từ chối nhận tài sản thừa kế này không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
– Chúng tôi đã đọc nội dung Văn bản này, đã hiểu rõ trách nhiệm pháp lý của mình khi lập và ký/điểm chỉ vào Văn bản này.
Người lập Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế
(Ký/điểm chỉ và ghi rõ họ tên)
Hướng dẫn cách soạn thảo
(1) Mục “Tại”: Đây là địa chỉ nơi lập Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Có thể là nhà riêng của người yêu cầu, hoặc có thể tại trụ sở Văn phòng/Phòng công chứng.
Ví dụ: Văn phòng Công chứng xxx, địa chỉ: SN 12x, phường A, thành phố B, tỉnh C
(2) Mục “chúng tôi gồm”: Mục này nếu người từ chối nhận di sản thừa kế là một người thì chỉ ghi là “tôi là…” kèm tên, năm sinh, số CMND hoặc hộ chiếu hoặc căn cước công dân kèm ngày tháng và cơ quan cấp, hộ khẩu thường trú…
Ví dụ: Bà: Nguyễn Thị T.; Sinh năm: 1979; CMND số: 123456xxx do Công an tỉnh D cấp ngày 14/5/2014; Hộ khẩu thường trú: SN 12x, phố A, phường B, thành phố C, tỉnh D
Nếu có từ hai người từ chối di sản thừa kế trở lên thì viết “chúng tôi gồm…” ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại…
(3) Mục “Là…” ghi mối quan hệ giữa người từ chối nhận di sản thừa kế và người để lại di sản thừa kế.
Ví dụ: là con đẻ, là cháu ngoại, cháu nội…
(4) Ghi thông tin của người để lại di sản thừa kế. Căn cứ theo Giấy chứng tử, trích lục khai tử để khai ngày tháng năm người để lại di sản chết, ngày cấp của các giấy tờ nêu trên…
Ví dụ: Ông Trần Ngọc V. chết ngày 10/11/2018 theo Trích lục khai tử số 80/TLKT, do UBND phường B, thành phố C, tỉnh D đăng ký khai tử ngày 14/11/2018
(5) Mục này liệt kê đầy đủ số tài sản mà người từ chối nhận di sản thừa kế được hưởng. Tài sản phải là những loại có giấy tờ sở hữu, có đăng ký quyền sở hữu như: Xe ô tô, xe máy, sổ tiết kiệm, quyền sử dụng đất và nhà ở…
Nên ghi đầy đủ thông tin như trên Giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất … để xác định chính xác tài sản đó là tài sản nào.
Ví dụ:
- Sổ tiết kiệm có kỳ hạn số AC 0000xxxxxx tại Ngân hàng X – Chi nhánh số 2 – tỉnh D ngày 22/02/2018 với số tiền gửi là 15.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Mười lăm triệu đồng chẵn), mang tên ông Trần Ngọc V.
- Phần quyền sử dụng đất tại địa chỉ: SN 12x, phố A, phường B, thành phố C, tỉnh D theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 186xxx, số vào sổ cấp GCN: 012xx do UBND thành phố C, tỉnh D cấp ngày 27/9/2012.
Thông tin cụ thể về thửa đất trên như sau:
– Thửa đất số: 42;
– Tờ bản đồ số: 10;
– Địa chỉ: SN 12x, phố A, phường B, thành phố C, tỉnh D
– Diện tích: 448 m2 (Bằng chữ: Bốn trăm bốn mươi tám mét vuông);
– Hình thức sử dụng: riêng: 448 m2; chung: không m2;
– Mục đích sử dụng: Đất ở tại đô thị
– Thời hạn sử dụng: Lâu dài;
– Nguồn gốc sử dụng: Đất nhà nước giao
- Chiếc xe ô tô mang biển số 30A-xxxxx theo giấy đăng ký ô tô số 012345 do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Z cấp ngày 01/01/2017 đăng ký lần đầu ngày 01/01/2017 được mang tên Nguyễn Văn A tại địa chỉ: SN 123, phường X, quận Y, tỉnh Z
– Nhãn hiệu: FOTO
– Số loại: THACO
– Loại xe: Tải chở mô tô, xe máy
– Màu sơn: Xám
– Số khung: 400AFC0xxxxx
– Số máy: 21615E0xxxxx
– Số chỗ ngồi: 3
Đăng ký xe có giá trị đến ngày: 14/07/2040.
Trên đây là nội dung tư vấn về đơn từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định mới nhất của Luật Trần và Liên Danh.
Nếu bạn đọc còn thắc mắc xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ Hotline để được tư vấn tốt nhất.