Ngành công nghiệp hóa chất hiện nay rất quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và hội nhập với các nước trên thế giới. Kinh doanh hóa chất là một ngành kinh doanh có điều kiện. Sản xuất, kinh doanh hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện căn cứ theo Luật Đầu tư 2020. Vì vậy, khi cá nhân, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực hóa chất thì phải đăng ký kinh doanh và phải làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh hóa chất.
Điều kiện xin cấp Giấy chứng nhận
Điều kiện dành cho đối tượng sản xuất hóa chất
Khái niệm sản xuất hóa chất
Căn cứ: Khoản 1 Điều 3, Nghị định 113/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Sản xuất hóa chất là những hoạt động tạo ra hóa chất thông qua các phản ứng hóa học, quá trình sinh hóa hoặc quá trình hóa lý, vật lý như trích ly, cô đặc, pha loãng, phối trộn và quá trình hóa lý, vật lý khác không bao gồm hoạt động phát thải hóa chất không chủ đích.
Điều kiện dành cho đối tượng sản xuất hóa chất
Căn cứ: Khoản 1 Điều 9 Nghị định 113/2017/NĐ-CP; Khoản 3 Điều 8 và Khoản 1 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật (có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh);
Cơ sở vật chất – kỹ thuật: Nhà xưởng, kho tàng và thiết bị công nghệ; Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác; Trang thiết bị bảo hộ lao động; Trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải; Phương tiện vận chuyển; Bảng nội quy về an toàn hóa chất;…. phải đáp ứng điều kiện cụ thể theo quy định. Điều kiện này được chứng minh bằng Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;
Người lao động phải được huấn luyện an toàn hóa chất gồm: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; Cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất; Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở; Người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc; người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất.
Điều kiện dành cho đối tượng kinh doanh hóa chất
Khái niệm kinh doanh hóa chất
Căn cứ: Khoản 2, Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP
Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Điều kiện dành cho đối tượng kinh doanh hóa chất
Căn cứ: Khoản 2 Điều 9 Nghị định 113/2017/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề kinh doanh hóa chất;
Cơ sở vật chất – kỹ thuật: Nhà xưởng, kho tàng và thiết bị công nghệ; Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác; Trang thiết bị bảo hộ lao động; Trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải; Phương tiện vận chuyển; Bảng nội quy về an toàn hóa chất;…. phải đáp ứng điều kiện cụ thể theo quy định.
Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;
Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;
Người lao động phải được huấn luyện an toàn hóa chất gồm: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; Cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất; Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở; Người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc; người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất
Căn cứ: Khoản 1 Điều 10, Nghị định 113/2017/NĐ-CP
Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho tàng, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất và kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa.
Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất;
Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất;
Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất;
Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất
Căn cứ: Khoản 2 Điều 10, Nghị định 113/2017/NĐ-CP
Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định của pháp luật;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh;
Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng của từng địa điểm kinh doanh, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí kho chứa, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào khu vực kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng kho chứa hoặc Hợp đồng thuê kho đối với trường hợp thuê kho lưu trữ hoặc Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;
Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của từng địa điểm kinh doanh hóa chất;
Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;
Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất;
Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh theo quy định.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Căn cứ: Khoản 6 Điều 10, Nghị định 113/2017/NĐ-CP
Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm thẩm định và cấp.
Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhận
Căn cứ: Khoản 3 Điều 10, Nghị định 113/2017/NĐ-CP
Bước 1: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận lập 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Công thương nơi hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Bước 2: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy chứng nhận.
Bước 3: Trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tổ chức, cá nhân, đồng thời gửi 01 bản cho Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký trụ sở chính.
Thời gian thực hiện công việc
Căn cứ: Điểm c khoản 3 Điều 10 Nghị định 113/2017/NĐ-CP
12 ngày làm việc, không tính thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho hợp lệ.
Phí cấp giấy chứng nhận
Căn cứ: Thông tư 08/2018/TT-BTC.
Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất/kinh doanh/sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp là 1.200.000 đồng (Một triệu hai trăm nghìn đồng)/giấy chứng nhận.
Kết quả thực hiện thủ tục
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất;
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.