Kiểm toán có vai trò và chức năng gì chắc hẳn là câu hỏi của không ít các đơn vị, tổ chức hay doanh nghiệp bởi những đặc thù trong công việc và những yêu cầu khắt khe đối với vị trí kiểm toán viên. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chức năng của kiểm toán nhà nước nhé!
Kiểm toán là gì?
Kiểm toán (KT) là hoạt động kiểm tra và xác minh tính đúng đắn, trung thực của một báo cáo tài chính nào đó nhằm cung cấp các thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đơn vị hay tổ chức đó.
Có thể hiểu đơn giản, kiểm toán là một quá trình thu thập, đánh giá các chứng từ, bằng chứng liên quan đến các thông tin tài chính đã được cung cấp để đưa ra những đánh giá, báo cáo về sự phù hợp của thông tin đó với các hạng mục được thiết lập.
Quyền hạn của kiểm toán Nhà nước
Theo Điều 11, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, và Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 quy định quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước như sau:
Trình dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trước Quốc hội, Ủy ban thường Vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp thông tin phục vụ cho kiểm toán.
Yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước khi xảy ra sai phạm trong báo cáo tài chính hay trong việc chấp hành pháp luật, khắc phục các sai phạm và yếu kém.
Kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về những sai phạm trong báo cáo tài chính hoặc trong việc chấp hành pháp luật, đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp không thực hiện theo yêu cầu.
Kiến nghị các cơ quan người có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân sau khi thực hiện hoạt động kiểm toán.
Đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động Kiểm toán nhà nước.
Trưng cầu giám định chuyên môn trong trường hợp cần thiết.
Được ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, chịu trách nhiệm về tính trung thực của các số liệu, tài liệu và kết luận liên quan đến doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.
Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác của nhà nước bổ sung cơ chế, chính sách và pháp luật.
Đặc trưng của kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là loại hình kiểm toán do Quốc hội thành lập nên có nhiều điểm đặc trưng khác biệt:
Chủ thể Kiểm toán Nhà nước
Chủ thể thực hiện Kiểm toán Nhà nước còn được gọi là các kiểm toán viên nhà nước. Họ là các công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán để thực hiện nghiệp vụ kiểm toán.
Khách thể Kiểm toán Nhà nước
Khách thể Kiểm toán Nhà nước là các tổ chức, đơn vị, cá nhân có sử dụng hoặc liên quan đến nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước gồm:
Các dự án, công trình được ngân sách nhà nước đầu tư.
Các doanh nghiệp có vốn 100% ngân sách nhà nước.
Các xí nghiệp công cộng thuộc sở hữu nhà nước.
Các cơ quan kinh tế, quản lý của nhà nước và các đoàn thể xã hội.
Các cá nhân có nguồn từ ngân sách nhà nước,..
Loại hình kiểm toán chủ yếu
Kiểm toán Nhà nước chủ yếu thực hiện hoạt động kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước thực hiện xác minh tính trung thực, đúng đắn của Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước, chỉ ra những vấn đề sai phạm, bất cập trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán
Báo cáo kiểm toán do nhà nước phát hành có giá trị pháp lý cao. Báo cáo kiểm toán Nhà nước phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân,… để xem xét và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương nhằm sử dụng, quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.
Đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và trong vấn đề tuân thủ pháp luật, thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục các yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.
Chức năng của Kiểm toán nhà nước
Có thể hiểu một cách đơn giản: “kiểm toán là xem xét và đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của một tổ chức”.
Hoạt động kiểm toán nhằm xác định liệu hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán có được lập chính xác, đúng pháp luật và thể hiện chính xác các giao dịch mà nó minh chứng, về mặt nghiệp vụ, khi tiến hành kiểm toán, chủ thể kiểm toán sau khi xác nhận hồ sơ kiểm toán sẽ đưa ra kết luận và kiến nghị đối với việc sử dụng tài chính vừa kiểm toán.
Ở đây cần lưu ý một đặc thù của hoạt động kiểm toán nói chung là nếu phát hiện có sai phạm, cơ quan kiểm toán sẽ công khai sai phạm đó thay vì quyết định những biện pháp xử lí cụ thể. Kiểm toán là hoạt động khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường và có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau hướng tới nhiều đối tượng khác nhau.
Chức năng của kiểm toán nhà nước chính là tiến hành các hoạt động kiểm toán công. Chức năng của kiểm toán nhà nước có một số đặc điểm sau.
Thứ nhất, đối tượng kiểm toán của kiểm toán nhà nước là tất cả các hoạt động quản lí, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lí, sử dụng tài chính công, tài sản công của các cơ quan, tổ chức có sử dụng tài chính, tài sản công.
Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 không có sự hạn chế đối với các chủ thể sử dụng ngân sách nhà nước có thể trở thành đơn vị bị kiểm toán bởi kiểm toán nhà nước, đối tượng bị kiểm toán có thể là các bộ, Văn phòng chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội …Sự hạn chế phạm vi kiểm toán của kiểm toán nhà nước đến từ nguồn tài chính và tài sản được sử dụng là ngân sách nhà nước và tài sản công. kiểm toán nhà nước không tiến hành kiểm toán đối với việc sử dụng nguồn tài chính hoặc tài sản khác.
Như vậy, kiểm toán nhà nước không tiến hành kiểm toán đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân không sử dụng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước Việt Nam cũng không chịu sự kiểm toán của kiểm toán nhà nước. Những đối tượng đó thuộc phạm vi kiểm toán của kiểm toán thương mại độc lập theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.
Thứ hai, kiểm toán nhà nước là hoạt động kiểm toán mang tính quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước. Theo quy định của pháp luật, hằng năm kiểm toán nhà nước tự quyết định kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Ngoài ra, kiểm toán nhà nước cũng có thể tiến hành các cuộc kiểm toán không nằm trong kế hoạch năm nhưng phải dưới hình thức được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.
Có thể hiểu là nếu những cơ quan này giao nhiệm vụ kiểm toán thì kiểm toán nhà nước phải thực hiện. Các cơ quan khác, bao gồm Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cũng có thể đề nghị kiểm toán nhà nước tiến hành một cuộc kiểm toán nào đó. Khi đó kiểm toán nhà nước có thể xem xét, quyết định chứ không có nghĩa vụ đáp ứng đề nghị kiểm toán.
1 Đó là 3 căn cứ pháp lý để kiểm toán nhà nước tiến hành một cuộc kiểm toán và khi cuộc kiểm toán đã được quyết định tiến hành một cách họp pháp thì đối tượng bị kiểm toán phải chấp hành sự kiểm toán của kiểm toán nhà nước (Khoản 1,2, 3, Điều 10 Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 và Khoản 2 Điều 8, Điều 68 kiểm toán nhà nước năm 2015). Hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước không dựa trên mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp dịch vụ như quan hệ kiểm toán độc lập trong nền kinh tế.
Thứ ba, hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước, cũng giống như các hoạt động kiểm toán thương mại độc lập, là hoạt động mang tính chuyên môn và tính khách quan rất cao. Hoạt động của kiểm toán nhà nước không phải hoạt động mang tính chất chính trị hay đơn thuần là hành chính điều hành. Hoạt động mang tính chất chính trị, ví dụ hoạt động ban hành luật hay chính sách của Quốc hội hay Chính phủ, là những hoạt động lấy quyết định theo đa số.
Đa số quyết định có nghĩa là đúng và được thi hành. Các hoạt động hành chính điều hành dựa trên quan hệ cấp trên – cấp dưới, cấp trên quyết định là cấp dưới thi hành, cho dù quyết định của cấp trên có thể sai hay đúng. Hoạt động chủ yếu của kiểm toán nhà nước, cũng giống như các hoạt động kiểm toán khác, là làm việc với những con số, với hóa đơn, chứng từ tài chính. kiểm toán nhà nước xác nhận sự chính xác và hợp lí của sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ có sẵn quy chiếu theo các quy chuẩn cụ thể và chi tiết của kiểm toán, kế toán.
Ở góc độ nào đó, hoạt động này nhằm xác định cái đúng, cái sai căn cứ trên tiêu chuẩn nhất định. Vì vậy nó mang tính chuyên môn và khách quan. Cái gì đúng với quy chuẩn thì là đúng và cái gì sai với quy chuẩn thì là sai.
Cũng chính vì vậy mà trong các công đoạn kiểm toán của kiểm toán nhà nước, cũng như hoạt động kiểm toán khác, bao giờ cũng có một công đoạn dành cho đối tượng bị kiểm toán có ý kiến đối với các phát hiện và kết luận của kiểm toán nhà nước trình bày trong dự thảo báo cáo kiểm toán (Khoản 2 Điều 47 Luật kiểm toán nhà nước năm 2015), mục đích cũng là để tìm đến cái đúng, cái sai trong sử dụng tài chính, tài sản công một cách khách quan, chính xác nhất.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về chức năng của kiểm toán Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.