Với những người có thu nhập cao, tài sản có giá trị lớn thì mức thuế đánh vào càng cao, do đó có nhiều người nảy sinh ý định trốn thuế, gian lận thuế. Pháp luật quy định mức phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế như thế nào?
Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh gửi đến bạn đọc mức phạt hành vi trốn thuế theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Trốn thuế thu nhập cá nhân
Trốn thuế thu nhập cá nhân là gì? Gian lận thuế là gì? Là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Hoatieu.vn xin giải đáp các thắc mắc trên như sau:
Trốn thuế, gian lận thuế là việc thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp ví dụ như bán hàng nhưng không xuất hoá đơn để giảm doanh thu hay tạo ra thông tin không có thật như mua hoá đơn để tăng chi phí được khấu trừ thuế, tạo hồ sơ giả để hoàn thuế GTGT
Như vậy, trốn thuế thu nhập cá nhân là hành vi không nộp mức thuế thu nhập cá nhân đúng quy định (không nộp, nộp không đủ…) bằng các thủ đoạn gian dối (Khai gian dối, không khai đủ các khoản thu nhập).
Một số thủ đoạn trốn thuế thu nhập cá nhân
“Thủ đoạn” thay đổi chủ thể của giao dịch
Các cá nhân tạo ra các hồ sơ, giấy tờ hay các giao dịch hợp pháp để đi vòng và khiến các giao dịch đi đến bước cuối cùng gian lận được khoản thuế TNCN đáng nhẽ phải nộp. Trong Thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế TNCN với mức thuế suất là 2%.
Nhưng lợi dụng kẽ hở của pháp luật các cá nhân có thể gian lận được nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân qua việc chuyển nhượng bất động sản, tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân quy định: “Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau”.
Quy định này là phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, chính quy định này lại tạo cơ hội cho các cá nhân có bất động sản chuyển nhượng và có hành vi tránh thuế.
Cụ thể, theo quy định trên nếu như hai anh em rể muốn chuyển nhượng bất động sản cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để tránh thuế thì người anh rể chuyển nhượng sang cho vợ (tức chị gái), sau đó chị gái làm thủ tục chuyển nhượng sang cho người em. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng miễn thuế. Bằng việc đi vòng, thực hiện thêm thủ tục hành chính, họ đã gian lận được nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu đáng kể từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản nói trên.
“Thủ đoạn” khai thấp né thuế
Cụ thể, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi trên hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá đất do UBND cấp tỉnh quy định; có sự chênh lệch lớn về giá chuyển nhượng cùng bất động sản của các lần giao dịch khác nhau trong một thời gian ngắn; bất hợp lý hơn là giá tính thuế bất động sản hình thành trong tương lai cao hơn nhiều lần so với giá tính thuế của bất động sản đã hoàn thành, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực tế trên thị trường bất động sản, giá đất mua bán thường cao hơn giá đất do UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương quy định. Nhưng vì lợi ích của cả người mua và người bán, nên họ thường thoả thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn thực tế.
Và để được cơ quan nhà nước chấp nhận hồ sơ, họ chỉ ghi trên hợp đồng mức giá ngang bằng hoặc cao hơn chút đỉnh so với giá UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Như thế sẽ được nộp thuế thấp hơn số thực tế phải nộp. Kết quả là, cả đôi bên mua bán đất cùng có lợi, chỉ riêng Nhà nước chịu thất thu thuế.
Ví dụ: Ông A bán một lô đất giá thực tế mua bán là 2 tỷ đồng, giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng là 1,5 tỷ đồng (tương đương giá đất do UBND tỉnh quy định) thì số thuế TNCN sẽ bị thất thu là: (2 tỷ đồng – 1,5 tỷ đồng) x 2% = 10 triệu đồng. Đây chỉ là một trường hợp với giá trị mua bán không lớn. Trên thực tế, mỗi ngày có biết bao giao dịch diễn ra với giá trị mỗi giao dịch lên đến hàng chục tỷ đồng thì chắc chắn số thuế thất thu là rất lớn.
“Thủ đoạn” chuyển đổi giao dịch
Thực tế cho thấy, giới nghệ sĩ luôn biết cách để giảm khoản thuế TNCN họ phải nộp, đó chính là hướng đến các khoản thu nhập được miễn thuế và né tránh các khoản thu nhập chịu thuế được quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trước hết là “chiêu” thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa chi phí hợp lý; nhất là từ khi bỏ đi quy định được trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN. Tại Điều 10 Luật Thuế TNCN 2007 quy định: “Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế”.
Trong khi đó chi phí hợp lý (được quy định tại khoản 3 Điều 10): Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động; chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh; chi trả lãi tiền vay; chi phí quản lý… được các ông “bầu” – nhà đại diện quản lý cho các nghệ sĩ rất dễ dàng “đẻ” ra và hợp thức hóa chứng từ, theo hướng kê khai cao chi phí hoạt động, dẫn đến lợi nhuận thấp nhằm nộp thuế ít.
Thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động hành nghề tự do như giảng dạy, bác sĩ khám bệnh ngoài giờ, luật sư, môi giới,… chưa được cơ quan thuế quản lý đầy đủ. T
rong khi đó, những khoản thu nhập bên ngoài cũng là những khoản đáng kể của những người lao động tự do. Có những trường hợp, các khoản thu nhập góp phần chủ yếu vào tổng thu nhập lại không phải thu nhập từ tiền lương, mà là từ các khoản tiền thưởng và bổng lộc khác không mang tính đều đặn, nên cơ quan thuế cũng không dễ dàng giám sát, kiểm tra.
Việc thanh toán tiền lương, tiền công và các thu nhập khác vẫn chủ yếu là thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chứ không phải qua chuyển khoản ngân hàng. Nếu như nhận tiền lương, tiền công qua tài khoản ngân hàng, thì việc kiểm tra thu nhập sẽ rất dễ dàng cho cơ quan thuế, chỉ cần kiểm tra qua ngân hàng, khiến cho các cá nhân khó có thể gian lận.
Tuy nhiên, ngược lại, thực tế đa số các đơn vị trả lương bằng tiền mặt, khiến cơ quan thuế khó xác định được chính xác thu nhập tính thuế, nên càng tạo điều kiện cho các cá nhân trốn thuế.
Làm tăng thêm những khoản giảm trừ
Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định về các khoản giảm trừ gia cảnh và giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
Hơn nữa cũng vẫn bởi nguyên nhân là cơ quan thuế không nắm được thông tin của người nộp thuế, cơ chế tự kê khai tự nộp thuế khiến các thông tin về thu nhập của cá nhân không chính xác mà cá nhân lại có thể dễ dàng xin xác nhận về người phụ thuộc tại Uỷ ban nhân dân để được giảm trừ gia cảnh, hoặc đơn giản hơn là tham gia vào các hoạt động từ thiện, hoạt động nhân đạo, xin giấy xác nhận để được giảm trừ khi nộp thuế.
Đây có lẽ là một cách phổ biến được những người có thu nhập cao như chủ các doanh nghiệp, người nổi tiếng,… áp dụng để giảm bớt khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Mức xử phạt trốn thuế, xử phạt gian lận thuế mới nhất
- Nếu các hành vi trốn thuế thỏa mãn mô tả tội trốn thuế tại điều 200 BLHS 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Đối với cá nhân:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân:
Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
- Nếu các hành vi trốn thuế không đủ cấu thành tội trốn thuế theo quy định của BLHS 2015 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 17 Nghị định 125/NĐ-CP, cụ thể có một số mức phạt như sau:
– Phạt tiền 1 lần số tiền thuế trốn với các hành vi tại khoản 1 và có một tình tiết giảm nhẹ trở lên
– Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn với các hành vi tại khoản 1 và không có tình tiết giảm nhẹ
– Phạt tiền 2 lần số tiền thuế trốn với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
– Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
– Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
– Bên cạnh đó các chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 6 điều này
Mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân
Hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính theo các mức quy định tại mục 2 bài này
Trên đây là một số nội dung về trốn thuế thu nhập cá nhân, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.