Tư vấn hợp đồng thương mại

tư vấn hợp đồng thương mại

Hiện nay hoạt động mua bán hàng hóa và thực hiện dịch vụ giữa các thương nhân diễn ra rất nhộn nhịp để tìm kiếm lợi nhuận trong hoạt động thương mại, và các bên thường vẫn ký hợp đồng thương mại để làm căn cứ cho việc mua bán hàng hóa và hoạt động thương mại của mình.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có thể là kiến thức về pháp luật hợp đồng còn hạn chế nên không ít thương nhân đã phải gánh chịu thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng hoặc do chính những điều khoản bất lợi trong hợp đồng gây ra. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn hợp đồng thương mại đến cho quý khách hàng.

Quy định của pháp luật về hợp đồng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 thì Hợp đồng là là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Về bản chất, hợp đồng cũng là một dạng của giao dịch dân sự.

Theo đó, các điều kiện có hiệu lực, thay đổi, chấm dứt giao dịch dân sự cũng được áp dụng đối với hợp đồng. Theo quy định của Điều 117 BLDS 2015, thì điều kiện có hiệu lực của hợp đồng như sau:

Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Hợp đồng có thể được giao kết theo các hình thức khác nhau: hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Hợp đồng được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là hợp đồng bằng văn bản.

Hợp đồng bị vô hiệu nếu không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện có hiệu lực được quy định tại Điều 117 BLDS 2015. Theo đó, các trường hợp hợp đồng vô hiệu được quy định như sau: hợp đồng vô hiệu do giả tạo; hợp đồng vô hiệu do lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; hợp đồng vô hiệu về hình thức nếu luật có quy định và các bên chưa thực hiện được 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng; hợp đồng vô hiệu do người giao kết không nhận thức và làm chủ hành vi của mình; hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn.

Hợp đồng thương mại là gì?

Hiện nay pháp luật nước ta không quy định cụ thể hợp đồng thương mại là gì. Tuy nhiên có thể căn cứ vào quy định hoạt động thương mại tại Luật thương mại 2005 để từ đó hiểu được khái niệm hợp đồng thương mại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 thì Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Cũng theo quy định của Luật thương mại 2005, Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Như vậy có thể hiểu hợp đồng thương mại là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân để thực hiện hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Như vậy, chủ thể của hợp đồng thương mại là các thương nhân, mục đích của hợp đồng thương mại là mục đích sinh lời.

tư vấn hợp đồng thương mại
tư vấn hợp đồng thương mại

Đề nghị giao kết hợp đồng thương mại

Khi một hoặc các bên muốn giao kết hợp đồng, thì bên muốn giao gửi đề nghị giao kết cho bên được giao kết hợp đồng. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.

Trong đề nghị giao kết hợp đồng, các bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Theo đó Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết, Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

Nếu bên nào không tuân thủ theo các quy định trên mà gây ra thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:

Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết không đồng ý giao kết hợp đồng hoặc vì lý do chính đáng thì Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị, trong trường hợp bên được đề nghị im lặng thì sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Hợp đồng thương mại được coi là đã được giao kết tại thời điểm sau đây:

Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Kể từ thời điểm hợp đồng thương mại được giao kết hợp pháp, thì hợp đồng phát sinh hiệu lực hoặc theo thỏa thuận giữa các bên hoặc pháp luật có quy định khác. Khi hợp đồng thương mại phát sinh hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo cam kết.

Hợp đồng chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác.

Về địa điểm giao kết hợp đồng, pháp luật có quy định cho phép các bên có quyền tự thỏa thuận về địa điểm, nếu không thỏa thuận được thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên đã đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng. Hợp đồng thương mại phải có các nội dung cơ bản sau:

Đối tượng của hợp đồng;

Số lượng, chất lượng;

Giá, phương thức thanh toán;

Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

Quyền, nghĩa vụ của các bên;

Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

Phương thức giải quyết tranh chấp.

Thực hiện hợp đồng

Khi hợp đồng thương mại được giao kết hợp pháp và đã có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Việc thực hiện hợp đồng phải diễn ra với tinh thần trung thực, hợp tác và cùng có lợi, bảo đảm sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, Thực hiện đúng các điều khoản, nội dung của hợp đồng mà các bên cam kết về đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại hàng hóa, dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; thời hạn và phương thức thanh toán cùng các thỏa thuận khác.

Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng, mà pháp luật quy định việc thực hiện hợp đồng.

Nếu trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng, thì một bên có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn nhất định. Theo đó, khi có những điều kiện sau thì hợp đồng được coi là thay đổi cơ bản:

Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Trong trường hợp nếu các bên không thể thỏa thuận được việc thay đổi hợp đồng, một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án:

Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Hậu quả pháp lý khi vi phạm hợp đồng

Khi một bên vi phạm hợp đồng mà gây ra thiệt hại cho bên kia thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.

Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Ngoài ra, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng phải chịu nghĩa vụ phạt vi phạm, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt do các bên tự thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại

Thứ nhất, hủy bỏ hợp đồng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại cho bên kia trong các trường hợp sau:

Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

Trường hợp khác do luật quy định.

Theo đó, vi phạm nghiêm trọng hợp đồng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Về hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng: Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không đúng quy định pháp luật thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Các trường hợp được quyền hủy bỏ hợp đồng được quy định cụ thể là: Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ; Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện; Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng.

Thứ hai, đơn phương chấm dứt hợp đồng

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên đơn phương chấm dứt phải thông báo ngay cho bên kia biết, trường hợp không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt.

Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

Hợp đồng vô hiệu hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt cũng là các căn cứ để chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Trên đây là những tư vấn cơ bản của Luật Trần và Liên Danh về các vấn đề pháp lý của hợp đồng thương mại. Nếu Quý bạn đọc cần TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG, hỗ trợ soạn thảo hoặc tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại Tòa án, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline bên dưới.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139