Cũng như các lĩnh vực tố tụng khác, để giải quyết vụ án hành chính pháp luật hành chính trao quyền cho các chủ thể thay mặt cho Nhà nước thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng. Các chủ thể này bao gồm các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hành chính, hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu các chủ thể này qua bài viết dưới đây nhé!
Các cơ quan tiến hành tố tụng
Các cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính bao gồm có Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Tòa án nhân dân
Giống như các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vai trò của Tòa án nhân dân trogn xét xử vụ án hành được quy định cụ thể tại Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Ngoài tư cách là một cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, Tòa án nhân dân còn thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật tố tụng hành chính nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Viện kiểm sát nhân dân
Theo quy định của pháp luật Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoatjd odongj tư pháp trong phạm vi và trách nhiệm do pháp luật quy định. Tuy nhiên trên thực tế chức năng thực hành quyền công tố chỉ được áp dụng trong các vụ án hình sự, khi đó Viện kiểm sát đại diện cho nhà nước cáo buộc một người thực hiện hành vi phạm tội.
Trong tố tụng hành chính chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính một cách kịp thời, đúng pháp luật. Điều 25 Luật tố tụng hành chính quy định cụ thể về chức năng như sau:
– Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.
– Viện kiểm sát kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
– Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó.
Những người tiến hành tố tụng
Những người tiến hành tố tụng hành chính bao gồm có Chánh án tào án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án, Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Những chức danh này không có thẩm quyền mang tính độc lập mà thẩm quyền của họ nhằm thay mặt cho Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
Nhiệm vụ và quyền hạn của những người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính được quy định cụ thể tại trong các luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Pháp lệnh về Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân.
Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính
Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hành chính chịu sự giám sát của nhân dân và trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cụ thể Điều 22 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng hành chính và người tiến hành tố tụng hành chính, cụ thể như sau:
– Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
– Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
– Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự.
– Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
– Người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan có người có hành vi vi phạm pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thay đổi người tiến hành tố tụng hành chính
Những người tiến hành tố tụng hành chính là những người quyết định trong mỗi vụ án nên ngoài các yêu cầu về trình độ chuyên môn, việc đảm bảo sự vô tư của những người tiến hành tố tụng là một yếu tố cực kỳ cần thiết, và việc đảm bảo sự công bằng, vô tư, khách quan cũng là một nguyên tắc được quy định tại Điều 14 Luật tố tụng hành chính, cụ thể như sau:
“Điều 14. Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng hành chính
Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người phiên dịch, người giám định, thành viên Hội đồng định giá không được tiến hành, tham gia tố tụng nếu có căn cứ cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Việc phân công người tiến hành tố tụng phải bảo đảm để họ vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.
Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 8 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
– Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự. Căn cứ xác định người thân thích cảu đương sự là những người có quan hệ sau đây với đương sự:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;
+ Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;
+ Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;
+ Là cháu ruột của đương sự mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
– Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó.
– Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện.
– Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.
– Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện.
– Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện.
– Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bị khởi kiện.
– Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân
Ngoài những trường hợp chung được quy định tại Điều 45 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp sau đây:
– Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
– Họ đã tham gia giải quyết vụ án hành chính đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và đã ra bản án sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao được tham gia xét xử vụ án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
– Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Thay đổi Kiểm sát viên, Kiếm tra viên
Ngoài những trường hợp được quy định tại Điều 45 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì Kiểm sát viên, Kiếm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong vụ án đó.
Thay đổi Thư ký tòa án, Thẩm tra viên
Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay trong quy định tại Điều 45 Luật tố tụng hành chính năm 2015 và ngoài những trường hợp chung nêu trên thì Thư ký phiên tòa, Thẩm tra viên có thể bị thay thế trong các trường hợp như sau:
– Đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về người tiến hành tố tụng hành chính. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.