Hiện nay thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm khi thực hiện việc tăng vốn điều lệ.
Tăng vốn điều lệ không chỉ được áp dụng trong công ty trách nhiệm hữu hạn mà còn được thực hiện trong công ty cổ phần, công ty hợp danh. Ngoài vấn đề về thời hạn góp vốn thì hình thức, xử phạt hành chính khi thực hiện góp vốn điều lệ chậm được quy định như thế nào?
Phương thức tăng vốn điều lệ công ty
Hiện nay thì mỗi loại hình công ty thì đều sẽ có phương thức để tăng vốn điều lệ khác nhau, cụ thể như sau.
Tăng vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
2. Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Việc tổ chức quản lý công ty được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ;
b) Trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty thực hiện theo quy định tại Điều 202 của Luật này.
Tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên
1. Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a) Tăng vốn góp của thành viên;
b) Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
2. Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 52 của Luật này. Trường hợp có thành viên không góp hoặc chỉ góp một phần phần vốn góp thêm thì số vốn còn lại của phần vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần
1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.
2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
b) Chào bán cổ phần riêng lẻ;
c) Chào bán cổ phần ra công chúng.
Trường hợp tăng vốn bằng chi trả cổ tức:
Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.
Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ công ty
Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi“.
Điều 87 Luật Doanh nghiệp cũng quy định “Trường hợp tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ“
Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần“
Tại Điều 30 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng quy định:
“Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Luật này.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.”
Như vậy thời hạn đăng ký tăng vốn điều lệ là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục tăng vốn. Nói cách khác, doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục tăng vốn, xong mới thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ công ty gồm:
– Thông báo tăng vốn điều lệ công ty do người đại diện theo pháp luật ký;
– Quyết định về việc tăng vốn điều lệ công ty của Chủ sở hữu công ty; Bản sao Biên bản họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ công ty;
– Xác nhận góp vốn trong trường hợp nhận thêm thành viên mới công ty TNHH;
– Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục.
Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty
Bước 1: Nộp hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty tại Sở kế hoạch và đầu tư cấp Tỉnh/Thành phố
Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư Tỉnh/Thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Cán bộ phòng đăng ký kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trao biên nhận hồ sơ
Bước 2: Nhận kết quả hồ sơ tăng vốn điều lệ
Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh trả kết quả là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới với mức vốn điều lệ mới (nếu hồ sơ hợp lệ). Hoặc trả thông báo sửa đổi bổ sung hồ sơ (nếu hồ sơ cần sửa đổi bổ sung).
Lưu ý:
Đối với công ty TNHH 1 thành viên không được giảm vốn điều lệ
Nếu công ty TNHH 1 thành viên muốn tăng vốn bằng cách thêm thành viên góp vốn vào công ty thì bắt buộc công ty chuyển đổi loại hình sang công ty TNHH 2 thành viên hoặc công ty cổ phần
Vốn điều lệ của công ty khi có nhu cầu tăng rất đơn giản, doanh nghiệp tăng theo nhu cầu hoạt động kinh doanh, nhưng doanh nghiệp lưu ý việc giảm vốn lại rất khó khăn, khi doanh nghiệp muốn giảm vốn cần cung cấp báo cáo tài chính tại thời điểm hiện tại đảm bảo đủ tài sản để thanh toán khoản vốn giảm, cũng như thanh toán các khoản nợ của công ty vì vậy khi doanh nghiệp có ý định tăng vốn điều lệ công ty cần cân nhắc kỹ lưỡng và cẩn thận.
Tăng vốn điều lệ công ty sẽ ảnh hưởng ra sao đối với doanh nghiệp?
Việc tăng vốn điều lệ trong doanh nghiệp là một hoạt động mà doanh nghiệp thường xuyên phải tiến hành khi mà muốn mở rộng về quy mô hoạt động trong kinh doanh, muốn tăng về hạn mức vay trong ngân hàng.
Cùng với mặt tích cực về việc thực hiện hoạt động này thì doanh nghiệp cần phải lường trước và hiểu rõ về những rủi ro có thể xảy ra trước khi tiến hành, những lợi ích trong việc thực hiện tăng vốn gồm:
+ Tăng về hạn mức vay của ngân hàng.
+ Tăng mức vốn để thực hiện đầu tư, kinh doanh.
+ Tăng mức độ tin cậy của doanh nghiệp đối với các chủ nợ, bên đối tác.
+ Tăng về tính ổn định và sự phát triển của doanh nghiệp.
+ Hạn chế về sự thâu tóm đối với một số cổ đông/ thành viên ở trong doanh nghiệp.
+ Sẽ góp phần bảo đảm sự an toàn về pháp lý ở trong hoạt động mở rộng về thị trường, đầu tư hoạt động kinh doanh…
Những lưu ý khi thông báo tăng vốn điều lệ công ty với cơ quan thuế
Việc tăng vốn điều lệ công ty sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với một số vấn đề như:
+ Sẽ làm tăng về mức phí phải đóng hằng năm của thuế môn bài trong trường hợp số vốn tăng làm nhảy bậc lệ môn bài sẽ dựa vào mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.
+ Sẽ làm gia tăng thêm khả năng phải chịu các trách nhiệm đối với vật chất/ tài sản của doanh nghiệp trong việc tiến hành những nghĩa vụ và thanh toán các khoản nợ với những chủ nợ, đối tác.
Mức thuế môn bài căn cứ theo vốn điều lệ của doanh nghiệp như sau:
Mức 1: Đối với doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: mức thuế môn bài là 3.000.000 đồng/ năm;
Mức 2: Đối với doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: mức thuế môn bài là: 2,000.000 đồng/ năm;
Mức 3: Đối với chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: mức thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm.
Sự khác nhau giữa thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ và thời hạn góp vốn khi thành lập doanh nghiệp
Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ:
Việc đăng ký thay đổi tăng vốn điều lệ được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong việc tăng vốn. Nói cách khác, doanh nghiệp cần thực hiện xong việc tăng vốn rồi mới thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn với Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thời hạn góp vốn khi thành lập doanh nghiệp:
Luật doanh nghiệp 2020 đã quy định cụ thể về thời hạn góp vốn điều lệ nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty. Tất cả các loại hình doanh nghiệp thì thời hạn góp vốn điều lệ đều là 90 ngày kể từ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể là các quy định như sau:
Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại khoản 2 Điều 48: Thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”;
Đối với Công ty TNHH một thành viên được quy định tại khoản 2 Điều 74: Thực hiện góp vốn thành lập công ty: “Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Đối với Công ty cổ phần được quy định tại khoản 1 Điều 112: Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua”.
Sau thời điểm này, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không đóng đủ số vốn/ cổ phần đã cam kết góp thì thành viên, cổ đông và công ty cần thực hiện như sau:
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên tại khoản 3 điều 48: Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên;
Đối với công ty TNHH một thành viên quy định tại điều khoản 3 điều 74: Chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Đối với công ty cổ phần quy định tại khoản 3 điều 112: Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
Trên đây là nôi dung chia sẻ kiến thức liên quan đến thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ công ty của Công ty luật Trần và Liên danh. Trong trường hợp có nội dung cần trao đổi, quý vị vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ.