Năng lực hành vi dân sự

năng lực hành vi dân sự

Năng lực hành vi dân sự luôn được xem là một trong những điều kiện cơ bản cần có để một giao dịch dân sự được xác lập và có hiệu lực. Vậy Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự như thế nào? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Công ty Luật Trần và Liên Danh mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể thế nào là NLHVDS, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu NLHVDS của chủ thể là khả năng của chủ thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự cụ thể, và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, bao gồm cả hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp.

Ví dụ: Anh A sở hữu một xe tải có giấy tờ hợp pháp, anh A có quyền bán, tặng cho, để thừa kế, thế chấp cho bất kỳ người nào mà không ai được quyền ngăn cản.

Khi thực hiện các giao dịch trên, anh A có nghĩa vụ chuyển giao tài sản của mình cho người nhận hoặc cơ quan, tổ chức nhận đúng tài sản đã giao kết và các giấy tờ có liên quan đến tài sản đó.

Như vậy, với NLHVDS của mình, anh A có thể xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ nêu trên.

Khái niệm năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “NLHVDS của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hành vi của cá nhân ở đây có thể hiểu là những hành động, cử chỉ, lời nói,… của một người và tùy thuộc vào khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, độ tuổi của người đó mà thông qua hành vi của họ sẽ xác định được NLHVDS của họ như thế nào, đang ở mức độ nào. Từ đó làm căn cứ và là điều kiện để xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

Các mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự

– NLHVDS của người chưa đủ 06 tuổi

Căn cứ tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện”.

Dựa theo quy định trên thì người dưới 06 tuổi được xác định là người không có NLHVDS, bởi vì ở độ tuổi này đứa trẻ chưa phát triển toàn diện, chưa đủ ý chí cũng như nhận thức để hiểu được hành vi của mình và hậu quả của những hành vi đó. Vậy nên, trường hợp người dưới 06 tuổi muốn thực hiện giao dịch dân sự thì người đại diện theo pháp luật của người đó sẽ đứng ra để xác lập, thực hiện giao dịch thay cho họ. Những người này có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em,…

Ví dụ: Bé Phong 5 tuổi muốn được mua đồ chơi thì giao dịch dân sự mua bán đồ chơi sẽ do bố, mẹ của bé Phong xác lập, thực hiện với người bán hàng thông qua việc trả tiền món đồ chơi đó.

– NLHVDS một phần

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.

Đối với trường hợp này, những người từ đủ 06 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được xem là người có NLHVDS chưa đầy đủ hay còn gọi là NLHVDS một phần. Theo đó, những cá nhân này chỉ được xác lập, thực hiện những giao dịch dân sự nhằm mục đích phục vụ những nhu cầu cơ bản, phù hợp với độ tuổi của mình và đảm bảo luôn trong phạm vi cho phép.

Ví dụ: Bé An 12 tuổi mua một cây bút mực để dùng. Như vậy, giao dịch dân sự mua bút mực của bé An nhằm mục đích phục vụ nhu cầu học tập hằng ngày của bé An nên bé An có thể tự thực hiện mà không cần phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

– NLHVDS đầy đủ

Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thành niên như sau:

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

Người thành niên có NLHVDS đầy đủ, trừ trường hợp mất NLHVDS; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế NLHVDS.

Như vậy, cá nhân có NLHVDS đầy đủ khi đáp ứng 2 điều kiện:

– Là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

– Không thuộc một trong các trường hợp mất NLHVDS; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế NLHVDS.

Theo đó, khi có NLHVDS đầy đủ, cá nhân được toàn quyền tham gia vào quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện.

Ví dụ: Anh A 30 tuổi mua một căn hộ chung cư. Như vậy, giao dịch mua bán căn hộ chung cư do anh A tự mình thực hiện và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

– Mất NLHVDS

Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mất NLHVDS như sau:  

Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất NLHVDS trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất NLHVDS thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất NLHVDS.

Lúc này, giao dịch dân sự của người mất NLHVDS phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Ví dụ: Ông Phúc có kết luận giám định pháp y tâm thần và đã được Tòa án ra quyết định tuyên bố mất NLHVDS. Vậy nên, vợ của ông Phúc là bà Hoa đã đứng ra bán chiếc xe máy của ông Phúc để lấy tiền chữa bệnh cho ông.

năng lực hành vi dân sự
năng lực hành vi dân sự

– Hạn chế NLHVDS

Căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế NLHVDS. Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế NLHVDS và phạm vi đại diện.

Ví dụ: Anh B là người nghiện ma túy thường xuyên phá tài sản, đồ đạc trong nhà nên vợ của anh B là chị C yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố anh B bị hạn chế NLHVDS.

Cũng tại Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể tại khoản 2 và khoản 3 thì:

Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế NLHVDS phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

Ví dụ: Sau khi anh B bị Tòa án tuyên bố hạn chế NLHVDS, chị C được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật của anh B. Theo đó, phạm vi đại diện của chị C là được quyền xác lập và thực hiện mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản vì lợi ích của ông B. Hiện tại, gia đình anh B muốn bán nhà để hai vợ chồng về sống cùng với bố mẹ. Trong trường hợp này, muốn giao dịch bán nhà có hiệu lực thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của anh B là chị C.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế NLHVDS thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế NLHVDS.

– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:

Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất NLHVDS thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Như vậy, khác với người mất NLHVDS, tuy cũng cùng là căn cứ trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần nhưng Tòa án sẽ căn cứ vào khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của từng người mà tuyên bố rằng người đó bị mất NLHVDS hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 674 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì NLHVDS của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được xác định như sau:

– NLHVDS của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.

– Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, NLHVDS của người nước ngoài đó sẽ được xác định theo pháp luật Việt Nam.

– Việc xác định cá nhân bị mất NLHVDS, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế NLHVDS tại Việt Nam sẽ căn cứ theo pháp luật Việt Nam.

Pháp nhân có năng lực hành vi dân sự không?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về NLHVDS của pháp nhân, bởi pháp nhân không phải là con người và không thể tự mình xử sự được, mà pháp nhân là một tổ chức, mọi hoạt động được thực hiện thông qua hành vi của cá nhân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nên NLHVDS sẽ được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015

Trên đây là bài viết tư vấn về năng lực hành vi dân sự của Luật Trần và Liên Danh. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.­­

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139