Mật độ dân số là gì? Mật độ dân số của Việt Nam là bao nhiêu? luôn là những câu hỏi được nhiều người quan tâm khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, dân số Việt Nam đang ngày càng nhiều lên. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề xung quanh mật độ dân số.
Một số quy định về mật độ dân số
Theo pháp lệnh dân số năm 2003 thì Dân số là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính.
Mật độ dân số là tổng số dân bình quân cư trú trên một đơn vị diện tích lãnh thổ. Tính bình quân số dân trên một km2 diện tích lãnh thổ.
Quy mô dân số là số người sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính tại thời điểm nhất định
Nhà nước điều chỉnh quy mô dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, tài nguyên, môi trường thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để điều chỉnh mức sinh và ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý
Phân bố dân cư là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Theo đó nhà nước thực hiện việc phân bố dân cư hợp lý giữa các khu vực, vùng địa lý kinh tế và các đơn vị hành chính bằng các chương trình, dự án khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên để phát huy thế mạnh của từng nơi về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Phân bố dân cư nông thôn
Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích phát triển toàn diện nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng để hạn chế động lực di dân ra đô thị;
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án cho vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện chính sách định canh, định cư để ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, hạn chế du canh, du cư và di cư tự phát.
Phân bố dân cư đô thị
Nhà nước có chính sách và biện pháp cần thiết để hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn; thực hiện việc quy hoạch phát triển đô thị, kết hợp xây dựng đô thị lớn, vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho phân bố dân cư hợp lý
Nhà nước có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tại các đô thị tạo điều kiện về chỗ ở cho người lao động từ nơi khác đến;
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý dân cư, quản lý đô thị, quản lý lao động từ nơi khác đến.
Di cư trong nước và di cư quốc tế
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người di cư hoặc người nhập cư.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chính sách phát triển kinh – xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân nhằm giảm động lực di cư tự phát, giải quyết kịp thời các vấn đề của di cư tự phát theo quy định của pháp luật.
Phân loại đô thị
Nguyên tắc phân loại đô thị
Việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và Chương trình phát triển từng đô thị để quản lý phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội;
Đô thị được quy hoạch và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí của loại đô thị nào thì được xem xét, đánh giá theo loại đô thị tương ứng;
Đánh giá phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai một trong những cơ sở để thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị;
Việc phân loại đô thị được thực hiện bằng phương pháp tính điểm. Điểm phân loại đô thị là tổng số điểm đạt được của các tiêu chí
Phân loại
Theo quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V theo các tiêu chi cơ bản
+ Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cầu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đô thị;
+ Quy mô dân số;
+ Mật độ dân số;
+ Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp;
+ Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Đô thị loại đặc biệt
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội
+ Vị trí, chức năng, vai trò là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước;
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13;
– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5 triệu người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3 triệu người trở lên;
– Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3 nghìn người/ km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12 nghìn người/ km2 trở lên;
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 70% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên;
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13
Đô thị loại I
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội
+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1
– Quy mô dân số:
+ Đô thị là thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1 triệu người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 500 nghìn người trở lên;
+ Đô thị là thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500 nghìn người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 200 nghìn người trở lên;
– Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 2 nghìn người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10 nghìn người/km2 trở lên;
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên;
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ luc 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13;
Đô thị loại II
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội
+ Vị, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh;
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1;
– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200 nghìn người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 100 nghìn người trở lên;
– Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1,8 nghìn người /km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 8 nghìn người/km2 trở lên;
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên;
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1
(Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13)
Đô thị loại III
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội
+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh;
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1;
– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100 nghìn người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50 nghìn người trở lên;
– Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1,4 nghìn người/km2 trở lên; khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7 nghìn người/km2 trở lên.
– Tỷ lệ lao đồng phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên;
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1
(Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 )
Đô thị loại IV
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội;
+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp huyện, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, huyện hoặc vùng liên huyện;
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1;
– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50 nghìn người trở lên, khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20 nghìn người trở lên;
– Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1,2 nghìn người/km2 trở lên; khu vực nội thị (nếu có) tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6 nghìn người/km2 trở lên;
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 70% trở lên;
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1
(Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13)
Đô thị loại V
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội
+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm hành chính hoặc trung tâm tổng hợp cấp huyện hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện hoặc cụm liên xã;
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1
– Quy mô dân số toàn độ thị đạt từ 4 nghìn người trở lên;
– Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1 nghìn người/km2 trở lên; mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 5 nghìn người/km2 trở lên;
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên;
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1
(Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 )
Phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có tính chất đặc thù
– Đô thị là trung tâm du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo thì tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 70% mức quy định; các tiêu chí khác phải bảo đảm mức quy định của loại đô thị tương ứng;
– Đô thị loại III, loại IV và loại V ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia thì tiêu chí quy mô dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu 50% mức quy định; các tiêu chí khác tối thiểu 70% mức quy định của loại đô thị tương ứng;
– Đô thị ở hải đảo thì tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và tiêu chuẩn về kinh tế – xã hội tối thiểu đạt 30% mức quy định của loại đô thị tương ứng
Cách tính mật độ dân số
Công thức
– Mật độ dân số toàn đô thị được tính theo công thức:
D=N/S
D là Mật độ dân số toàn đô thị (người/km2);
N: Dân số toàn đô thị đã tính quy đổi (người);
S là Diện tích đất tự nhiên toàn đô thị (km2)
– Mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị được tính theo công thức:
D1=N1/S1
D1 là Mật độ dân số trong khu vực nội thành, nội thị (người/km2)
N1 là Dân số khu vực nội thành, nội thị đã tính quy đổi (người)
S1 là Diện tích đất xây dựng đô thị trong khu vực nội thành, nội thị không bao gồm các diện tích tự nhiên như núi cao, mặt nước, không gian xanh ( vùng sinh thái, khu dự trữ thiên nhiên được xếp hạng về giá trị sinh học …) và các khu vực cấm không được xây dựng( km2)
Ở Việt Nam tỉnh thành nào có mật độ dân số cao nhất ?
Hiện nay vấn đề về dân số và phát triển của Việt Nam là Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, tác động của quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và mức sinh khác biệt.
Theo dữ liệu thống kê thì dân số hiện tại của Việt Nam là hơn 99 triệu người vào ngày 4 tháng 10 năm 2022. Dân số Việt Nam hiện chiếm 1,24 % dân số thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ.
Mật độ dân số của Việt Nam là 320 người/km2
Với tổng diện tích đất là hơn 310 nghìn km2
Với 38 % dân số sống ở thành thị vào năm 2019
Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 33,3 tuổi
Hiện nay hai tỉnh thành có mật độ dân số cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh là 4.292 người/km2 và Thành phố Hà Nội là 2.398 người/km2.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về mật độ dân số là gì? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.