Bảo vệ an ninh quốc gia là gì

Bảo vệ an ninh quốc gia là gì

An ninh quốc gia là một khái niệm được nhắc nhiều trong các vấn đề chính trị của một đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn có người chưa nắm rõ được khái niệm này. Vậy bảo vệ an ninh quốc gia là gì? Hãy cùng đọc qua bài viết này và tìm hiểu nhé!

Bảo vệ an ninh quốc gia là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật An ninh quốc gia 2004 thì bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

05 nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều 14 Luật An ninh quốc gia 2004 gồm:

– Bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

– Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hoá, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia.

– Bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

– Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia.

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia

Theo Điều 17 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

– Tham gia lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

– Tố cáo hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Phát hiện, kiến nghị với chính quyền hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia khắc phục sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.

– Phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho chính quyền hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia nơi gần nhất.

– Thực hiện yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

– Giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ an ninh quốc gia

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều 18 Luật An ninh quốc gia 2004 như sau:

– Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại mục 1 và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.

– Thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, huy động sức mạnh của cơ quan, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia vào chương trình, kế hoạch và các hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức.

– Giáo dục, động viên mọi thành viên của cơ quan, tổ chức mình và nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.

– Phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia hoặc chính quyền nơi gần nhất.

– Thực hiện yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo vệ an ninh quốc gia

Theo Điều 19 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia của tổ chức, cá nhân.

Bảo vệ an ninh quốc gia là gì
bảo vệ an ninh quốc gia là gì

Chính sách an ninh quốc gia theo luật hiến pháp

Phương hướng phát triển lực lượng công an nhân dân được quy định tại Điều 67 Hiến pháp năm 2013 là:

“Nhà nước xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chổng tội phạm”.

Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để bảo vệ những thành quả của cách mạng, trấn áp những phần tử phản động, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Chính phủ đã ra sắc lệnh số 23 ngày 21/02/1946 về việc thành lập Việt Nam công an vụ thuộc Bộ Nội vụ. Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đều có công lao đóng góp của lực lượng công an nhân dân. Hiện nay tình hình an ninh, trật tự xã hội còn phức tạp. Các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước cấu kết với nhau, ra sức khai thác cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và những sơ hở của Nhà nước ta để chống phá.

An ninh nội bộ, an ninh kinh tế, tư tưởng văn hoá, an ninh biên giới còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở thành phố, thị xã còn nhiều phức tạp, tình hình thất thoát lớn tài sản, tham nhũng, buôn lậu, đạo đức suy đồi… đang là những vấn đề nóng bỏng.

Tình hình trên đòi hỏi nhà nước phải có những chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách có hiệu quả hơn. Riêng đối với công an nhân dân là “lực lượng nòng cốt” trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội càng phải được củng cố và xây dựng nhằm đảm nhiệm trọng trách được giao.

Vì vậy, Nhà nước ta chủ trương “xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tỉnh nhuệ, từng bước hiện đại” (Điều 67 Hiến pháp năm 2013). Chủ trương đó là hoàn toàn phù họp với thực tế của xã hội Việt Nam.

Dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia xâm phạm vào những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của tất cả các quan hệ xã hội khác.

Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là xâm phạm vào an ninh chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: xâm hại sự tồn tại của chính quyền nhân dân, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân…

Khách thể trực tiếp của mỗi loại tội phạm được cụ thể trong từng điều luật như: khách thể của tội phản bội Tổ quốc là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…

Mặt khách quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được biểu hiện bằng những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến các khách thể nêu trên. Tính chất của những hành vi này là nguy hiểm lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội. Đa số các tội xâm phạm an ninh quốc gia được thực hiện bằng hành động, ví dụ, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tội gián điệp, tội khủng bố,…Đa số các tội phạm trong nhóm tội này có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn, tội phản bội Tổ quốc (điều 78), tội hoạt động nhằm lật đổ chỉnh quyền nhân dân (điều 79)…Một số tội phạm đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia khác lại có cấu thành tội phạm vật chất, ví dụ, tội hoạt động phỉ (điều 83), tội khủng bố (điều 84)…

Mặt chủ quan của tội xâm phạm an ninh quốc gia:

+ Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là xâm hại đến độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm hại đến chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thấy trước hành vi đó có thể làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền nhân dân nhưng vẫn mong muốn thực hiện.

+ Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tất cả các tội phạm trong nhóm tội này. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có mục đích chống lại hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt tội xâm phạm an ninh quốc gia với những tội phạm khác có các dấu hiệu của mặt khách quan tương tự.

+ Đông cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Động cơ phạm tội ở các tội này có thể khác nhau (thù hằn giai cấp, vụ lợi,…).

Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.

Làm thế nào để bảo vệ an ninh quốc gia?

Quy định các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia dựa trên khoản 1 điều 15 của Luật an ninh quốc gia năm 2004 gồm có:

Biện pháp vận động quần chúng: là huy động và sử dụng nguồn sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, cơ quan tham gia vào việc bảo vệ trật tự, an ninh quốc gia.

Biện pháp pháp luật: đóng góp, đưa ra các yêu cầu bảo vệ trật tự, an ninh quốc gia vào công trình xây dựng pháp luật, ký kết các giao ước, thỏa thuận quốc tế và hoàn thiện các thể chế.

Biện pháp ngoại giao của quốc gia: là sử dụng toàn bộ khả năng, nguồn lực, điều kiện, cơ chế ngoại giao để thương lượng, thuyết phục, đàm phán, giải quyết tranh chấp quốc tế nhằm phục vụ yêu cầu về bảo vệ an ninh quốc gia

Biện pháp về khoa học – kỹ thuật: đề ra những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, tư duy nhằm chế tạo ra các phương tiện phục vụ cho các yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia.

Biện pháp về nghiệp vụ: theo khoản 7 điều 3 của Luật an ninh quốc gia năm 2004, khái niệm này là biện pháp công tác của các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ an ninh quốc gia được quy định theo pháp luật.

Biện pháp vũ trang: là sử dụng các nguồn lực về lực lượng, vũ khí, phương tiện, công cụ… nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về bảo vệ an ninh quốc gia là gì? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139