Chữ ký số có giá trị pháp lý không?

chữ ký số có giá trị pháp lý không

Cùng với xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động của chính phủ cũng như doanh nghiệp, chữ ký số đang ngày càng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và lựa chọn sử dụng nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu kinh doanh. Hiện tại, Việt Nam đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ để tạo điều kiện cho việc phát triển dịch vụ chữ ký số và sử dụng chữ ký số. Vậy chữ ký số có giá trị pháp lý không? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp được thắc mắc này:

Chữ ký số là gì?

  • Theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP hiện hành, chữ ký số được định nghĩa là:

– một dạng chữ ký điện tử;

– được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng;

  • Theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

– Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; và

– Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Nói dễ hiểu: Chữ ký số hay còn gọi là Token là một thiết bị được mã hóa tất cả các dữ liệu, thông tin của một doanh nghiệp dùng thay cho chữ kí trên các loại văn bản và tài liệu số thực hiện đối với các giao dịch điện tử qua mạng internet.

Các thông tin của doanh nghiệp mà chữ ký số mã hóa 

  • Tên của Doanh nghiệp bao gồm: Mã số thuế, Tên Công ty….
  • Số hiệu của chứng thư số (số seri)
  • Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số
  • Tên của tổ chức chứng thực chữ ký số 
  • Chữ ký số của tổ chức chứng thực chữ ký số.
  • Các thư hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng  số.
  • Các hạn chế về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
  • Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông Tin Truyền Thông.

Công dụng của chữ ký số

Chữ ký số được sử dụng để kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan điện tử, giao dịch chứng khoán điện tử… mà doanh nghiệp không phải in các tờ kê khai, đóng dấu.

Bên cạnh đó, chữ ký số cũng được các doanh nghiệp sử dụng để kí hợp đồng với các đối tác qua internet mà không cần phải gặp nhau.

Chữ ký số là thiết bị đảm bảo tốt, an toàn và chính xác tính bảo mật, toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cho các cá nhân hay cơ quan tổ chức cũng yên tâm hơn với các giao dịch điện tử của mình.

Ngoài ra, chữ ký số còn giúp việc trao đổi dữ liệu giữa cá nhân, tổ chức nhà nước, dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo tính pháp lý, tiết kiệm rất nhiều thời gian, không  mất thời gian đi lại, chờ đợi, không phải in ấn các hồ sơ.

Đặc điểm của chữ ký số

Hình dạng chữ ký số: Chữ ký số có hình dạng như một chiếc USB được gọi là USB Token. USB Token là thiết bị phần cứng dùng để tạo ra cặp khóa công khai và khóa bí mật cũng như lưu trữ thông tin của khách hàng.

Chữ ký số được bảo mật bằng mật khẩu được gọi là mã PIN.

Xin cấp chữ ký số ở đâu

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cung cấp dịch vụ về chữ ký số như: Viettel, VNPT,…. 

Mỗi nhà mạng có những lợi thế riêng. Tùy vào khả năng tài chính, thời hạn sử dụng mà các doanh nghiệp sẽ cân nhắc lựa chọn nhà cung cấp cũng như gói phù hợp với doanh nghiệp. 

Chữ ký số có giá trị pháp lý không?

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã có các quy định tương đối đầy đủ để đảm bảo hiệu lực của giao dịch được xác lập bằng chữ ký số trong những lĩnh vực nhất định.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được xem là giao dịch bằng văn bản, và sẽ có hiệu lực nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung.

Luật Giao dịch Điện tử 2005, được quy định chi tiết bởi Nghị định 130/2018/NĐ-CP, đã có các quy định công nhận hiệu lực của giao dịch được ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Theo điều 24 Luật giao dịch điện tử, giá trị pháp lý của chữ ký số được quy định như sau:

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Giao dịch điện tử và chữ ký điện tử đó có chứng thực.

Còn theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP về thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì:

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.”

Theo luật quy định thì chữ ký số có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, để một chữ ký số được coi là hợp pháp thì chữ ký số đó phải đảm bảo đầy đủ an toàn theo các điều kiện.

Pháp luật về chữ ký số không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Trên cơ sở các văn bản trên, để một giao dịch được ký số trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại có hiệu lực (trừ các giao dịch được loại trừ như đã nêu), các điều kiện sau đây phải được đáp ứng:

  •  Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung theo Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:

– Chủ thể tham gia giao dịch có đầy đủ năng lực và tự nguyện tham gia giao dịch;

– Nội dung và mục đích của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội; 

– Giao dịch phải được lập thành văn bản, công chứng, chứng thực nếu luật có yêu cầu. Liên quan đến điều kiện này, Điều 119.1 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định giao dịch điện tử (bao gồm giao dịch được ký số) phù hợp với pháp luật về giao điện tử được xem là giao dịch bằng văn bản.

  • Các điều kiện đặc thù:

Điều kiện 1: Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

Điều kiện 2: Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia
  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng

Điều kiện 3: Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

Nếu chữ ký số không đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu về an toàn này thì chữ ký số đó không được công nhận giá trị pháp lý. Việc sử dụng những loại chữ ký số này sẽ khiến người dùng có nguy cơ gặp rủi ro về mặt pháp lý do không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, các điều kiện có hiệu lực đặc thù của giao dịch được ký số đã phản ánh được khá toàn diện các yêu cầu kỹ thuật của chữ ký số mà chúng ta đã phân tích. Nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của những Tổ Chức Chứng Thực được cấp phép và ứng dụng các công nghệ đạt tiêu chuẩn thì có thể dễ dàng xác định (i) việc ký số có được thực hiện bằng khoá bí mật của Người Ký, và (ii) mã công khai mà người nhận có được thật sự thuộc về Người Ký.

Luật Trần và Liên Danh là đối tác uỷ quyền phân phối hàng đầu về chữ ký số cho các nhà mạng trên toàn quốc. Bằng kinh nghiệm cung cấp dịch vụ báo cáo thuế cho  khách hàng, chúng tôi luôn lựa chọn dịch vụ chữ ký số tốt nhất. Hãy liên hệ ngay với Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn miễn phí.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi liên quan đến chữ ký số có giá trị pháp lý không theo pháp luật Việt Nam. Xin lưu ý rằng bài viết này không phải là ý kiến pháp lý toàn diện cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Vui lòng tham khảo ý kiến chuyên gia của chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139