Tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Căn cứ pháp lý Điều 158 Bộ luật hình sự

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Phân tích cấu thành tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Khách thể tại Điều 158 Bộ luật hình sự

 Hành vi phạm tội này xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người, của công dân là quyền dân sự cơ bản của con người, của công dân đã được Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 22.

Để xâm phạm khách thể này người phạm tội thực hiện hành vi tác động đến đốitượng tác động của tội phạm là chỗ ở của hợp pháp của người khác, chỗ ở này có thể là nơi ở thường xuyên lâu dài hoặc tạm trú, có thể là nơi ở cố định hoặc di động thuộc sở hữu của họ hoặc cũng có thể là do họ thuê, mượn.

Lỗi của người phạm Tội tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Động cơ và mục đích phạm tội của người thực hiện hành vi phạm tội này rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Hành vi khách quan tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Tội phạm này được thực hiện qua hành động thể hiện dưới dạng hành vi sau:

– Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: Đây là hành vi khám xét, lục soát chỗ ở của người khác để tìm người, đồ vật, tang chứng của hành động phạm pháp mà không được sự đồng ý của họ và trái với các quy định của pháp luật như hành vi của người không có thẩm quyền trong việc khám chỗ ở của người khác đã tự ý vào và khám xét chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của họ hoặc hành vi của người có thẩm quyền trong việc khám xét chỗ ở của người khác nhưng đã khám xét chỗ ở của người khác không chấp hành đúng căn cứ, thẩm quyền và thủ tục khám xét chỗ ở đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại các Điều 192, 193, 195.

– Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: Đây là hành vi của người phạm tội buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở của họ mà không phải là cưỡng chế thi hành quyết định hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền. Người phạm tội thực hiện hành vi bằng các thủ đoạn như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

– Xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác có cấu thành tội phạm hình thức, tội phạm hoàn thành ngay từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá những hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới bị coi là tội phạm, những trường hợp hành vi có tính chất mức độ nguy hiểm không đáng kể thì được xử lý bằng các biện pháp khác. (khoản 4 Điều 8 BLHS năm 2015).

So sánh hành vi khách quan của tội xâm phạm chỗ ở của người khác được mô tả tại Điều 158 BLHS năm 2015 với hành vi khách quan của tội này được mô tả tại Điều 124 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 cho thấy:

– Hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác và hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ được giữ nguyên;

– Hành vi xâm phạm chỗ ở trái pháp luật khác được cụ thể hóa thành 2 dạng hành vi sau:

Thứ nhất: Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ. Người phạm tội dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ. Loại hành vi tội phạm này được bổ sung trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử về tội này trong những năm qua.

Thứ hai: Xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của người khác. Người phạm tội tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp, tức là tự ý vào chỗ ở của người khác mà không được người đó đồng ý. Đây là hành vi mới được bổ sung quy định là tội phạm thể hiện đúng tinh thần và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 nhằm bào vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, là quyền dân sự cơ bản của con người, của công dân. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác để thực hiện tội phạm như giết người hoặc trộm cắp tài sản. Trong trường hợp này người phạm tội có thể phải chịu TNHS về tội xâm phạm chỗ ở của người khác và tội giết người hoặc tội trộm cắp tài sản theo nguyên tắc phạm nhiều tội.

Nội dung những sửa đổi, bổ sung các hành vi khách quan của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là nâng cao tính minh bạch, khả thi, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử được chính xác và không bỏ lọt tội phạm.

Chủ thể tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường tức là người đạt độ tuổi theo quy định và có năng lực TNHS. Trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 158 BLHS năm 2015.

Khung hình phạt

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 Bộ luật hình sự
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 Bộ luật hình sự

Điều 158 Bộ luật hình sự quy định 2 khung hình phạt:

– Khung 1. (khung cơ bản) Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;

– Khung 1. (khung tăng nặng) Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội sau:

+ Có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm được quy định trong khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm tại Điều 158 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139