Thuế giá trị gia tăng (hay còn là thuế VAT) là loại thuế được áp dụng cho hầu hết với các loại hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp. Vì vậy, hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu về thuế giá trị gia tăng là gì, công thức thuế giá trị gia tăng cũng như các nghiệp vụ kế toán liên quan đến loại thuế này là điều vô cùng quan trọng.
Thuế VAT là gì?
Như vậy, thuế GTGT là gì? Thực chất thuế GTGT là một loại thuế gián thu và tiền thuế được cấu thành ngay trong giá cả của hàng hóa và dịch vụ. Do đó, người tiêu dùng chính là người cuối cùng phải chịu thuế và người nộp thuế chỉ là người thực hiện nộp thay cho người tiêu dùng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước. Với đặc điểm này, thuế giá trị gia tăng là loại thuế có phạm vi tác động rộng, được đánh vào hầu hết tất cả các loại hàng hóa dịch vụ có trên thị trường.
Đối tượng chịu thuế GTGT chính là hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động tiêu dùng tại Việt Nam, ngoại trừ một số đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong thuế GTGT có thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào. Vậy thuế giá trị gia tăng đầu ra là gì và thuế giá trị gia tăng đầu vào là gì?
Thuế giá trị gia tăng đầu ra được quy định là số thuế ghi trong hóa đơn đầu ra (tại liên xanh hoặc liên tím) khi đơn vị bán hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng.
Thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định là số thuế ghi trong hóa đơn đầu vào (tại liên đỏ) khi mua hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Thuế suất thuế GTGT
Hiện nay, “thuế VAT bao nhiêu phần trăm và thuế giá trị gia tăng bao nhiêu phần trăm?” cũng là vấn đề thắc mắc của rất nhiều người. Tại Việt Nam, tùy theo từng ngành mà thuế suất GTGT được quy định như sau:
+ Thuế suất GTGT 0%: hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hay vận tải quốc tế
Hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu là: Hoạt động chuyển giao công nghệ hay chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, các dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, các dịch vụ bưu chính viễn thông tại nước ngoài, các sản phẩm xuất khẩu là nguồn tài nguyên hay khoáng sản khai thác chưa trải qua chế biến.
+ Thuế suất GTGT 5%: nước sạch để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Phân bón: Các loại quặng dùng để sản xuất ra phân bón, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, các chất kích thích tăng trưởng cho vật nuôi cây trồng
Các sản phẩm, và dịch vụ nông lâm ngư nghiệp là: Thức ăn cho chăn nuôi gia súc và gia cầm; các sản phẩm trong trồng trọt chăn nuôi thủy sản, các thực phẩm tươi sống chưa trải qua chế biến; các dịch vụ đào đắp hay nạo vét kênh, mương và ao hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nguyên liệu mủ cao su sơ chế; nguyên liệu nhựa thông sơ chế; các sản phẩm bằng chất liệu đay, cói, tre, nứa, lá và rơm; các sản phẩm thủ công khác.
Phụ phẩm trong ngành mía đường như: Gỉ đường hay bã mía và bã bùn.
Máy móc và thiết bị phục vụ cho một số ngành nghề như là:
Ngành nông nghiệp: Các máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ngành y tế: các thiết bị và dụng cụ y tế.
Ngành giáo dục: Các dụng cụ phục vụ cho giảng dạy và học tập.
Ngành văn hóa: Triển lãm và thể dục thể thao hay nghệ thuật, phim ảnh.
Ngành giải trí: Đồ chơi cho trẻ em
+ Thuế suất GTGT 10%: áp dụng đối với các đối tượng chịu thuế không được áp dụng loại thuế suất GTGT 0% và thuế suất GTGT 5%.
Thời hạn nộp thuế GTGT
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo quý:
Theo quy định của Thông tư hợp nhất số 18/VBHN-BTC ban hành ngày ngày 19 tháng 06 năm 2015, thì các thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT như sau:
– Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của quý I: Ngày 30/04 hàng năm.
– Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của quý II: Ngày 30/07 hàng năm.
– Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của quý III: Ngày 30/10 hàng năm.
– Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của quý IV: Thời hạn kê khai thuế GTGT là ngày 30/01 của năm dương lịch sau liền kề.
Thời hạn nộp thuế GTGT mới nhất năm 2019
Theo quy định của khoản 2, Điều 26 tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ban hành ngày 06/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2013 thì hạn nộp thuế GTGT theo quý như sau:
Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế tính thuế hoặc thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
Mức phạt chậm nộp thuế GTGT
Theo quy định của khoản 3, Điều 3 của Luật số 106/2013/QH13, thì mức lãi chậm nộp tiền thuế GTGT sẽ được tính như sau:
Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và trực tiếp
Hiện nay, có 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là: Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Đối tượng áp dụng là: Theo Điều 12 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC, phương pháp tính thuế GTGT khấu trừ được áp dụng cho các đối tượng sau:
Các cơ sở kinh doanh đã thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ theo đúng quy định của pháp luật.
Các cơ sở kinh doanh vẫn đang hoạt động và có doanh thu hàng năm từ việc bán hàng hóa, việc cung ứng dịch vụ ít nhất từ 01 tỷ đồng trở lên và luôn thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn cũng như chứng từ.
Các cơ sở kinh doanh có đăng ký tự nguyện áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế.
Công thức tính thuế giá trị gia tăng như sau:
Số thuế GTGT cần phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó,
Thuế GTGT đầu vào được tính bằng tổng số thuế GTGT đã ghi trên các hóa đơn GTGT khi mua hàng hóa và dịch vụ (bao gồm cả các tài sản cố định) sử dụng cho sản xuất và kinh doanh hàng hóa cũng như dịch vụ chịu thuế GTGT.
Số thuế GTGT đầu ra được tính bằng tổng số thuế GTGT của các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán ra được ghi trên hóa đơn GTGT. Thuế GTGT đã ghi trên hóa đơn được tính theo công thức:
Thuế GTGT được ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế của các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của các loại hàng hóa, dịch vụ đó
Chúng ta cần chú ý: Trong trường hợp có sử dụng chứng từ được ghi giá thanh toán là giá đã báo gồm thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu ra sẽ được xác định là giá thanh toán trừ trừ đi giá tính thuế xác định như dưới đây.
Giá chưa bao gồm thuế GTGT = Giá thanh toán: 1 + thuế suất của các loại hàng hóa, dịch vụ (%)
Từ công thức trên, ta có thể suy ra cách tính giá đã có thuế VAT theo ví dụ như sau:
Chúng ta có một hóa đơn GTGT là 9 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Để tính ra giá gốc của hàng hóa hay dịch vụ và 10% VAT ta chia như sau: Giá gốc = Giá của hóa đơn VAT: 1.1 (đây là áp dụng cho thuế VAT 10%, còn thuế VAT là 5% thì ta chia cho 1,05). Cách tính thuế VAT 10% = Giá gốc * 0.1, trong trường hợp VAT là 5% thì chúng ta nhân 0,05).
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Đối tượng áp dụng là:
Các doanh nghiệp hay hợp tác xã đang hoạt động và có doanh thu hàng năm ít hơn 01 tỷ đồng, trừ các trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế.
Các doanh nghiệp hay hợp tác xã mới được thành lập, trừ các trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế.
Các hộ và cá nhân kinh doanh;
Các tổ chức hay cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam nhưng không theo Luật Đầu tư và những tổ chức khác không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ theo quy định.
Các tổ chức kinh tế khác nhưng không phải là doanh nghiệp hay hợp tác xã, trừ các trường hợp có đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Công thức tính thuế GTGT như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Trong đó:
– Tỷ lệ % xác định để tính thuế giá trị gia tăng theo doanh thu từng loại hàng hóa như sau:
Đối với phân phối và cung cấp hàng hóa là: 1%;
Đối với dịch vụ và xây dựng nhưng không bao thầu về nguyên vật liệu là: 5%;
Đối với sản xuất, vận tải và dịch vụ có gắn với hàng hóa hay xây dựng có thêm bao thầu nguyên vật liệu là: 3%;
Các hoạt động kinh doanh khác là: 2%.
– Doanh thu xác định để tính thuế giá trị gia tăng là tổng số tiền bán các loại hàng hóa và dịch vụ thực tế được ghi trên các hóa đơn bán hàng đối với các loại hàng hóa và dịch vụ chịu thuế GTGT. Trong đó có bao gồm các khoản phụ thu hay phí thu thêm mà các cơ sở kinh doanh được hưởng.
Hướng dẫn kê khai thuế GTGT và cách kê khai bổ sung thuế GTGT
Hướng dẫn kê khai thuế GTGT
Trước khi thực hiện kê khai thuế GTGT các bạn cần phải xác định chính xác xem doanh nghiệp của mình thuộc đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng nào thì mới có thể làm chính xác được. Cụ thể như sau:
Phương pháp kê khai:
Phương pháp tính thuế GTGT khấu trừ.
Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp.
Kỳ kê khai:
Khai thuế GTGT theo quý.
Kê khai thuế GTGT theo tháng.
+ Hướng dẫn cách xác định kê khai thuế GTGT theo quý
Theo điều 15 của Thông tư số 151/2014/TT-BTC quy định:
– Kê khai thuế GTGT theo quý được áp dụng đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu của bán hàng hoá và các hoạt động cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề phải từ 50 tỷ đồng trở xuống.
– Các doanh nghiệp mới thành lập được thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
Sau khi đã hoạt động sản xuất và kinh doanh đủ 12 tháng thì tính từ năm dương lịch liền kề tiếp theo sẽ căn cứ vào mức doanh thu của bán hàng hoá và dịch vụ của năm dương lịch trước đó liền kề (tính đủ 12 tháng) để thực hiện hoạt động khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay là theo quý.
+ Hướng dẫn cách xác định kê khai thuế GTGT theo tháng:
Kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng được áp dụng đối với các doanh nghiệp có mức tổng doanh thu về bán hàng hoá và cung cấp các dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề là trên 50 tỷ đồng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy vấn đề xác định doanh thu bán hàng hóa và cung cấp các dịch vụ năm trước liền kề là điều kiện để xác định doanh nghiệp là đối tượng thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý hay là kê khai thuế GTGT theo tháng.
Doanh thu của bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ được tính dựa trên là Tổng doanh thu của các Tờ khai thuế GTGT tại các kỳ kê khai tính thuế trong năm dương lịch. Doanh thu này bao gồm cả phần doanh thu chịu thuế GTGT và doanh thu không phải chịu thuế GTGT.
Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn có đủ điều kiện và đang thuộc đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý nhưng lại muốn được chuyển sang kê khai thuế theo tháng thì hãy gửi văn bản (Mẫu số 07/GTGT được ban hành kèm theo Thông tư số 151) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp chậm nhất là trong thời hạn để nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng của tháng đầu tiên của năm doanh nghiệp muốn bắt đầu khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.
+ Hồ sơ và thời hạn kê khai thuế GTGT
Nếu doanh nghiệp của bạn đăng ký áp dụng kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừthì hồ sơ kê khai thuế GTGT là mẫu số 01/GTGT và mẫu số 02/GTGT và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Nếu doanh nghiệp của bạn đăng ký áp dụng kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì hồ sơ kê khai thuế GTGT là mẫu số 03/GTGT và mẫu số 04/GTGT và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế chậm nhất là trước thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ đầu tiên.
Ví dụ: Doanh nghiệp của bạn thành lập ngày vào 25/6/2019. Như vậy, nếu thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì phải nộp Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu 01/GTGT cho quý 2/2019 chậm nhất là vào ngày 30/7/2019.
Nếu doanh nghiệp của bạn đang áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp nhưng lại có doanh thu hàng năm hơn 01 (một) tỷ đồng thì có thể chuyển sang phương pháp tính thuế GTGT khấu trừ cho kỳ kê khai thuế tiếp theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 12 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về công thức thuế giá trị gia tăng Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.