Chế định về thừa kế được quy định hết sức cụ thể và đầy đủ trong Bộ luật dân sự 2015. Trong chế định về thừa kế được chia làm hai loại đó là Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các quy định về Thừa kế.
Luật sư Luật Trần và Liên Danh xin tư vấn về trường hợp thừa kế theo pháp luật hay chia thừa kế không có di chúc tới quý khách hàng.
Thừa kế là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì thừa kế là việc thực thi chuyển giao tài sản (Nhà, đất, tiền…) và quyền tài sản (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ…) hoặc các nghĩa vụ (Nợ nần) từ người đã chết sang một cá nhân người khác.
Người nhận thừa kế là người có chung huyết thống với người để lại di sản như Ông – Cháu; Cha Mẹ – Con… và có thể là người không cùng huyết thống nếu người để lại di sản có di chúc có nội dung để lại tài sản.
Vậy thừa kế về nhà đất nghĩa là phần di sản là nhà và đất mà người chết để lại cho những người có huyết thống thừa hưởng hoặc không cùng huyết thống thừa hưởng theo di chúc.
Quyền thừa kế là gì?
– Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Di sản thừa kế là gì?
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì
“Di sản thừa kế là tài sản do người đã chết để lại, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Người thừa kế là gì?
– Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
– Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế và địa điểm mở thừa kế
– Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật dân sự.
– Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Thừa kế theo pháp luật là gì?
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Các trường hợp chia thừa kế theo pháp luật
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
+ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Những người thừa kế theo pháp luật
– Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Chú ý trường hợp thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
+ Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông bà.
+ Chắt thế vị cha hoặc mẹ hưởng di sản của cụ.
Các nguyên tắc khi phân chia di sản thừa kế theo pháp luật
– Một là, thứ tự ưu tiên được chia di sản thừa kế lần lượt từ hàng thừa kế thứ nhất; thứ hai và cuối cùng là hàng thừa kế thứ ba.
Những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo chỉ được hưởng khi không còn ai thuộc hàng thừa kế trước do đã chết; không có quyền hưởng di sản; bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Hai là, trong trường hợp người thừa kế thuộc hàng thừa kế chết hết nhưng họ có con, cháu thì áp dụng thừa kế thế vị cho đối tượng đó chứ chưa chuyển sang hàng thừa kế tiếp theo.
– Thứ ba, di sản sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế. Kể cả người thừa kế đó mới thành thai lúc chia thừa kế mà sinh ra còn sống thì họ cũng được hưởng phần ngang với những người khác trong hàng thừa kế.
Các bước để chia di sản thừa kế theo pháp luật
Bước 1: Xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế
Theo quy định tại Điều 623. Bộ luật dân sự 2015 Thời hiệu thừa kế
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Bước 2: Xác định di sản thừa kế mà người chết để lại
Các tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người để thừa kế, gồm có các loại tài sản như: thu nhập hợp pháp; nhà ở; tư liệu sinh hoạt; của cải để dành; các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại; cũng có thể có cả tài sản thừa kế nhận được từ người khác.…
– Các tài sản thuộc sở hữu chung với người khác: điển hình của dạng tài sản chung này đó chính là tài sản chung của vợ chồng.
Do vậy, khi xác định di sản thừa kế, chúng ta cần xem xét vấn đề người chết là người độc thân hay đã kết hôn, nếu đã kết hôn thì cần phải xem tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung, phần tài sản chung thì pháp áp dụng nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014 (về nguyên tắc chung sẽ là chia đôi nhưng có nhưng có tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập…).
Cần lưu ý:
+ Di sản phải là những tài sản hợp pháp của người chết, còn các tài sản phi pháp sẽ không được chấp nhận để trở thành di sản thừa kế mà tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Tài sản gắn kiền với nhân thân người chết không được coi là di sản thừa kế.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Thứ tự ưu tiên thanh toán Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
- Chi phí cho việc bảo quản di sản.
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
- Tiền công lao động.
- Tiền bồi thường thiệt hại.
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
- Tiền phạt.
- Các chi phí khác.
Bước 4: Phân chia di sản thừa kế
Để trách tranh chấp phát sinh trong việc phân chia di sản sau khi đã thồng nhất việc nhận di sản thừa kế thì nên làm gì
Để phát sinh tranh chấp trong quá trình hưởng di sản thừa kế thì những người hưởng thừa kế nên công chứng văn bản thoản thuận phân chia di sản thừa kế cụ thể được quy định tại Điều 57 của luật công chứng 2014.
Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
– Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
– Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Trên đây là nội dung tư vấn chia thừa kế không có di chúc của chúng tôi. Nếu các bạn đang cần tìm một công ty tư vấn luật uy tín, nhanh chóng và hiệu quả, vui lòng liên hệ với LUẬT TRẦN VÀ LIÊN DANH! để được tư vấn một cách nhanh chóng và tốt nhất!