Tranh chấp thừa kế theo di chúc

tranh chấp thừa kế theo di chúc

Tranh chấp về thừa kế là nội dung tranh chấp tương đối phổ biến trong tranh chấp dân sự, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế, vì nó có liên quan trực tiếp đến lợi ích giữa những người có quyền thừa kế.

Việc giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là một việc tương đối phức tạp và nhạy cảm do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc. Trong phạm vi bài viết này, Luật Trần và Liên Danh xin đưa ra một số kiến thức pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp thừa kế theo di chúc để Quý bạn đọc tham khảo như sau:

Di sản thừa kế

Di sản thừa kế bao gồm:

– Các tài sản thuộc quyền sở hữu của người để thừa kế và thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt và những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ.

– Các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại.

– Các nghĩa vụ về tài sản của người để thừa kế phát sinh do quan hệ hợp đồng, do việc gây thiệt hại hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Một món nợ, một khoản bồi thường thiệt hại v.v…).

Đối với những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được), thì không phải là di sản thừa kế của người đó.

Ví dụ: Các quyền được hưởng trợ cấp thương tật, tiền tuất, trợ cấp vì túng thiếu sau khi ly hôn…chỉ có thể được thực hiện khi người được hưởng quyền còn sống. Nghĩa vụ trợ cấp cho vợ vì túng thiếu sau khi ly hôn chỉ phải thực hiện khi người có có nghĩa vụ còn sống. Vì vậy, các người thừa kế không được hưởng loại quyền tài sản gắn liền với thân nhân người chết, và cũng không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản đó.

Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo di chúc là việc di chuyển di sản thừa kế của một người đã chết cho các người khác theo sự định đoạt của người đó khi còn sống.

Hình thức của di chúc

Di chúc có thể là chúc thư viết hoặc di chúc miệng.

Di chúc viết phải do người có năng lực hành vi dân sự tự nguyện lập ra, được chính quyền địa phương xác nhận. Trong trường hợp đặc biệt, di chúc có thể do cơ quan, đơn vị nơi đương sự làm việc xác nhận.

Nếu người có tài sản đang đi trên phương tiện giao thông hay đang ở trong một cơ sở chữa bệnh mà gặp tình huống phải cấp bách lập di chúc thì sự chứng nhận của người phụ trách của phương tiện giao thông hay cơ sở chữa bệnh cũng được coi là hợp lệ.

Nếu di chúc không có sự chứng nhận hợp lệ, nhưng có người làm chứng bảo đảm, hoặc xác định được di chúc đó đúng là do người có di sản tự nguyện lập ra (như đúng là chữ viết và chữ ký của người có di sản, thời gian và địa điểm ghi trong di chúc cũng phù hợp…) thì cũng có giá trị.

Nếu là di chúc miệng thì phải có người làm chứng bảo đảm.

Người lập di chúc, khi còn sống có quyền thay đổi việc định đoạt tài sản của mình, tức là có quyền bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ di chúc. Cho nên một người chết có thể để lại nhiều bản di chúc. Trong trường hợp này, nếu các bản di chúc có nội dung khác nhau, thì di chúc lập sau cùng có giá trị thi hành. Nếu di chúc lập sau bổ sung hay cụ thể hóa nội dung của di chúc lập trước thì cả hai đều có giá trị.

Di chúc của người không có năng lực hành vi dân sự hoặc di chúc làm ra vì bị đe dọa, áp buộc hoặc di chúc miệng không có người làm chứng, đều không có giá trị.

Trường hợp khó xác định di chúc nào có giá trị thi hành, thì cần đi sâu điều tra để xác định ý chí cuối cùng của người lập di chúc, không kể là di chúc được lập dưới hình thức nào.

Quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc

Thông qua di chúc, người có tài sản có quyền để lại tài sản của mình cho bất cứ ai. Người thừa kế được chỉ định trong di chúc có thể là côn dân, Nhà nước hay một tổ chức xã hội.

Nếu là công dân thì người đó có thể ở trong diện thừa kế theo luật, mà cũng có thể không ở trong diện đó.

Tuy nhiên, nội dung của di chúc phải phù hợp với chính sách và pháp luật. Nếu toàn bộ nội dung của di chúc đều trái với chính sách và pháp luật, thì di chúc không có giá trị. Nếu chỉ có một số điểm không đúng pháp luật, thì chỉ riêng những điểm đó không có giá trị, những điểm khác phù hợp với pháp luật vẫn được thi hành.

Người lập di chúc phải dành lại một phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc (nếu có). Những người thừa kế bắt buộc gồm: Vợ góa hoặc chồng góa, con chưa thành niên hoặc tuy đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bó mẹ già yếu và túng thiếu.

Phần di sản phải dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc, ít nhất là 2/3 suất của thừa kế theo luật.

Nếu di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế bắt buộc hoặc phần dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít hơn 2/3 suất thì phải trích chia cho đủ 2/3.

Sau khi đã trích chia cho những người thừa kế bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu theo di chúc để phân chia số di sản còn lại cho những người được chỉ định trong di chúc, theo tỷ lệ phân quyền của họ.

Di chúc do hai vợ chồng cùng làm để định đoạt tài sản chung, nếu một người chết trước, thì chỉ riêng phần di sản của người đó được thi hành theo di chúc. Người còn sống có quyền giữ nguyên, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình.

Trường hợp người chồng (hoặc người vợ) do không hiểu pháp luật hoặc còn bị ảnh hưởng của phong tục, tập quán cũ, đã định đoạt cả khối tài sản chung của vợ chồng, thì phần tài sản của vợ (chồng) của người chết được tách ra giao cho người đó. Phần còn lại là di sản của người chết sẽ giao cho người được chỉ định tron di chúc.

tranh chấp thừa kế theo di chúc
tranh chấp thừa kế theo di chúc

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế

Theo quy định tại Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Căn cứ quy định tại Điều 35, 38 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Lưu ý:

Đối với những tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế là bất động sản, thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết;

Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp.

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 thì “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể thừ thời hiệu mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Điều 611 BLDS năm 2015).

Thủ tục khởi kiện chia di sản thừa kế là nhà đất

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân.

– Tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện và các giấy tờ liên quan đến vụ án như: Giấy chứng tử của người để lại di sản, bản kê khai các di sản, di chúc (nếu có), giấy tờ về nhà đất, giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thừa kế…

(Nếu không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì người kiện phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền khởi kiện của mình).

Bước 2: Nộp và thụ lý

Hình thức nộp đơn

Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án bằng một trong các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Tòa.

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính (gửi qua bưu điện).

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Tiếp nhận và thụ lý

Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo nếu có), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn một lần không quá 02 tháng (theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Nếu vụ án không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi xét xử có thể xảy ra một số trường hợp như: Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Nếu không có kháng cáo, kháng nghị hoặc giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực. Ngay cả khi bản án có hiệu lực thì không phải trường hợp nào người thua kiện cũng tự nguyện chấp hành mà phải yêu cầu thi hành án (nộp phí thi hành án và đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án).

Cách tính tiền tạm ứng án phí và án phí

Nếu không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí; nếu không nộp tạm ứng án phí thì Tòa sẽ không thụ lý đơn.

Mặt khác, sau khi xét xử thì người thua kiện là người nộp án phí (được quy định rõ trong bản án).

Tạm ứng án phí và án phí được quy định rõ tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Theo đó, tạm ứng án phí và án phí vụ án chia thừa kế nhà đất được tính theo giá trị tài sản có tranh chấp.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung giải quyết tranh chấp thừa kế theo di chúc. Nếu các bạn đang cần tìm một công ty tư vấn luật uy tín, nhanh chóng và hiệu quả, vui lòng liên hệ với LUẬT TRẦN VÀ LIÊN DANH! để được tư vấn một cách nhanh chóng và tốt nhất!

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139