Sau thời gian pháp luật quy định là 3 tháng mà người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu .
Trong một số trường hợp sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc chủ đích mà người lao động có thể không lấy bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động băn khoăn liệu nếu không nhận bảo hiểm thất nghiệp sau 3 tháng thì có mất không? Đội ngũ chuyên viên tư vấn của chúng tôi xin giải đáp vấn đề trên qua nội dung sau đến bạn đọc.
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là một loại bảo hiểm xã hội hỗ trợ người lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động. Từ đó, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm kiếm việc làm dựa trên cơ sở Qũy bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp được coi là chính sách an sinh xã hội hữu ích với người lao động, được coi là một chiếc phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp không bắt buộc với tất cả các đối tượng mà chỉ bắt buộc với các đối tượng được quy định cụ thể tại Luật Việc làm 2013. Theo căn cứ tại điều 43 Luật Việc làm 2013 chỉ rõ hai nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với người lao động trong trường hợp cụ thể khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn; Xác định thời hạn; Theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Đối với người sử dụng lao động cần tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.
Cụ thể: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác; Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động đã nêu.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm, người lao động sẽ được nhận BHTN nếu đáp ứng các điều kiện sau:
1.Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
-
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
-
Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
-
Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
-
Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
-
Chết.
-
Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP nêu rõ, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.
Hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu).
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
– Sổ bảo hiểm xã hội.
Sau khi nộp đủ hồ sơ theo quy định, người lao động quay lại trung tâm dịch vụ việc làm theo ngày ghi trên phiếu hẹn để nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền trợ cấp tháng đầu tiên.
Những tháng sau đó, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.
Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều 50, Luật Việc làm 2013 quy định rõ mức, thời gian và thời điểm hưởng trợ cấp BHTN như sau:
Mức hưởng hàng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013.
Nếu không nhận bảo hiểm thất nghiệp sau 3 tháng thì có mất không?
Như đã đề cập, cơ quan BHXH chỉ giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy sau thời hạn này, quyền lợi của người lao động sẽ thế nào, nếu không nhận bảo hiểm thất nghiệp thì có mất không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“6. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau thời hạn nêu trên, tổ chức bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản với trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thông báo về việc người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bảo hiểm xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định”.
Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định, sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp và không thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH nơi đang hưởng thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Đồng thời, khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH xác định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp
Như vậy, sau 3 tháng, người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.
Nếu người lao động đã hưởng trợ cấp BHTN trước đó thì vẫn sẽ được hưởng BHTN lần tiếp theo nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHTN theo quy định như trên. Tuy nhiên, thời gian người lao động đóng BHTN được tính cho lần hưởng trợ cấp BHTN tiếp theo sẽ không tính những năm người lao động đã hưởng BHTN trước đó mà sẽ tính lại từ đầu.
Kết luận: nếu không nhận bảo hiểm thất nghiệp sau 3 tháng thì BHTN không mất đi mà người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.
Trên đây là một số nội dung trả lời cho câu hỏi nếu không nhận bảo hiểm thất nghiệp thì có mất không, nếu có vấn đề gì thắc mắc về nội dung này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Trần và Liên Danh chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng!