Sự kiện bảo hiểm là gì

Sự kiện bảo hiểm là gì

Sự kiện bảo hiểm là gì? Bảo hiểm đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Một người mua bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mới có thể nhận được tiền bảo hiểm. Bài viết xoay quanh vấn đề về sự kiện bảo hiểm.

Một số nét về bảo hiểm

Bảo hiểm là gì ?

Bảo hiểm là một hoạt động qua đó một cá nhân có quyền được hưởng trợ cấp bảo hiểm nhờ vào một khoản đóng góp cho mình hoặc cho người thứ 3 trong trường hợp xảy ra rủi ro. Khoản trợ cấp này do một tổ chức trả, tổ chức này có trách nhiệm đối với toàn bộ các rủi ro và đền bù các thiệt hại theo các phương pháp của thống kê.

Các nguyên tắc bảo hiểm

+ Nguyên tắc chỉ bảo hiểm sự rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn (Fortuity not certainty): Chỉ bảo hiểm một rủi ro xảy ra bất ngờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của con người chứ không bảo hiểm một cái chắc chắn xảy ra.

+ Nguyên tắc trung thực tuyệt đối (utmost good faith): Tất cả các giao dịch kinh doanh cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trung thực tuyệt đối. Cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các vấn đề.

+ Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm (insurable interest): Quyền lợi có thể được bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Nguyên tắc này chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm.

+ Nguyên tắc bồi thường (indemnity): Theo nguyên tắc bồi thường, khi có tổn thất xảy ra, người bảo hiểm phải bồi thường như thế nào đó để đảm bảo cho người được bảo hiểm có vị trí tái chính như trước khi có tổn thất xảy ra, không hơn không kém. Các bên không được lợi dụng bảo hiểm để trục lợi.

+ Nguyên tắc thế quyền (subrobgation): Theo nguyên tắc thế quyền, người bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba trách nhiệm bồi thường cho mình.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định:

“Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền:

a) Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

b) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

c) Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 35 và khoản 3 Điều 50 của Luật này;

d) Từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ:

a) Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;

b) Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

c) Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

d) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường;

đ) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định:

“Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm có quyền:

a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm;

b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm;

c) Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20 của Luật này;

d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

đ) Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ:

a) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

b) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;

c) Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;

d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Sự kiện bảo hiểm là gì ?

Khoản 10 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định:

“Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.”

Như vậy, có thể hiểu sự kiện bảo hiểm là một sư kiện khách quan xảy ra đáp ứng điều kiện thoả thuận của các bên hoặc được pháp luật quy định và khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Sự kiện bảo hiểm là gì
sự kiện bảo hiểm là gì

Trong mỗi lĩnh vực bảo hiểm khác nhau, sự kiện bảo hiểm được hiểu như sau:

– Bảo hiểm nhân thọ: Sự kiện bảo hiểm gắn liền với sự sống hoặc chết của người được bảo hiểm. Sự kiện bảo hiểm có thể là: Người được bảo hiểm gặp rủi ro về thương tật, tai nạn, bệnh hiểm nghèo…

– Bảo hiểm phi nhân thọ: Sự kiện bảo hiểm là những rủi ro khách quan gây thiệt hại đến đối tượng bảo hiểm (như tài sản, sức khỏe…) của người tham gia bảo hiểm được thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm trước khi ký kết.

– Bảo hiểm bắt buộc: Sự kiện bảo hiểm do pháp luật quy định, có hiệu lực với các bên thực hiện ký kết hợp đồng.

– Bảo hiểm tự nguyện: Sự kiện bảo hiểm do doanh nghiệp nhận bảo hiểm và người tham gia thỏa thuận và quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều kiện để một sự kiện trở thành sự kiện bảo hiểm

Sự kiện bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện là khách quan. Yếu tố khách quan hàm ý rằng đó là những sự kiện xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.

Sự kiện bảo hiểm là những sự kiện xảy ra hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

Và sự kiện bảo hiểm phải là những sự kiện được các bên thống nhất trước trong hợp đồng bảo hiểm hoặc do pháp luật qui định.

Bên mua bảo hiểm phải làm gì khi phát sinh sự kiện bảo hiểm?

Trước hết, hãy thông báo về phía công ty bảo hiểm đang tham gia thông qua các đại lý bảo hiểm hoặc các trung tâm phục vụ khách hàng để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời ngay khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Sau khi báo về phía công ty và được tiếp nhận thông tin thì đại lý bảo hiểm phụ trách hợp đồng bảo hiểm sẽ trực tiếp hướng dẫn hoàn tất các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của công ty để được nhận tiền bồi thường. Còn đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ (khác bảo hiểm nhân thọ), như bảo hiểm xe ô tô, tài sản,… thì phải thông báo cho công ty bảo hiểm ngay sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (tai nạn) để kịp giám định tổn thất làm căn cứ cho việc bồi thường từ phía công ty bảo hiểm.

Về thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường, theo Điều 28 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định:

“Điều 28. Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm là một năm, kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm chứng minh được rằng bên mua bảo hiểm không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày bên mua bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.

Trong trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.”

Như vậy, thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm sẽ là một năm tính từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Khi hết thời hạn một năm bên mua bảo hiểm không có yêu cầu gì thì sẽ không được trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan. Hoặc trong trường hợp bên mua bảo hiểm không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm là khi nào và chứng minh được với bên bảo hiểm thì thời gian xảy ra bảo hiểm được tính khi bên mua bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm. Còn với trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn là 01 năm được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.

Theo Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về thời hạn trả tiền hoặc bồi thường quy định:

“Điều 29. Thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; trong trường hợp không có thoả thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.”

Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền hoặc bồi thường cho bên mua bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc nếu không có thoả thuận thì thời hạn tối đa là 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền hoặc bồi thường bảo hiểm.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi  công ty luật Trần và Liên Danh về thắc mắc sự kiện bảo hiểm là gì? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139