Hợp đồng học nghề, học việc, thực tập là gì? Cách soạn Hợp đồng học việc, học nghề, thực tập sinh như thế nào? … Luật Trần và Liên Danh phân tích cụ thể như sau:
Người lao động hoặc những thực tập sinh khi tiến hành làm việc hay thực tập ở doanh nghiệp thì sẽ phải trải qua quá trình học việc để tích lũy những kiến thức kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc của mình. Do đó bên cạnh những Hợp đồng như Hợp đồng thử việc, Hợp đồng lao động, giữa bên tuyển dụng là công ty, cơ quan, tổ chức,… với bên được tuyển dụng là các sinh viên, người muốn tìm kiếm một công việc,.. còn phát sinh những hợp đồng khác như Hợp đồng học nghề, học việc hay thực tập sinh.
Hợp đồng học nghề
Hợp đồng học nghề là gì?
Đào tạo nghề là một trong những bước cơ bản để người lao động có kiến thức, ký năng tham gia thị trường lao động, là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mẫu hợp đồng học nghề là hợp đồng được lập ra và ký kết giữa một bên là trung tâm đào tạo nghề và một bên là học viên theo học thỏa thuận ký kết một số điều khoản theo quy định.
Và căn cứ theo Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
“1. Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí làm việc tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Người học nghề, người tập nghề phải đủ từ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Trong thời gian học nghề, tập nghề nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.”
Quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014, thì Hợp đồng đòa tạo nghề có thể giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia quan hệ đào tạo nghề.
Nội dung cần có trong hợp đồng học nghề
– Tên nghề học, kỹ năng nghề đạt được;
– Nơi học và nơi thực tập;
– Thời gian hoàn thành khóa học;
– Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
– Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp; thì hợp đồng học nghề ngoài những nội dung quy định ở trên thì còn có các nội dung sau:
– Cam kết của người học nghề về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
– Cam kết của doanh nghiệp về giao kết hợp đồng lao động sau khi học xong;
– Trả công cho người học nghề trực tiếp; hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian học nghề.
Hợp đồng học nghề được giao kết trực tiếp giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề. Hợp đồng phải giao kết bằng văn bản trong trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp; học nghề tại cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Khi giao kết bằng văn bản thì hợp đồng học nghề được lập thành hai bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một bản.
Mẫu hợp đồng học nghề
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
HỢP ĐỒNG HỌC NGHỀ Số:…../HĐHN Hợp đồng học nghề (Sau đây gọi là “Hợp đồng”) này được lập ngày … tháng 1…. năm 20… tại Trụ sở chính Công ty cổ phần Vinh Hoa. Chúng tôi gồm có: BÊN DẠY NGHỀ (BÊN A): Công ty cổ phần Vinh Hoa Địa chỉ: Số 8 đường B, Thành phố W. Điện thoại: 026xxx749 Email: congtycophan@vinhhoa.com Do bà: Dương T Chức vụ: Tổng giám đốc làm đại diện. BÊN HỌC NGHỀ (BÊN B): Họ và tên: An Vũ T Sinh: ngày 1 tháng 4 năm 2000 Trình độ văn hóa: Đại học Hộ khẩu thường trú tại: T01, đường 23, thành phố W. Chỗ ở hiện nay: T01, đường 23, thành phố W. Điện thoại: 065xxx837 CCCD: 0421xxxx0651 Cấp ngày 11 tháng 12 năm 2019, Tại CA tp.W Hai bên cùng thỏa thuận ký hợp đồng với những nội dung sau: ĐIỀU 1: NGHỀ HỌC VÀ ĐỊA ĐIỂM HỌC 1.1. Công ty đào tạo nghề chăm sóc khách hàng cho chị An Vũ T theo đúng hợp đồng số 516 từ ngày …. tháng …. năm 20… đến ngày … tháng …. năm 20….. 1.2. Địa điểm học: Tại trụ sở Công ty cổ phần Vinh Hoa số 8 đường B thành phố W. ĐIỀU 2: CHẾ ĐỘ HỌC NGHỀ 2.1. Thời gian học nghề: 3 tháng (Bằng 12 tuần) 2.2. Thời gian học trong ngày: Sáng từ: 8h30 đến 11h30 Chiều từ: 14h00 đến 17h00 2.3. Chế độ nghỉ thứ 7, chủ nhật và tất cả các ngày Lễ Tết theo quy định của Nhà nước. 2.4. Học sinh được cấp phát a) Thẻ học viên. b) Tài liệu học tập: Đại cương và chuyên ngành 2.5. Người học được học trong điều kiện an toàn và vệ sinh theo quy định hiện hành của Nhà nước. ĐIỀU 3: QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN B 3.1. Nghĩa vụ của bên B: a) Bên B phải làm đầy đủ thủ tục nhập học và đóng học phí theo quy định mới được vào học. b) Trong học tập tuyệt đối chấp hành nội quy của lớp, quy chế của trung tâm và quy định của pháp luật. Nếu vi phạm phải bồi thường toàn bộ học phí của khóa học và những tổn thất gây ra, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 3.2. Quyền của bên B: a) Học viên có quyền đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng để đảm bảo quyền lợi cho mình và xây dựng trung tâm ngày càng phát triển. b) Người nhập học hoặc đang học nếu vì lý do nào đó mà chưa tham gia học được thì công ty sẽ xét để bảo lưu và được học lại (Thời gian bảo lưu không quá 03 tháng). c) Bên B được học tập lý thuyết và thực hành nghề đảm bảo đủ thời gian, nội dung chất lượng theo chương trình của trung tâm đã đề ra theo quy định. d) Bên B được kiểm tra trình độ lý thuyết, tay nghề và được cấp chứng chỉ theo quy định. Những học viên có kết quả học tập tốt có nguyện vọng sẽ được tiếp tục đăng ký học các lớp học nâng cao. ĐIỀU 4: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN A 4.1. Nghĩa vụ Thực hiện đầy đủ những điều kiện cần thiết đã cam kết trong hợp đồng đào tạo nghề để bên B học tập đạt hiệu quả, bảo đảm theo hợp đồng đã ký. 4.2. Quyền hạn Bên A có quyền điều chuyển bên B giữa các lớp và thay đổi, tạm hoãn, kỷ luật và chấm dứt hợp đồng với các trường hợp bên B vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật. Học viên được hoặc phải chấm dứt hợp đồng đào tạo nghề trước thời hạn trong các trường hợp (có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và có căn cứ rõ ràng) sau đây: – Đi nghĩa vụ quân sự – Lý do sức khỏe – Vi phạm pháp luật của Nhà nước và quy chế của trung tâm đào tạo ĐIỀU 5: ĐIỀU KHOẢN CHUNG 5.1. Những thỏa thuận khác: Sẽ được bổ sung trong quá trình thực hiện hợp đồng. 5.2. Hợp đồng đào tạo nghề có hiệu lực từ ngày …. tháng …. năm 20…. đến ngày … tháng …. năm 20… Hợp đồng đào tạo nghề được lập thành 02 bản mỗi bên giữ 01 bản và có giá trị pháp lý như nhau.
|
Hợp đồng học việc tại doanh nghiệp
Hợp đồng học việc là gì?
Hợp đồng học việc là sự thỏa thuận bằng văn bản của người có nhu cầu học việc với tổ chức, cá nhân nhằm mục đích được hướng dẫn, học việc dưới sự quản lý của bên tổ chức, cá nhân hướng dẫn.
Hiện nay thì pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể về hợp đồng học việc, do đó hợp đồng này có thể được xem xét dưới hình thức hợp đồng đào tạo, hợp đồng học nghề.
Tuy không có quy định về hợp đồng học việc nhưng cũng cần đảm bảo không trái quy định pháp luật:
– Người học việc phải từ đủ 14 tuổi trở lên, có sức khỏe phù hợp để thực hiện công việc
– Trong hợp đồng đảm bảo nội dung về việc được học, nơi học việc, thời gian học việc, chi phí học việc, trách nhiệm của người hướng dẫn, người học việc.
– Bên tổ chức, cá nhân hướng dẫn sẽ cung cấp các trang thiết bị, điều kiện để bên học việc có thể có những kiến thức và kỹ năng cần thiết sau khi hoàn thành khóa học việc.
Quyền lợi của học viên trong thời gian học việc
Trong thời gian học việc tại Doanh nghiệp, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi như:
– Không phải đóng học phí khi được tuyển vào học việc để làm việc cho doanh nghiệp
– Trong thời gian học việc, nếu người học việc trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được doanh nghiệp trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận
– Được tạo điều kiện tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
– Hết thời gian học việc, được ký kết hợp đồng lao động khi đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, người học việc cũng cần lưu ý, khi doanh nghiệp tuyển người vào học việc để làm việc tại doanh nghiệp, nếu người học việc không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí theo thỏa thuận hoặc xác định trong hợp đồng học việc (Điều 61 Bộ luật Lao động 2019).
Nghĩa vụ, quyền hạn và quyền lợi của người học việc
– Nghĩa vụ:
Người học phải làm đầy đủ thủ tục nhập học và đóng học phí theo quy định mới được vào học
Trong học tập tuyệt đối chấp hành nội quy của lớp học, quy chế của Công ty và quy định của pháp luật. Nếu vi phạm phải bồi thường toàn bộ học phí của khóa học và những tổn thất gây ra, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
– Quyền hạn:
Học viên có quyền đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng để đảm bảo quyền lợi cho mình và xây dựng Công ty ngày càng phát triển.
Người nhập học hoặc đang học mà vì lý do nào đó mà chưa tham gia học được thì Công ty sẽ xét để bảo lưu và được học lại.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về hợp đồng học nghề. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.