Chứng thực là hoạt động mà có lẽ hầu hết mọi công dân đều đã từng thực hiện thủ tục này với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, khi được hỏi về chứng thực thì rất nhiều người có sự nhầm lẫn với hoạt động công chứng. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp đến bạn đọc một số quy định về chứng thực, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Chứng thực là gì?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể khái niệm chứng thực là gì, tuy nhiên thông qua các quy định của pháp luật tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, chúng ta có thể hiểu chứng thực là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận cho các yêu cầu, giao dịch dân sự của người có yêu cầu chứng thực, qua đó đảm bảo tính chính xác, hợp lệ, hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, nội dung giao dịch, và giao dịch.
Hoạt động chứng thực bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính, Chứng thực chữ ký và Chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Đối tượng chứng thực gồm những gì?
Theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định các đối tượng chứng thực bao gồm:
+ Chứng thực bản sao từ sổ gốc hay còn gọi là cấp bản sao từ sổ gốc là việc cơ quan, tổ chức đang thực hiện quản lý hồ sơ sổ gốc căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho cá nhân có nhu cầu. Bản sao khi được cấp từ sổ gốc phải đúng với nội dung được ghi trong sổ gốc.
+ Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc chứng thực bản sao đúng với bản chính dựa trên căn cứ là bản chính của người có yêu cầu.
+ Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện chứng thực chữ ký trong các văn bản, tài liệu, giấy tờ là chữ ký của người có yêu cầu chứng thực.
+ Chứng thực các hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thực hiện chứng thực về các nội dung như địa điểm, thời gian các bên đã giao kết hợp đồng; về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chứng thực chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên khi tham gia ký kết trong hợp đồng, giao dịch cần chứng thực.
Các loại chứng thực?
Theo các quy định tại nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 02 năm 2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, bao gồm các loại chứng thực sau:
– Chứng thực bản sao từ bản chính;
– Chứng thực chữ ký;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch;
Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực thuộc về các cơ quan sau đây:
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp)
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
– Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thực hiện chứng thực các việc quy định nêu trên, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã)
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
– Chứng thực di chúc;
– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản, quyền sử dụng đất, nhà ở.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Lưu ý: Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.
Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện)
Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
– Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
Công chứng viên
Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch.
Công chứng viên ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).
Giá trị pháp lý của văn bản chứng thực?
Các văn bản khi được chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giá trị pháp lý của các văn đó được quy định như sau:
+ Đối với các văn bản là bản sao được cấp từ sổ gốc và các văn bản là bản sao được chứng thực từ bản chính sẽ có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giấy tờ của các giao dịch liên quan.
+ Đối với trường hợp chứng thực chữ ký có giá trị chứng minh của người có yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, đồng thời là căn cứ để xác định các trách nhiệm của người đã thực hiện ký các văn bản, giấy tờ.
+ Đối với chứng thực các hợp đồng, giao dịch sẽ có giá trị chứng minh về các nội dung ghi nhận trong hợp đồng như: địa điểm, thời gian, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện của các bên trong hợp đồng, giao dịch, chữ ký,…
Vậy nên, tùy thuộc vào từng văn bản mà người có yêu cầu chứng thực tại cơ quan nhà nước sẽ có giá trị pháp lý khác nhau.
Một số quy định mới về chứng thực
Theo đó, có một số điểm mới về chứng thực bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/4/2020. Cụ thể như sau:
04 trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền
Theo đó, việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
– Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
– Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
– Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
– Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân
Cụ thể, việc chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân được quy định như sau:
– Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
– Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
– Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.
– Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
Bổ sung cách ghi số chứng thực chữ ký và số chứng thực hợp đồng, cụ thể:
– Số chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ, văn bản cần chứng thực chữ ký; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực;
– Số chứng thực hợp đồng được ghi theo từng việc; không lấy số theo lượt người yêu cầu hoặc theo số bản hợp đồng
07 mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận một cửa áp dụng từ 20/4/2020
Theo đó, 07 mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gồm:
– Lời chứng chứng thực hợp đồng
– Lời chứng chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản
– Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp một người khai nhận di sản)
– Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản)
– Lời chứng chứng thực di chúc
– Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp một người từ chối nhận di sản)
– Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản).
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về quy định về chứng thực Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.