Phác đồ điều trị thủy đậu

Phác đồ điều trị thủy đậu

Bệnh thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng. Đối tượng mắc bệnh có thể là cả người lớn và trẻ em. Một số loại thuốc có công dụng trong điều trị bệnh thủy đậu đối với đối tượng là trẻ em. Vì thế cha mẹ cần nắm rõ thông tin, thành phần và cách sử dụng cũng như phác đồ điều trị thủy đậu để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tổng quan về bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm xuất hiện trên da được gây ra bởi virus Varicella Zoster. Thời điểm thường mắc bệnh thủy đậu là vào mùa xuân với đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu cũng có thể gặp ở đối tượng là người lớn, đặc biệt với phụ nữ có thai.

Bệnh thủy đậu có tốc độ lây truyền nhanh chóng, truyền trực tiếp từ người này sang người kia. Con đường lây truyền bệnh thủy đậu thường qua không khí, người khỏe mạnh sẽ bị bệnh khi tiếp xúc với nước bọt từ người bị bệnh thủy đậu khi họ hắt hơi, ho,… Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây từ những vết thương bị bỏng khi chúng vỡ ra hoặc những vùng da tổn thương, lở loét từ người bị bệnh thủy đậu. Đặc biệt, đối với phụ nữ đang trong thời gian mang thai bị thủy đậu thì có nguy cơ lây truyền cho thai nhi rất cao thông qua nhau thai.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát: xuất hiện những dấu hiệu triệu chứng như sốt, đau nhức đầu, đau mỏi cơ,… Đặc biệt, đối với trẻ em bị bệnh thủy đậu thì thường không có dấu hiệu lâm sàng cụ thể cảnh báo bệnh.

Giai đoạn phát bệnh: xuất hiện nổi những “nốt rạ” trên cơ thể của người bệnh. Đặc điểm của nốt rạ này là kích thước nhỏ hình tròn xuất hiện trong thời gian từ 12 đến 24 tiếng đồng hồ. Theo thời gian thì chúng sẽ phát triển thành các mụn nước và bóng nước. Những nốt rạ này có thể xuất hiện khắp cơ thể hoặc xuất hiện rải rác vài vị trí trên cơ thể. Ở người bệnh bị thủy đậu thì thường số lượng trung bình khoảng 100 đến 500 nốt. Trong nốt rạ có thể chứa virus nên khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có trong nốt rạ sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh thủy đậu. Đối với trường hợp mụn nước tự khô biến thành vảy sẽ tự hết trong khoảng từ 4 đến 5 ngày. Thông thường, trẻ em bị mắc bệnh thủy đậu trong thời gian từ 5 đến 10 ngày.

Hướng dẫn chuẩn đoán bệnh thủy đậu theo quy định của Bộ Y tế?

Căn cứ theo Tiểu mục 3 Mục 3 Bệnh Thủy Đậu tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm được ban hành kèm theo Quyết định 5642/QĐ-BYT năm 2015.

Chuẩn đoán bệnh thủy đậu theo quy định của Bộ Y tế bao gồm 04 bước và được hướng dẫn cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Lâm sàng

– Giai đoạn ủ bệnh dao động từ 10 đến 21 ngày, thường 14-17 ngày.

– Giai đoạn tiền triệu thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C kéo dài 3 đến 5 ngày.

– Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.

+ Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.

+ Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.

+ Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày; trên mỗi vùng da có thể có mặt tất cả các giai đoạn của ban – dát sẩn, phỏng nước và vảy.

+ Tổn thương thủy đậu có thể gặp cả ở niêm mạc hầu họng và/hoặc âm đạo.

+ Số lượng và mức độ nặng của ban rất khác biệt giữa các người bệnh. Trẻ nhỏ thường có ít ban hơn so với trẻ lớn hơn; các ca bệnh thứ cấp và tam cấp trong gia đình thường có số lượng ban nhiều hơn.

Người suy giảm miễn dịch – cả trẻ em và người lớn, nhất là người bệnh ung thư máu – thường có nhiều tổn thương hơn, có xuất huyết ở nền nốt phỏng, tổn thương lâu liền hơn so với người không suy giảm miễn dịch.

Người suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ cao hơn bị các biến chứng nội tạng (xuất hiện ở 30-50% số ca bệnh); tỷ lệ tử vong có thể lên tới 15% khi không có điều trị kháng virus.

Giai đoạn 2: Cận lâm sàng

Công thức máu: bạch cầu bình thường, có thể giảm như trong các bệnh nhiễm virus khác.

Sinh hóa máu: có thể có tăng men gan.

Giai đoạn 3: Chẩn đoán xác định

– Chẩn đoán thủy đậu chủ yếu dựa trên lâm sàng và không cần xét nghiệm khẳng định. Ban thủy đậu đặc trưng dạng phỏng nhiều lứa tuổi rải rác toàn thân ở người bệnh có tiền sử tiếp xúc với người bị thủy đậu là những gợi ý cho chẩn đoán.

– Các xét nghiệm khẳng định thủy đậu không sẵn có trong lâm sàng và rất ít khi được sử dụng; bao gồm:

+ Xét nghiệm dịch nốt phỏng: Lam Tzanck tìm tế bào khổng lồ đa nhân, PCR xác định ADN của Herpes zoster, v.v…

+ Xét nghiệm huyết thanh học: xác định chuyển đảo huyết thanh hoặc tăng hiệu giá kháng thể với Herpes zoster, v.v…

Giai đoạn 4: Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt thủy đậu với một số bệnh có phát ban dạng phỏng nước như bệnh tay chân miệng liên quan tới Enterovirus, bệnh do Herpes simplex, viêm da mủ và một số bệnh khác.

Bệnh tay chân miệng do Enterovirus cũng có ban dạng phỏng nước, có cả ở niêm mạc (miệng, họng) như thủy đậu. Tuy nhiên ban trong tay chân miệng có dạng nhỏ hơn, phân bố tập trung ở tay chân và mông, có cả ở lòng bàn tay và bàn chân.

Ban do Herpes simplex thường tập trung ở các vùng da chuyển tiếp niêm mạc quanh các hốc tự nhiên, không phân bố ở toàn bộ cơ thể như thủy đậu.

Phác đồ điều trị thủy đậu
phác đồ điều trị thủy đậu

Hướng dẫn điều trị bệnh thủy đậu theo quy định của Bộ Y tế?

Theo Tiểu mục 4 Mục 3 Bệnh Thủy Đậu tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm được ban hành kèm theo Quyết định 5642/QĐ-BYT năm 2015.

Hướng dẫn điều trị bệnh thủy đậu được thực hiện như sau:

Thứ nhất: Nguyên tắc điều trị

Điều trị thủy đậu ở người miễn dịch bình thường chủ yếu là điều trị hỗ trợ, bao gồm hạ nhiệt và chăm sóc tổn thương da. Điều trị kháng virus Herpes có tác dụng giảm mức độ nặng và thời gian bị bệnh, đặc biệt có chỉ định đối với những trường hợp suy giảm miễn dịch.

Thứ hai: Điều trị kháng virus

– Acyclovir uống 800 mg 5 lần/ngày trong 5-7 ngày; trẻ dưới 12 tuổi có thể dùng liều 20 mg/kg 6 giờ một lần. Điều trị có tác dụng tốt nhất khi bắt đầu sớm, trong vòng 24 giờ đầu sau khi phát ban.

– Người bệnh suy giảm miễn dịch nặng, thủy đậu biến chứng viêm não: ưu tiên acyclovir tĩnh mạch, ít nhất trong giai đoạn đầu, liều 10-12,5 mg/kg, 8 giờ một lần, để làm giảm các biến chứng nội tạng. Thời gian điều trị là 7 ngày. Đối với người bệnh suy giảm miễn dịch nguy cơ thấp có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng virus uống.

Thứ ba: Điều trị hỗ trợ

– Điều trị hạ nhiệt bằng paracetamol, tránh dùng aspirin để ngăn ngừa hội chứng Reye.

– Điều trị kháng histamin nếu người bệnh ngứa tại nơi tổn thương da.

– Chăm sóc các tổn thương da: làm ẩm tổn thương trên da hàng ngày, bôi thuốc chống ngứa tại chỗ, ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn bằng thuốc sát khuẩn tại chỗ (như các thuốc chứa muối nhôm acetat).

– Điều trị hỗ trợ hô hấp tích cực khi người bệnh bị viêm phổi do thủy đậu.

– Điều trị kháng sinh khi người bệnh thủy đậu có biến chứng bội nhiễm tổn thương da hoặc bội nhiễm tại các cơ quan khác.

Các thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

Một số loại thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em đó là:

Thuốc hạ sốt

Khi bị nhiễm virus thủy đậu, thân nhiệt của người bệnh sẽ tăng lên. Sốt là dấu hiệu triệu chứng thường gặp đầu tiên trong những ngày đầu phát bệnh. Vì thế, thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em đầu tiên được bác sĩ chỉ định sử dụng là thuốc hạ sốt.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng thuốc hạ sốt chỉ được dùng cho trẻ em khi bị sốt trên 38,5 độ C. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 6 giờ và không uống thuốc liên tục trong thời gian từ 5 đến 7 ngày.

Các loại thuốc giảm ngứa

Người bị thủy đậu có thể xuất hiện cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng ngứa gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Khi những người bị thủy đậu bị ngứa nhiều và gãi mạnh có thể để lại sẹo và gây nhiễm trùng thứ phát. Lúc này, bác sĩ điều trị có thể sử dụng các loại thuốc kháng Histamin có tác dụng giảm ngứa.

Thuốc kháng virus

Trong điều trị thủy đậu ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng virus có tên là Acyclovir. Công dụng của thuốc Acyclovir là làm giảm nhanh tình trạng nhiễm trùng thứ phát, từ đó, ngăn chặn bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Thuốc kháng virus chủ yếu sử dụng cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch hay những người phụ nữ có thai,… Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Các loại thuốc kháng sinh

Trong trường hợp điều trị thủy đậu cho trẻ em có kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng, các vết loét trên da bị sưng, đau và có mủ thì sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh. Tương tự như sử dụng các thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ điều trị bệnh. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ em sử dụng các thuốc kháng sinh.

Thuốc bôi hay các loại thuốc sát trùng ngoài da

Khi bị bệnh thủy đậu, trên bề da sẽ xuất hiện những nốt mụn nước. Mụn nước này có thể vỡ vào bất kỳ thời điểm nào và nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, viêm và loét da. Do đó, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, người bị thủy đậu có thể sử dụng đồng thời các loại thuốc bôi hay các thuốc sát trùng ngoài da.

Lưu ý là thuốc bôi sát trùng ngoài da có thể gây ngứa ngáy đối với một số người cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng. Khi bôi thuốc trên diện rộng thì có thể gây ra mất thẩm mỹ.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về phác đồ điều trị thủy đậu. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139