Pháp luật dân sự Việt Nam không quy định chi tiết các mức và hướng dẫn cách tính bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, như trường hợp sức khỏe của một cá nhân bị xâm phạm, người xâm phạm phải bồi thường thiệt hại với số tiền cụ thể là bao nhiêu hoặc bồi thường thiệt hại theo công thức tính như thế nào hoặc theo một khung nào thì không có quy định cụ thể.
Thay vào đó, pháp luật dân sự Việt Nam quy định những nguyên tắc làm cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại, và được phân biệt thành bốn nhóm thiệt hạ: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phẩm. Do đó, các mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định như sau:
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
+ Là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc hợp đồng mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.
+ Thiệt hại không chỉ là nền tảng cơ bản mà còn là điều kiện bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trường hợp bên bị vi phạm được quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại xảy ra không phải do vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo Bộ luật dân sự 2015, điều kiện xảy ra bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là:
– Có thiệt hại thực tế xảy ra (thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp)
– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật (xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác)
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
Ngoài ra, khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần quan tâm đến yếu tố lỗi các bên. Lỗi của người vi phạm là là một trong những điều kiện có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt thiệt hại chứ không phải là yếu tố bắt buộc. Theo Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, trong một số trường hợp người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình, ví dụ trong một số trường hợp phải bồi thường thiệt hại do súc vật hoặc cây cối gây ra.
Về nguyên tắc BTTH ngoài hợp đồng
Nếu như BLDS năm 2005 nêu ra 3 nguyên tắc cơ bản về BTTH ngoài hợp đồng, được quy định tại Điều 605 thì BLDS năm 2015 chỉ ra 5 nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc:
– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
So với BLDS năm 2005, BLDS 2015 quy định độ tuổi để cá nhân phải tự bồi thường vẫn là từ đủ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, trường hợp bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra được thay đổi về chủ thể chịu trách nhiệm khi BLDS 2005 quy định ngoài trường học, bệnh viện thì có các tổ chức khác; còn ở BLDS 2015 có trường học, bệnh viện và tổ chức khác thì được thay thế bằng pháp nhân khác.
BLDS 2015 đã quy định phạm vi của chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp này hẹp hơn, pháp nhân là một chủ thể cụ thể, được thành lập hợp pháp và có đủ điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật này.
Trong khi đó, tổ chức khác có thể là bất cứ một tổ chức đông người, có cùng mục đích, hoạt động cùng nhau và có thể không có sự ràng buộc giữa cá nhân với tổ chức.
Quy định này có thể được coi là một thay đổi tích cực vì với những tổ chức không có quy mô, cơ cấu rõ ràng thì tài sản của tổ chức có thể không cố định, không đảm bảo được việc chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra, gây có khó khăn khi phải chịu trách nhiệm và có thể thiệt thòi cho những người bị thiệt hại.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 586 BLDS 2015 quy định thêm đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Đây cũng được coi là sự thay đổi tích cực khi quy định thêm đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mặc dù là một trong những chủ thể bị hạn chế thực hiện các giao dịch dân sự nhưng cũng không thể loại bỏ trách nhiệm khi người này gây ra thiệt hại và phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.
Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Điều 588 BLDS 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. (Điều 607, BLDS năm 2005 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm).
Xác định mức thiệt hại phải bồi thường
Thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, mồ mả…có những căn cứ riêng để xác định mức thiệt hại.
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Người chịu trách nhiệm bồi thường phải đền bù những khoản sau đây:
– Giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoặc bị hư hỏng
– Giá trị phần lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút do hành vi gây thiệt hại
– Chị phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có)
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác phải bồi thường những khoản sau đây:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại hoặc mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị
– Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc
– Khoản bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu theo thỏa thuận hoặc không quá năm mươi lần mức lương cơ sở
– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Người xâm phạm đến tính mạng người khác phải có trách nhiệm bồi thường các chi phí sau đây:
– Tất cả chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như trên phần 2.2 bài viết
– Chi phí hợp lý do việc mai táng
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (VD: con chưa thành niên của người bị chết)
– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại theo thỏa thuận hoặc không quá 100 lần mức lương cơ sở.
Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này
– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm các khoản chi phí sau:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Thu nhập thực tế bị gảm sút của người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín
– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu theo thỏa thuận hoặc không quá 10 lần mức lương cơ sở
– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).
Thiệt hại do thi thể bị xâm phạm
Người có hành vi xâm phạm đến thi thể thì phải chịu bồi thường các chi phí sau đây:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết theo thỏa thuận hoặc không quá 30 lần mức lương cơ sở với mỗi thi thể bị xâm phạm.
Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm
Người có hành vi xâm phạm đến mồ mả thì phải chịu bồi thường các chi phí sau đây:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết theo thỏa thuận hoặc không quá 10 lần mức lương cơ sở. Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm
- Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:
Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
- Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.
Trên đây là một số tư vấn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến nội dung tư vấn của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ hotline của Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tốt nhất.