Công bố mỹ phẩm là việc tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm tiến hành các thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm, đăng ký quy trình công bố mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và phải chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Khái niệm mỹ phẩm, công bố mỹ phẩm?
Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thế con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thế, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt (khoản 1 điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT)
Công bố mỹ phẩm là việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm tiến hành các thủ tục tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Giấy đăng ký công bố mỹ phẩm là gì?
Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là số do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp khi tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm. Số tiếp nhận Phiếu công bố có giá trị chứng nhận sản phẩm mỹ phẩm đã được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường khai báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc mỹ phẩm sẽ được lưu thông trên thị trường mà không có giá trị chứng nhận sản phẩm đó đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và các phụ lục (Annexes) kèm theo (khoản 4 Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT)
Vì sao phải đăng ký công bố lưu hành mỹ phẩm?
Việc công bố chất lượng mỹ phẩm tại mỗi quốc gia, đặc biệt là công bố mỹ phẩm nhập ngoại trước khi lưu hành là việc làm góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng, là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh khi có rủi ro sảy ra đối với sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cũng là hành vi bảo vệ người tiêu dùng trước các sản phẩm mỹ phẩm.
Điều kiện công bố mỹ phẩm gồm những gì?
Để tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm, sản phẩm công bố và đơn vị công bố phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Điều kiện về ngành nghề kinh doanh:
Đơn vị công bố phải có ngành nghề kinh doanh mua bán (bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm), xuất nhập khẩu mỹ phẩm
+ Điều kiện về giấy phép sản xuất:
Đối với các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, đơn vị công bố phải nộp kèm theo giấy phép sản xuất mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép
+ Kiểm nghiệm sản phẩm
Với các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, khi tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm, sản phẩm phải được kiểm nghiệm tại trung tâm kiểm nghiệm để kiểm tra thành phần mỹ phẩm.
+ Điều kiện đối với sản phẩm nhập khẩu
Sản phẩm nhập khẩu để có thể công bố phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do cho sản phẩm tại quốc gia sản xuất và giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho đơn vị phân phối tại Việt Nam thay mặt họ công bố
+ Điều kiện về sản phẩm công bố
Sản phẩm mỹ phẩm công bố phải nằm trong danh mục sản phẩm mỹ phẩm được phép công bố theo quy định của pháp luật, thành phần tạo thành sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn và không gây hại cho người sử dụng.
Hồ sơ công bố lưu hành mỹ phẩm
Hồ sơ công bố lưu hành mỹ phẩm sản xuất trong nước:
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất; thì phải có bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất;
– Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất);
– Bản kiểm nghiệm và bản công thức của mỹ phẩm công bố;
– Bản tiêu chuẩn chất lượng của mỹ phẩm và phương pháp thử;
– Phiếu kiểm nghiệm;
– Dữ liệu kỹ thuật hoặc dữ liệu lâm sàng để chứng minh những công dụng đặc biệt của sản phẩm (nếu có);
– Nhãn sản phẩm.
Hồ sơ công bố lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu:
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức; cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Trường hợp tổ chức; cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất; thì phải có bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất;
– Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm uỷ quyền cho tổ chức; cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam; phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:
+ CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
+ CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công thức thành phần: Ghi đầy đủ các thành phần cấu tạo; hàm lượng hoặc tỷ lệ phần trăm của từng thành phần;
Bản phác thảo định hướng phát triển.
Thẩm quyền cấp giấy phép công bố mỹ phẩm
– Đối với mỹ phẩm nhập khẩu: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Cục Quản lý dược – Bộ Y tế.
– Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất, đóng gói từ bán thành phẩm nhập khẩu được coi như sản phẩm sản xuất trong nước.
Đối với mỹ phẩm kinh doanh trong phạm vi Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thực hiện công bố tại Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; mỹ phẩm kinh doanh trong phạm vi Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị thực hiện công bố tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị.
Thủ tục cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm
Thủ tục cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ được thực hiện theo các bước sau:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ công bố mỹ phẩm
Hồ sơ công bố mỹ phẩm sẽ được lập thành 01 bộ với các thành phần hồ sơ đã nêu ở trên và nộp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
– Bước 2: Nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
+ Đối với hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước: nộp tại Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất, đóng gói từ bán thành phẩm nhập khẩu được coi như sản phẩm sản xuất trong nước
+ Đối với hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu: Cục quản lý dược – Bộ Y tế
– Bước 3: Hình thức nộp:
– Đối với hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước: nộp trực tuyến và gửi hồ sơ gốc bằng đường bưu điện tới cơ quan tiếp nhận
– Đối với hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu: nộp trực tuyến qua hệ thống online của Cổng thông tin một cửa Quốc Gia
– Bước 4: Xem xét, thẩm định hồ sơ công bố mỹ phẩm
+ Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
+ Trường hợp hồ sơ công bố chưa đáp ứng theo quy định của Thông tư này thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố biết các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nêu cụ thể các nội dung chưa đáp ứng)
Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo theo quy định tại điểm b khoản này, nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không nhận được hồ sơ bổ sung của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố thì hồ sơ công bố không còn giá trị. Trong trường hợp này, nếu tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục công bố thì phải nộp hồ sơ mới và nộp lệ phí mới theo quy định.
Tuy nhiên trên thực tế thời gian giải quyết hồ sơ thường kéo dài hơn, đối với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước thời gian thường là 10-15 ngày làm việc; Đối với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu sẽ thường kéo dài từ 20-25 ngày làm việc.
– Bước 5: Cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm khi hồ sơ hợp lệ
Như vậy sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên và được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường sẽ được phép lưu thông một cách hợp pháp các sản phẩm mỹ phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, phân phối.
Không đăng ký công bố mỹ phẩm khi đưa ra thị trường có bị xử phạt không?
Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 117/2020/NĐ-CP Ngày 28/09/2020 thì đối với hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài hình phạt chính là phạt tiền sẽ có thêm hình thức xử phạt bổ sung là Đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm trong thời hạn từ 03 đến 06 tháng và
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm vi phạm
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về quy trình công bố mỹ phẩm. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.