Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, việc đăng ký mã số thuế và mã số doanh nghiệp là các bước vô cùng quan trọng. Đối với mã số doanh nghiệp và mã số thuế có liên quan gì tới nhau. Mã số thuế liệu có chính là mã số doanh nghiệp. Vậy mã số doanh nghiệp là gì? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mã số doanh nghiệp là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật doanh nghiệp 2020: “Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Theo Khoản 3 Điều 8 nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: “Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.”
Như vậy, giống như số định danh đối với cá nhân, mã số doanh nghiệp là đặc định với từng pháp nhân là doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Mã số này là duy nhất, tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của một doanh nghiệp và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.
Do đó, kể cả khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sau đó hoạt động trở lại, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, …. thì mã số này vẫn không thay đổi sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hành chính và đã được ghi nhận trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Mã số doanh nghiệp dùng để làm gì?
Theo Khoản 2 Điều 29 Luật doanh nghiệp 2020: “Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác”.
Theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: “Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội”. Trước kia, mỗi cơ quan quản lý về thuế (Bộ Tài chính), quản lý về bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), quản lý về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp cho doanh nghiệp một mã số khác nhau để quản lý.
Do vậy, để được cấp các mã số này, doanh nghiệp phải thực hiện 02 bộ hồ sơ khác nhau, gây bất tiện cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc giam sát thực hiện nghĩa vụ doanh nghiệp. Nghị định 43/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2005 ra đời đã hợp nhất mã số doanh nghiệp và mã số thuế, nhưng còn với mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội thì phải đến khi Luật doanh nghiệp 2020 ra đời mới được hợp nhất. Việc quy định chung này đã nâng cao tính nhất quán, thuận tiện, cắt giảm thủ tục hành chính cho các chủ thể trong quản lý thông tin doanh nghiệp của nhà nước.
Đối với mỗi doanh nghiệp, mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thủ tục khai thuế thu nhập doanh nghiệp, thủ tục thu nộp bảo hiểm xã hội hay khi doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng dân sự, thương mại với chủ thể khác, mã số doanh nghiệp đều được ghi nhận như một phương tiện xác định sự tồn tại và hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp đó. Đối với cơ quan nhà nước, đây là phương tiện được thống nhất sử dụng để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
Mã số doanh nghiệp là cơ sở để hình thành nên mã số đơn vị phụ thuộc (chi nhánh/ văn phòng đại diện), mã số địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 8 Nghị định trên. Mã số đơn vị phụ thuộc cùng đồng thời là mã số thuế của đơn vị đó, đây là điểm mới của pháp luật ra đời cùng Luật doanh nghiệp 2020. Với địa điểm kinh doanh, mã số này không đồng thời là mã số thuế của địa điểm kinh doanh đó.
Mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực khi nào?
Theo Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: “Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp cũng chấm dứt hiệu lực.” Như vậy, đây là trường hợp điển hình gắn với sự tồn tại của một doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia.
Ngoài ra, mã số doanh nghiệp cũng có thể bị chấm dứt trong một số trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý doanh nghiệp như bị chấm dứt hiệu lực do vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên phạm vi chấm dứt chỉ áp dụng đối với lĩnh vực quản lý đó, cụ thể trong trường hợp này, doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc chỉ không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế, còn đối với các mục đích khác ngoài thuế, mã số doanh nghiệp không bị chấm dứt hiệu lực.
Quy định về hồ sơ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp 2020
Khi mới đăng ký thành lập kinh doanh, trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký và giấy phép hoạt động thì doanh nghiệp cần chuẩn hồ sơ đăng ký mã số thuế để gửi đến cơ quan thuế chủ quản (có thể đến gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến cho cơ quan thuế)
Khi thực hiện hồ sơ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp, bạn phải chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ dưới đây:
1/ Tờ khai đăng ký thuế thực hiện theo mẫu số 02-ĐK-TCT, nếu có thì đính kèm thêm các bảng kê khai
2/ Bản photo không yêu cầu công chứng: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập công ty hay giấy chứng nhận đầu tư
3/ Nếu có các bảng kê khai dưới đây thì nộp kèm theo: Bản kê khai các văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch theo mẫu số 02-ĐK-TCT-BK01; Bản kê khai các kho hàng trực thuộc theo mẫu số 02-ĐK-TCT-BK02; Bản kê khai các nhà thầu phụ theo mẫu số 02-ĐK-TCT-BL03.
Với 3 giấy tờ nêu trên, bạn đã hoàn tất bộ hồ sơ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp và thời hạn giải quyết chậm nhất là 3 ngày không tính vào thời gian chỉnh sửa, bổ sung thêm giấy tờ vào hồ sơ sẽ được giải quyết (áp dụng với những hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế)
Tra cứu mã số doanh nghiệp
Trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Mã số doanh nghiệp được tra cứu và cung cấp công khai, miễn phí trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Theo Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, các chủ thể có thể tra cứu mã số của một doanh nghiệp bất kỳ bằng cách:
Bước 1: truy cập tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn
Bước 2: chọn mục tìm doanh nghiệp, sau đó nhập tên doanh nghiệp cần tra cứu được ghi nhận trên Giấy đăng ký doanh nghiệp vào ô tìm kiếm của trang.
Bước 3: nhấp chuột vào thông tin doanh nghiệp cần tìm (tên, mã số nội bộ, mã số doanh nghiệp) ở dải kết quả hiện ra (bao gồm các doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống). Khi đó, các thông tin khác về doanh nghiệp như tên doanh nghiệp viết tắt, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, loại hình pháp lý, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính, ngành nghề hoạt động sẽ hiện lên trang màn hình lớn bên cạnh thông tin về mã số doanh nghiệp cần tìm.
Trên Cổng thông tin của Tổng Cục thuế
Do mã số doanh nghiệp đồng nhất với mã số thuế, nên chủ thể muốn tra cứu thông tin này có thể sử dụng Cổng thông tin của Tổng Cục thuế để tra cứu theo thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cụ thể:
Bước 1: truy cập tại địa chỉ tracuunnt.gdt.gov.vn
Bước 2: lựa chọn tab “Thông tin về người nộp thuế”.
Bước 3: nhập thông tin khác ngoài mã số thuế, chẳng hạn tên tổ chức cá nhân nộp thuế, địa chỉ trụ sở kinh doanh, số Chứng minh thư hoặc căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và nhấp vào ô tra cứu. Kết quả nhận được sẽ là các thông tin liên quan đến mã số thuế, đồng thời là mã số doanh nghiệp cần tìm.
Sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin doanh nghiệp
Hai mục trên đây đã trình bày các cách tra cứu mã số doanh nghiệp miễn phí trên các trang web chính thống của cơ quản quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, do mã số doanh nghiệp là một thông tin về đăng ký doanh nghiệp, do vậy chủ thể có nhu cầu tra cứu mã số doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng phương thức tra cứu thông tin đăng ký doanh nghiệp có trả phí theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp 2020 và được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Ưu điểm của phương thức này đó là thông tin về doanh nghiệp được cung cấp sẽ đầy đủ và chi tiết hơn, tuy nhiên nhược điểm đó là chủ thể tra cứu phải trả phí, lệ phí theo mức được quy định tại Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Về thủ tục, chủ thể cần tiến hành gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp qua cổng thông tin quốc gia https://dangkykinhdoanh.gov,vn hoặc gửi trực tiếp đến Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin. Chủ thể cần lưu ý khi lựa chọn một trong hai cơ quan trên, thông tin được cung cấp sẽ nằm trong phạm vi lưu giữ và quản lý của từng cơ quan, tuy nhiên sẽ luôn bao gồm mã số doanh nghiệp vì đây là thông tin cơ bản của một doanh nghiệp.
Mã doanh nghiệp có bao nhiêu số?
Việc cấp mã doanh nghiệp được thực hiện tự động theo phương thức trực tuyến trên Hệ thống Đăng ký thuế của Tổng cục Thuế ngay trong ngày làm việc theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật doanh nghiệp kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo đúng quy định từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Từ nghị định 43 năm 2010 của chính phủ đã quy định mã số thuế và mã số doanh nghiệp đồng thời là một nên hiện nay mã số doanh nghiệp sẽ có 10 số. Tuy nhiên tại mỗi tỉnh sẽ có quy định số thứ tự 03 số đầu tiên trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như ở Hà Nội sẽ là 010, Hồ Chí Minh là 034, Cần Thơ là 180…
Lưu ý: Các văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và có phát sinh nghĩa vụ thuế thì mã số thuế được cấp là 13 số.
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp không tránh khỏi những băn khoăn và các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục pháp lý. Mọi thông tin liên quan đến dịch vụ thành lập chi nhánh công ty cổ phần xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Trần và Liên Danh để được các luật sư hỗ trợ tốt nhất!