Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 39/2018/NĐ-CP, và có hiêu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2021. Theo đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ là gì?
Căn cứ Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định cách hiểu về doanh nghiệp siêu nhỏ như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Như vậy, doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định trong từng lĩnh vực khác nhau, là những doanh nghiệp đảm bảo quy định về số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, doanh thu và nguồn vốn của doanh nghiệp.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam
Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
“Điều 5. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”
Cách xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
“Điều 6. Xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Ngành nghề chính được xác định theo hệ thống ngành kinh tế mới nhất ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ
Doanh nghiệp siêu nhỏ được nhận những chính sách hỗ trợ sau đây:
– Hỗ trợ công nghệ
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp siêu nhỏ tiến hành thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm.
– Hỗ trợ tư vấn
Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội.
Nội dung tư vấn là các vấn đề về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất – kinh doanh (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành).
Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ:
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò quan trọng như thế nào trong nền kinh tế? Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh. Hiện nay có tổng số 95% các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoạt động dưới mô hình này. Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể.
Giữ vai trò ổn định nền kinh tế: ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ví là thanh giảm sóc cho nền kinh tế.
Làm cho nền kinh tế năng động: vì doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh và thay đổi phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có mặt ở khắp các địa phương và là người đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương.
Đóng góp không nhỏ giá trị GDP cho quốc gia.
Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ:
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một lượng lớn trong tổng số các doanh nghiệp trong một quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Với khả năng sử dụng trên 50% tổng số lao động xã hội hiện nay và tạo ra khối lượng công ăn việc làm lớn lên tới 65% cho người lao động trên toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tận dụng nhân công tại địa phương để sử dụng nhờ đó giải quyết rất nhiều bài toán nhân lực cho cơ quan nhà nước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô vốn khá hạn hẹn và thường không tiếp cận với nguồn vốn lớn từ các ngân hàng đầu tư. Điều này gây ra hạn chế trong việc đổi mới trang thiết bị và xúc tiến phát triển công việc cho các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp nhỏ có sự cạnh tranh gắt gao với các công ty tập đoàn lớn cùng làm dịch vụ với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệp nhỏ thường gặp thua thiệt trong việc chiếm lĩnh thị trường đặc biệt ở những khu vực nước ngoài.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại chứ không tập trung vào sản xuất và chế biến. Chủ yếu là các nghành nghề liên quan đến mua bán sản xuất đồ dùng các loại dịch vụ và phân bố hàng tiêu dùng.
Cách xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về xác định số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
“Điều 7. Xác định số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội của tất cả các tháng trong năm trước liền kề chia cho 12 tháng.
Số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội của tháng được xác định tại thời điểm cuối tháng và căn cứ trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của tháng đó mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.”
Theo đó, cách tính số lao động tham gia BHXH bình quân năm được tính bằng công thức sau:
Số lao động tham gia BHXH bình quân năm = Tổng số lao động tham gia BHXH của năm : 12
Cách xác định tổng vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa?
Tại Điều 8 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
– Tổng nguồn vốn của năm được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Tổng nguồn vốn của năm được xác định tại thời điểm cuối năm.
– Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ.
Xác định tổng doanh thu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa?
Đối với quy định về xác định tổng doanh thu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì tại Điều 9 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định như sau:
– Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế.
– Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 8 Nghị định này để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về doanh nghiệp siêu nhỏ. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.