Hiện nay, số lượng người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam có nhu cầu sinh sống tại Việt Nam ngày một đông. Theo đó, những người nước ngoài có kết hôn với công dân Việt Nam sẽ được cấp thẻ tạm trú để sinh sống hợp pháp tại Việt Nam theo các quy định cụ thể. Việc đăng ký thẻ tạm trú tại Việt Nam ngoài ra còn là một cách để người nước ngoài được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.
Thẻ tạm trú là gì?
Thẻ tạm trú là một trong những vấn đề trọng tâm khi nhắc đến quản lý nhà nước về cư trú đối với người nước ngoài. Thẻ tạm trú, thẻ thường trú là những giấy tờ quan trọng và cần thiết cho phép người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Theo giải thích tại Khoản 13, Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: “Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.”
Dựa vào khái niệm này, có thể đưa ra các đặc điểm của thẻ tạm trú:
– Một là, thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cụ thể là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh – là cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (Khoản 15, Điều 3, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam)- Cục quản lý xuất nhập cảnh. Hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ ngoại giao, ví dụ: Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
– Hai là, thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài. Đây là những cá nhân không có quốc tịch Việt Nam.
– Ba là, thẻ tạm trú cho phép người nước ngoài được cư trú có thời hạn. Việc xác định thời hạn tùy theo từng loại thẻ tạm trú, thường từ 02 năm đến 05 năm.
– Bốn là, thẻ tạm trú có giá trị thay thị thực. Theo giải thích tại Khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: “Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.” Việc ghi nhận thẻ tạm trú có giá trị thay thị thực cũng hoàn toàn hợp lý bởi bản chất của thẻ tạm trú bao hàm thị thực.
Quy định về thẻ tạm trú cho người nước ngoài:
Nghiên cứu quy định về thẻ tạm trú cho người nước ngoài, tác giả tập trung vào các vấn đề sau:
Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú:
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, có 02 trường hợp được cấp thẻ tạm trú (gắn với ký hiệu thẻ tạm trú):
Trường hợp 1 (bắt buộc): Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự bao gồm người đứng đầu cơ quan đại diện, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và nhân viên cơ quan đại diện. Việc cấp thẻ tạm trú đối với các đối tượng này cũng được xem là một trong các nội dung về ưu đãi ngoại giao trong theo xu hướng của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Các thành viên của cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ thường đến Việt Nam với vai trò quan trọng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của họ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, hỗ trợ các quốc gia trong một số chiến dịch, do đó, việc cấp thẻ tạm trú cũng là điều dể hiểu để họ có khả năng chủ động thực hiện trách nhiệm của mình. Đối vợ, chồng, con dưới 18 tuổi và người giúp việc cũng được cấp là sự “đi theo” chính sách cấp thẻ tạm trú đối với các đối tượng đặc biệt.
Việc cấp thẻ thị thực trong trường hợp này khá đơn giản và việc quản lý cũng hiệu quả bởi hoạt động của người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam thường có nhiệm kỳ cụ thể, thẻ tạm trú có thời hạn cũng sẽ gắn với thời hạn nhiệm kỳ này.
Thẻ tạm trú áp dụng đối với trường hợp này có ký hiệu là NG3.
Trường hợp 2 (xét cấp): Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
Đây là trường hợp loại trừ trường hợp 1, việc xác định người nhập cảnh bằng thị thực có các ký hiệu trên được quy định tại Điều 8 Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 và Điểm c, đ, g, i Khoản 3 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019. Việc cấp thẻ tạm trú trong trường hợp này không phát sinh đương nhiên mà dựa trên đề nghị và các điều kiện khác áp dụng đồng thời để được cấp thẻ tạm trú.
Ký hiệu thẻ tạm trú trong trường hợp này được áp dụng tương tự như ký hiệu thị thực: LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
Thủ tục, thẩm quyền giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú và thủ tục cấp thẻ tạm trú:
Thủ tục, thẩm quyền giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú và thủ tục cấp thẻ tạm trú được quy định tại Điều 4, Thông tư 31/2015/TT-BCA; Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BNG và Điều 37 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người nước ngoài phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân đã mời, bảo lãnh trực tiếp làm thủ tục tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú. (Khoản 1, Điều 4 Thông tư 31). Tức là, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh là chủ thể tiến hành đề nghị cấp thẻ tạm trú.
Hồ sơ đề nghị theo quy định tại Khoản 1, Điều 37 Luật, bao gồm: (1) Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh; (2) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh; (3) Hộ chiếu; (4) Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được cấp thẻ tạm trú theo giải thích tại mục 2.1.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị: Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú.
Nhìn chung, trình tự, thủ tục cấp thẻ tạm trú không quá khó khăn, đó phải là sự phối hợp của các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh hoạt động cấp thẻ tạm trú, tạo điều kiện cho người nước ngoài có địa vị pháp lý nhất định, được sinh sống và làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp trong thời gian nhanh nhất,
Cần chú ý đến phân loại thẩm quyền, nếu là cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và có vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ thì cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp thẻ tạm trú.
Nếu người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT thì Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp thẻ tạm trú.
Thời hạn của thẻ tạm trú:
Thời hạn của thẻ tạm trú là khoảng thời gian thẻ tạm trú có hiệu lực. Thời hạn của thẻ tạm trú được cấp phù hợp với mục đích nhập cảnh và đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và về nguyên tắc “có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm nhưng ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.” (Khoản 4, Điều 4, Thông tư 31/2015/TT-BCA), cụ thể:
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, ĐT và DH có thời hạn không quá 05 năm.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, TT có thời hạn không quá 03 năm.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
Khi hết thời hạn, thẻ tạm trú được xem xét cấp thẻ mới. Việc quy định về thời hạn của thẻ tạm trú có ý nghĩa trong việc quản lý và phân định với thẻ thường trú theo quy định của pháp luật.
Điều kiện làm thẻ tạm trú cho chồng là người nước ngoài
Những điều kiện làm thẻ tạm trú cho chồng là người nước ngoài bao gồm:
+ Hộ chiếu của người nước ngoài phải còn hạn sử dụng tối thiểu là 13 tháng
+ Người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký tạm trú tại công an xã, phường hoặc đăng ký trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật.
+ Có giấy tờ chứng minh mối quan hệ pháp lý (Giấy chứng đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận quan hệ gia đình ….) với vợ là công dân Việt Nam.
Làm thẻ tạm trú cho chồng là người nước ngoài như thế nào?
Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho chồng là người nước ngoài
Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc Bản sao hợp pháp hóa lãnh sự Ghi chú kết hôn tại Việt Nam đối với trường hợp đăng ký kết hôn ở nước ngoài;
Đơn xin bảo lãnh và cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA7);
Tờ khai đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA8);
Hộ chiếu và visa gốc (hộ chiếu còn hạn ít nhất 13 tháng và visa nhập cảnh Việt Nam đúng mục đích);
Bản sao công chứng Sổ hộ khẩu Việt Nam của vợ hoặc chồng là người Việt Nam;
Bản sao công chứng CMND hoặc CCCD của vợ hoặc chồng là người Việt Nam;
02 ảnh cá nhân có kích thước 2cm x 3cm.
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu là cấp tại nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng);
Đơn xin xác nhận tạm trú hoặc bảng kê khai tạm trú tại công an nơi cư trú.
Thủ tục xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú
Nếu đầy đủ, hợp lệ, thì nhận hồ sơ, in và trao giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.
Thời gian nộp hồ sơ: Từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
Bước 3: Nhận kết quả
Trong vòng 05 ngày làm việc nhà đầu tư đến nhận kết quả đưa giấy biên nhận, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu cho cán bộ trả kết quả kiểm tra, đối chiếu, nếu có kết quả cấp thẻ tạm trú, thì yêu cầu nộp lệ phí sau đó ký nhận và trao thẻ tạm trú cho người đến nhận kết quả (kể cả không được giải quyết).
Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và thứ 7, chủ nhật).
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về làm thẻ tạm trú cho chồng là người nước ngoài. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.