Đăng ký kinh doanh online đang là hình thức được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Vậy các bước đăng ký kinh doanh online được thực hiện thế nào?
Nhà đầu tư được đăng ký kinh doanh online theo hình thức nào?
Đăng ký kinh doanh online là tên thường gọi của hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đăng ký kinh doanh qua mạng được thực hiện như sau:
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Như vậy, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong 02 cách sau để thực hiện đăng ký kinh doanh online:
– Đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh:
Tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp.
Một Tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân. Cá nhân được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin đăng ký.
– Đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số:
Chữ ký số là một dạng chữ ký bằng phương pháp điện tử dùng để thay thế chữ ký thông thường, mẫu dấu trong các văn bản của cơ quan, tổ chức.
Khi đăng ký doanh nghiệp theo hình thức này, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ là các văn bản điện tử (định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf”) qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp thay vì nộp bản giấy.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh online gồm những gì?
Theo Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tùy vào loại hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mà hồ sơ đăng ký kinh doanh online sẽ khác nhau. Cụ thể:
Loại hình doanh nghiệp |
Hồ sơ đăng ký kinh doanh online |
Doanh nghiệp tư nhân |
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. – Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. |
Công ty hợp danh |
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. – Điều lệ công ty. – Danh sách thành viên. – Bản sao các giấy tờ: + Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, của người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. |
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần |
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. – Điều lệ công ty. – Danh sách thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (công ty cổ phần). – Bản sao các giấy tờ: + Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. + Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông tổ chức đầu tư nước ngoài và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. |
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên |
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. – Điều lệ công ty. – Bản sao các giấy tờ: + Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. + Giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty; giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. + Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. |
Lưu ý: Các giấy tờ nêu trên phải văn bản điện tử (định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf”).
Hướng dẫn các bước đăng ký kinh doanh online
Theo Điều 44, 45 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục đăng ký kinh doanh online được thực hiện như sau:
Bước 1: Đăng nhập tài khoản trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Link đăng nhập: https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn/inf/default.aspx
Bước 2: Kê khai thông tin và tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ và nộp lệ phí theo quy định.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
– Người nộp hồ sơ sẽ nhận được giấy biên nhận hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp.
– Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết.
Trước đây, sau khi Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo chấp thuận thì doanh nghiệp phải một bộ hồ sơ bằng bản giấy lên để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ giấy nhưng người thực hiện thủ tục vẫn phải lên Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ưu, nhược điểm khi đăng ký giấy phép kinh doanh online
Ưu điểm
Doanh nghiệp chủ động sắp xếp thời gian đăng ký kinh doanh tiện lợi nhất, không phụ thuộc vào giờ hành chính của cơ quan đăng ký giấy phép kinh doanh online
Tiết kiệm phí đăng ký kinh doanh, thời gian đáng kể hơn khi thực hiện đăng ký kinh doanh trực tiếp tại cơ quan đăng ký. Không phải xếp hàng chờ đợi, nhận lịch hẹn.
Hạn chế việc di chuyển đối với những doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện ở những địa bàn khác tỉnh, thành phố.
Hồ sơ cập nhật trực tuyến được lưu trữ trọn đời giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, kiểm soát và quản lý.
Phía cơ quan đăng ký kinh doanh có thể giảm áp lực giải quyết giấy tờ, hồ sơ, góp phần sử dụng tài nguyên và nhân sự hiệu quả; giảm tải tình trạng quá tải cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong những ngày đông khách.
Nhược điểm
Đăng ký giấy phép kinh doanh online vẫn còn là hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp gây nên những hạn chế, bất tiện khi sử dụng hình thức này.
Đăng ký ngành, nghề kinh doanh như thế nào?
Hiện nay, hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam được quy định cụ thể tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg (VSIC 2018), trước đó, được quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg (VSIC 2007).
Mã ngành, nghề dùng để nhận diện ngành, nghề của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều mã ngành, nghề tuỳ thuộc vào số lượng ngành, nghề đăng ký. Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần phải biết ghi mã ngành, nghề khi kê khai hồ sơ đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể căn cứ theo Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
– Doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Đăng ký ngành, nghề kinh doanh không có mã
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung ngành, nghề thì doanh nghiệp gửi phải thông báo bổ sung ngành, nghề.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng lại có trong các văn bản pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo các văn bản đó. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn không có mã ngành, nghề kinh doanh để doanh nghiệp bổ sung.
Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì doanh nghiệp có thể thông báo lên Cơ quan đăng ký kinh doanh. Sau đó, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Trường hợp này doanh nghiệp có thể thêm mã ngành, nghề căn cứ trên quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, quy trình và thời gian xét duyệt ngành, nghề không được quy định cụ thể. Vì thế, thủ tục này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng phương pháp sau để đăng ký những ngành nghề kinh doanh không có mã:
Theo nội dung tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, đối với mỗi nhóm ngành, nghề lớn (cấp 2, cấp 3) đều có các mã ngành nghề nhỏ (cấp 4, cấp 5) là “ngành, nghề khác chưa được phân vào đâu”.
Ví dụ:
– 1079: Sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu;
– 2029: Sản xuất sản phẩm hoá chất khác chưa được phân vào đâu;
– 3099: Sản xuất phương tiện và thiết bị vận tải khác chưa được phân vào đâu…
Đối với những ngành, nghề không có mã, không xác định được mã, doanh nghiệp có thể đăng ký mã ngành, nghề này theo các mã có nội dung: (Ngành, nghề) chưa được phân vào đâu. Lưu ý, doanh nghiệp phải chọn đúng nhóm ngành lớn của ngành, nghề như: xây dựng, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Như vậy, khi kinh doanh các ngành, nghề không có mã theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, doanh nghiệp không cần phải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung mà chỉ cần xếp vào các mã ngành, nghề chưa được phân vào đâu.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về quy trình dkkd qua mạng. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.