Thủ tục chuyển nhượng vốn trong công ty tnhh

thủ tục chuyển nhượng vốn trong công ty tnhh

Chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn có phải nộp thuế hay không ? Hướng dẫn xác lập giấy chứng nhận phần vốn góp vào công ty TNHH ? Thủ tục chuyển nhượng vốn góp tại công ty TNHH ? Thủ tục chuyển nhượng vốn góp công ty TNHH hai thành viên trở lên ? và các vấn đề khác liên quan đến góp vốn, chuyển nhượng vốn góp sẽ được Luật Trần và Liên Danh tư vấn cụ thể:

Khái niệm Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, trong đó thành viên công ty có thể là cá nhân, tổ chức với số lượng thành viên trong công ty không vượt quá 50 người. Thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Hiện nay, tại điều 46, Luật doanh nghiệp năm 2020 hiện đang có giá trị áp dụng thì công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định như sau:

Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.

Đặc điểm công ty TNHH hai thành viên trở lên:

Tư cách pháp lý:

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo trình tự thủ tục về đăng ký kinh doanh.

Công ty TNHH là một pháp nhân. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thành lập, cơ cấu tổ chức, sự độc lập về tài sản, trách nhiệm và tham gia các quan hệ pháp luật độc lập với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn. Pháp nhân chủ yếu gồm: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại (Xem thêm Điều 75, 76 Bộ luật Dân sự năm 2015). Công ty TNHH hai thành viên là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Công ty TNHH hai thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tài sản của công ty được tách bạch với tài sản của các thành viên công ty. Đây cũng chính là đặc điểm cơ bản của loại hình công ty đối vốn trên thế giới.

Đặc điểm của thành viên

Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty. Thành viên của công ty bao gồm/và là nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, số lượng thành viên của công ty tối thiểu là 02 và không vượt quá năm mươi thành viên. Đây là một loại hình công ty mang tính chất “gia đình”, giữa các thành viên công ty thường có quan hệ gần gũi với nhau. Và vì vậy có thể đặc điểm này của công ty TNHH gần với bản chất của loại hình công ty đối nhân.

Đặc điểm về trách nhiệm tài sản

Công ty chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty (TNHH). Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số von đã góp vào công ty trừ trường hợp thành viên chưa góp vốn hoặc góp không đủ so vốn đã cam kết. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên. Điều này cho thấy trong công ty TNHH có sự tách bạch tài sản giữa tài sản công ty và tài sản của các thành viên công ty.

Nguyên tắc phân tách tài sản được áp dụng trong mọi quan hệ tài sản, nợ nần và trách nhiệm pháp lý của công ty trong quá trình hoạt động (vốn cam kết hoặc số vốn đã góp vào công ty). Theo Luật Công ty của Hoa Kỳ thì công ty TNHH (Limited Liability Company) là loại hình công ty mà chủ sở hữu chỉ có TNHH với nghĩa vụ tài sản của công ty. Các công ty TNHH một thành viên sẽ đóng thuế như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ đóng thuế như công ty hợp danh.

Đặc điểm góp vốn, huy động vốn, chuyển nhượng vốn

Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty. Như vậy số vốn để ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là số vốn mà các thành viên cam kết góp, tức số vốn không nhất thiết phải có thực tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, mà số vốn cam kết góp đó sẽ được các thành viên góp trong thời hạn theo quy định pháp luật.

Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.

Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp. Theo đó những loại tài sản mà các thành viên được phép góp vốn vào công ty là những tài sản theo quy định của pháp luật, cụ thể tài sản có thể là: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Các thành viên có thể góp vốn cho công ty bằng tài sản khác với tài sản đã cam kết góp trước đó nếu được sự tán thành của đa số thành viên. Ví dụ: khi cam kết góp vốn, thành viên cam kết góp bằng tiền mặt nhưng sau đó có nguyện vọng được thay thế bằng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có giá trị tương đương thì các thành viên còn lại của công ty sẽ yêu cầu định giá đối với quyề sử dụng đất và quyết định có đồng ý cho thành viên đó góp vốn bằng quyền sử dụng đất đó không.

Xử lý đối với trường hợp thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết: Sau thời hạn 90 ngày theo quy định mà thành viên chưa góp vốn theo cam kết sẽ đương nhiên không còn là thành viên của công ty. Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp. Phần vốn chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên. Trong trường hợp này, công ty phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên. Như vậy, trong thời hạn 90 ngày để góp đủ số vốn cam kết góp thì các thành viên phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết góp về các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong khoảng thời gian đó mà không phải căn cứ vào phần vốn đã góp thực tế của thành viên.

Công ty TNHH không được phát hành cổ phần. Việc phát hành cổ phần là một trong những hành vi nhằm tạo lập vốn ban đầu cũng như trong quá trình hoạt động của công ty. Công ty TNHH không được phát hành cổ phần cho thấy sự gia nhập của người ngoài vào công ty bị hạn chế hơn so với công ty cổ phần. Tuy nhiên, công ty TNHH được phát hành trái phiếu để huy động vốn khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và theo điều lệ công ty.

Về chuyển nhượng vốn: Thành viên công ty được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong công ty phải tuân thủ theo các điều kiện nhất định. Vì vậy, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên bị hạn chế hơn so với việc chuyển nhượng vốn của thành viên trong công ty cổ phần.

Thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chuyển nhượng phần vốn góp như sau:

“1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

a) Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;

b) Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.

thủ tục chuyển nhượng vốn trong công ty tnhh
thủ tục chuyển nhượng vốn trong công ty tnhh

Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.”

Như vậy, thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình theo tỷ lệ tương ứng cho các thành viên khác trong công ty.

Sau khi chuyển nhượng thì thành viên chuyển nhượng vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua lại phần vốn góp này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.

Khi tiến hành chuyển nhượng phần vốn góp thì các bên tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp.

Chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn có cần phải thông báo với cơ quan đăng ký không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

“1. Doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Luật này.”

Và căn cứ theo Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

“Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;

Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.”

Nếu sau khi chuyển nhượng phần vốn góp mà dẫn đến làm thay đổi thành viên hoặc thay đổi vốn điều lệ thì công ty trách nhiệm hữu hạn phải thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở.

Thủ tục và hồ sơ chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định như thế nào?

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi thành viên góp vốn, công ty phải nhanh chóng thực hiện đăng ký thay đổi thành viên công ty với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở.

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký theo mẫu Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT;

– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Danh sách thành viên phải bao gồm chữ ký của thành viên mới và thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi, sử dụng mẫu Phụ lục I-6 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT – đã đính kèm trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

– Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực;

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có):

+ Đối với công dân Việt Nam: thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

+ Đối với người nước ngoài: hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

– Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh đã hoàn tất việc chuyển nhượng.

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng thực của thành viên chuyển nhượng, do nhận chuyển nhượng

+ Đối với công dân Việt Nam: thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

+ Đối với người nước ngoài: hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Thời hạn giải quyết hồ sơ là trong 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Sau khi được cấp giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì công ty phải thông báo công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thủ tục chuyển nhượng vốn trong công ty tnhh. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139